Chạm vào Pắc Pó

Chúng tôi quyết định đi Pắc Pó, dẫu trong chương trình đi tour phải đi theo hướng khác. Tôi muốn chạm vào nơi rất đặc biệt này.

Chúng tôi quyết định đi Pắc Pó, dẫu trong chương trình đi tour phải đi theo hướng khác. Tôi muốn chạm vào nơi rất đặc biệt này.

Du khách tham quan di tích Pác Bó.

Du khách tham quan di tích Pác Bó.

Chuyện về suối Lê Nin, hang Pắc Pó với những câu thơ của Bác Hồ:

Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lê nin, kia núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà.

Ngược dòng lịch sử, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài để tìm ra con đường cứu nước, ngày 28-1-1941 (năm Tân Tỵ), Bác Hồ đã trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nơi Người đặt chân đầu tiên về Tổ quốc là mốc 108, nơi Người ở đầu tiên khi về nước hoạt động là núi rừng Pác Pó, thuộc xã Trường Hà, H. Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đến năm 1945.

Bây giờ nơi này thành một điểm du lịch, xe ô-tô của chúng tôi đi đến tận nơi, với bãi giữ xe tráng xi-măng đẹp đẽ. Tại đây, bên trái là những hàng quán nhỏ bán các loại nước uống, hàng lưu niệm, mỗi hàng rộng chừng vài mét vuông, có một bàn dài ở giữa, hơn chục ghế nhựa xếp hai bên. Một dòng suối nước trong xanh bên phải, đá hiện rõ và cá bơi tung tăng dựa vào dãy núi là suối Lê Nin, có tấm bảng ghi: "Suối Lê Nin" ở trên vách núi.

Dòng suối trong xanh, những cây liễu ven bờ rủ bóng tạo ra một cảm giác êm đềm, những cô hướng dẫn chia khách ra từng nhóm mà thuyết minh. Còn chúng tôi cứ ngắm nhìn con nước xuôi về mà mang trong lòng một cảm giác khó tả, bởi nơi này đã mang một dấu ấn vô cùng đặc biệt.

Theo hướng dẫn, chúng tôi đi qua cây cầu sắt bắc qua suối Lê Nin, và đi vòng cung. Con đường ven theo con suối, điểm xuyết dưới lòng suối là đá chen cây, nhiều cây cổ thụ ngã rạp bên bờ khiến cho cảnh vật trở nên huyền ảo. Nơi này cũng có rất nhiều cây lộc vừng cổ thụ, gốc cây bám vào đá, sần sùi.

Đi khoảng 100 mét thì tới đường lên hang Cốc Pó. Hang Cốc Pó rộng khoảng 80m2, cửa hang chỉ một người đi vừa. Đây là nơi Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 8-2-1941 đến trung tuần tháng 3-1941. Một con đường bậc cấp đưa chúng tôi lên cửa hang. Miệng hang rất nhỏ, phải từng 5 người một vào chứ không thể vào cùng một lúc. Có thể nhận ra vào thời điểm đưa vào khai thác du lịch, đường vào Cốc Pó còn khó khăn, vậy thì trong giai đoạn bác ở thì con đường vào gian nan đến dường nào. Trong hang đã được thắp sáng, một tấm phản gỗ được kê lên đá là nơi xưa kia làm chỗ ngủ của Bác. Trên cao có một tượng do thạch nhũ tạo thành đã được Bác đặt là tượng Các Mác.

Con đường bắt đầu vượt qua những ghềnh đá ở đầu ngồn Suối Lê Nin, gần đó là một cây ổi, đây là cây ổi rừng, hiện vẫn chỉ cao chừng hai mét, là cây ổi Bác hái lá để nấu nước uống trong giai đoạn 1941. Vượt qua những mô đá chông chênh là gặp một con đường đá, con đường đưa tới Bàn đá. Đó là một tảng đá đen lớn chồng lên những tảng đá khác, một tảng đá bên cạnh được bác dùng làm ghế ngồi. Rất nhiều người đã dừng chân ở nơi này, ghi lại một lần chạm đến.

Tiếp tục đi gặp một cây kim giao do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng năm 1975 nay đã cao gần 15 mét. Một tấm bảng ghi: "Đường lên mốc 108." Nơi vành đai biên giới giáp Trung Quốc. Và con đường cứ thế xuyên suốt bên này suối Lê Nin với cảnh vật nên thơ, bên suối, có những con vịt trắng thong dong bơi lội, bên suối đầy những viên sỏi, thỉnh thoảng vài cây cao tỏa bóng mát.

Một lần ghé Pắc Pó không phải là một chuyến rong chơi. Đó là một chuyến về nguồn đầy cảm xúc.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/111_206179_cham-vao-pac-po.aspx