Chân bị nổi gân xanh dưới da, đau nhức, sưng phù có phải do không kiêng khem sau sinh?

Nhiều chị em sau khi sinh nở một thời gian thì thấy chân có hiện tượng tức nặng, phù ở mắt cá chân và dưới da nổi gân xanh ngoằn ngoèo như giun cho rằng: do việc kiêng cữ sau sinh nở không kỹ như tắm, giặt sớm nên bị vậy. Song ít người ngờ tới: đây là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm!

Chân nổi đầy “giun” do thừa cân, sinh nở không kiêng cữ?

Bà Đinh Thị Bắc (60 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thấy hai chân mình bị nổi đầy đường gân xanh như giun đã gần 20 năm nay. Mặc dù, chân nổi nhiều gân xanh trông mất thẩm mỹ nhưng bà lại không có hiện tượng đau đớn hay ảnh hưởng gì đến vận động nên bà cũng bỏ qua.

Chân bệnh nhân Đinh Thị Bắc nổi nhiều gân xanh ngoằn ngoèo như giun

“Tôi thấy chân mình có “giun xanh” lâu lắm rồi. Thấy các cụ bảo phụ nữ sau sinh không kiêng cữ cẩn thận sẽ bị như vậy nên tôi cũng không lo lắng gì. Bởi nghĩ lại cũng thấy có phần đúng, lúc tôi sinh cô con gái thứ 2 thì chồng bị ốm. Ngày thứ 3 sau khi sinh con tôi đã phải làm đủ mọi việc trong nhà từ chăm con, chăm chồng ốm, nấu cơm, giặt quần áo, rửa bát…

Chưa kể, theo thời gian cân nặng của tôi ngày càng tăng lên, dẫn đến việc đi lại nặng nề, các mạch máu ngoằn ngoèo nổi càng nhiều. Nhưng ngoài biểu hiện lạ trên thì tôi không thấy có hiện tượng gì khác nên đã không đi thăm khám.

Chỉ đến thòi gian gần đây, chân tôi luôn bị sưng phồng nhất là về chiều, chân tức nặng khi đứng lâu hay ngồi lâu 1 chỗ, rồi có hiện tượng đau nhức bàn chân, nhất là những lúc leo cầu thang. Đặc biệt, mỗi lần đứng làm việc nhà lâu là chân lại đau tức khó chịu, tôi phải ngồi gác chân lên cao nghỉ ngơi, xoa bóp một lúc mới đỡ” – bà Bắc chia sẻ.

Càng ngày, các cơn đau nhức, khó chịu ở chân ngày càng gia tăng, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì bà Bắc mới đến bệnh viện thăm khám thì được kết luận bị bệnh suy giãn tĩnh mạch nặng và phải tiến hành can thiệp để điều trị bệnh.

Tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn làm người bệnh đi lại khó khăn, gây đau nhức chân

Nhiều chị em nhầm lẫn với bệnh xương khớp hay đau dây thần kinh

Theo ThS.BS Trịnh Thị Đông - Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E), mạch máu trong cơ thể con người được chia làm 2 loại: Thứ nhất, là động mạch đưa máu từ tim đi nuôi cơ thể. Thứ hai, là tĩnh mạch dẫn máu từ các cơ quan trong cơ thể về tim.

Tĩnh mạch bình thường có hệ thống van một chiều theo hướng từ các chi về tim. Vì thế, khi xuất hiện bệnh lý suy tĩnh mạch tức là khi đó hệ thống van này đã bị mất chức năng. Dòng máu thay vì từ các chi đổ về tim thì lại có hiện tượng trào ngược về chi. Khi máu ứ lại tại chi (chân) thì ngoài có biểu hiện phồng mạch máu bất thường dưới da mà mắt thường có thể nhìn thấy được, thì còn gây ra triệu chứng đau nhức chân, khó chịu ở chân vào buổi chiều tối. Các biểu hiện đau, nhức chân sẽ đỡ hơn khi bệnh nhân đi ngủ, nghỉ mà có gác chân lên cao. bệnh lý tiến triển chậm, không rầm rộ, không gây tử vong nhưng theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến công việc sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Với biểu hiện đau nhức trên, khá nhiều người, nhất là chị em lại nhầm lẫn, nghi ngờ mình bị đau nhức xương khớp hay đau dây thần kinh do quá trình sinh nở không khiêng khem kỹ lưỡng nên lại đi chạy chữa theo 2 bệnh đó mà không thấy thuyên giảm.

"Nhiều người cho rằng bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới xảy ra ở phụ nữ, nhất là phụ nữ sau sinh do kiêng cữ không kỹ. Tuy nhiên, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Bởi bệnh này xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng nữ giới thường chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn. Cứ 5 người bị bệnh suy tĩnh mạch thì có 4 là nữ, 1 người là nam"- BS Đông nhấn mạnh.

Cũng theo BS Đông, mọi người cần hiểu cho đúng là, giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch nằm gần bề mặt của da bị giãn, xoắn (thường xuất hiện ở mặt trong đùi) và thường gặp biến chứng ở dưới cẳng chân (mặt phía trong của cẳng chân).

Với nhiều người, bệnh suy giãn tĩnh mạch chỉ là vấn đề về thẩm mỹ. Nhưng thực tế, suy giãn tĩnh mạch gây nên triệu chứng và các vấn đề khác nghiêm trọng hơn, ví dụ như hình thành nên cục máu đông, loét da và các biến chứng của rối loạn huyết động học (cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm).

Bởi nguyên nhân gây nên giãn tĩnh mạch là do suy hoặc yếu của các van nằm trong lòng tĩnh mạch. Tình trạng này không lây nhiễm, có mang tính chất di truyền gia đình, thường gặp ở người cao tuổi, phụ nữ, người thừa cân béo phì, những người thường phải làm công việc đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch có 6 cấp độ:

- Cấp độ 1 là suy van tĩnh mạch nhưng chưa giãn

- Cấp độ 2 là giãn tĩnh mạch

- Cấp độ 3 là phù quanh mắt cá chân, chân sưng to (khác với người bị bệnh thận là phù toàn thân) kèm theo tức nặng chân khi đứng hoặc ngồi lâu, tê bì, chân bị chuột rút về đêm

- Cấp độ 4 là biến đổi màu sắc da chân rất rõ

- Cấp độ 5 là bị loét da chân

- Cấp độ 6 là chân bị loét không liền được dẫn đến phải cắt cụt chân

Bệnh tiến triển từ cấp độ 1 đến cấp độ 6 diễn ra trong bao lâu còn tùy thuộc mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của từng người. Có những người thời gian tiến triển rất nhanh, chỉ khoảng 2 năm đã từ cấp độ 1 lên cấp độ 3.

ThS.BS Trịnh Thị Đông, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E

Người bệnh khi thấy có biểu hiện gì thì cần thăm khám bệnh suy giãn tĩnh mạch?

Người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới lúc đầu thường không có biểu hiện gì đặc biệt, có thể chỉ nổi những mạch máu màu xanh dưới da. Sau một thời gian bệnh tiến triển nặng hơn người bệnh sẽ thấy đau hoặc nặng bắp chân, bị sưng, mỏi chân, cảm giác kiến bò dọc cẳng chân, nhất là sau khi đứng hoặc ngồi lâu.

Những triệu chứng khác bao gồm phồng và xanh các tĩnh mạch dọc theo đùi, hoặc đầu gối và cổ chân, phù chân, khô và ngứa da, thay đổi màu sắc da, da mỏng, loét và nhiễm trùng mô mềm (viêm mô tế bào) có thể xảy ra gần cổ chân.

Bác sĩ Trịnh Thị Đông cho hay: “Nếu cơ thể có các triệu chứng kể trên thì rất có thể người đó đang bị suy van tĩnh mạch chi dưới, một tiền đề cho biến chứng nặng, rất nguy hiểm là thuyên tắc phổi và loét, dẫn đến hoại tử, cắt cụt chân.

Khi đó, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch để thăm khám và điều trị kịp thời. Tùy mức độ bệnh của mỗi người mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị khác nhau. Với người bị nhẹ có thể điều trị nội khoa bằng thuốc và đi tất tĩnh mạch (tất áp lực) để giảm triệu chứng, phòng ngừa bệnh tiến triển nặng".

Còn với những trường hợp suy giãn tĩnh mạch nặng, có thể áp dụng phương pháp mới có rất nhiều ưu điểm là nhiệt nội tĩnh mạch, gồm có điều trị bằng laze và điều trị bằng sóng cao tần, hoặc trường hợp nặng hơn nữa có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật”- BS Đông cho biết.

Bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới đang được bác sĩ điều trị bằng phương pháp nhiệt nội tĩnh mạch

Phòng bệnh bằng cách nào?

Theo BS Đông, để phòng ngừa bệnh hiệu quả cần hạn chế các yếu tố nguy cơ kể trên, đồng thời hình thành thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Một lối sống khoa học cùng với thường xuyên tập những động tác đơn giản dưới đây sẽ giúp đôi luôn chân khỏe mạnh:

- Đứng trên mũi chân và nhón lên, hạ xuống, lặp lại động tác này 20 lần.

- Thực hiện đi bằng mũi chân với những bước đi ngắn trong vòng 5 phút.

- Nằm thẳng lưng trên mặt phẳng và thực hiện động tác đạp xe đạp, lặp lại động tác 20 lần.

- Nằm thẳng lưng trên mặt phẳng, gập chân đụng ngực, duỗi thẳng chân và hạ từ từ xuống, lặp lại động tác 10 lần ở mỗi chân.

- Nằm thẳng lưng trên mặt phẳng, đưa chân thẳng lên 1 góc 90 độ và hạ xuống, lặp lại động tác 10 lần mỗi chân.

K.Thoa - Lý Lĩnh

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/chan-bi-noi-gan-xanh-duoi-da-dau-nhuc-sung-phu-co-phai-do-khong-kieng-khem-sau-sinh-d8168.html