Chấm tự luận thi THPT quốc gia năm 2019: Chọn người đủ năng lực và trách nhiệm

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GDĐT vẫn tiếp tục giao cho địa phương tổ chức chấm thi môn Ngữ văn. Giải pháp nào ngăn chặn triệt để tình trạng nâng điểm môn thi tự luận là điều dư luận đang đặt ra.

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Nỗ lực hạn chế tối đa gian lận

Trước những băn khoăn này, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La cho biết, năm 2019, địa phương sẽ tập trung vào công tác tuyển chọn giáo viên tham gia chấm thi môn tự luận. Để không có tiêu cực như năm ngoái, năm nay tỉnh sẽ chỉ chọn những giáo viên có phẩm chất, năng lực và có trách nhiệm tham gia chấm thi, đồng thời phải đảm bảo theo Quy chế của Bộ. Còn ông Bùi Trọng Đắc - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình - nơi từng xảy ra gian lận trong kỳ thi năm 2018 cho biết, hiện Sở vẫn đang tiến hành các công việc để chuẩn bị cho kỳ thi năm nay.

Tại Nghệ An, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT chia sẻ, năm 2019 tỉnh có 32.405 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó có 1.143 thí sinh tự do. Dự kiến sẽ có khoảng hơn 31.000 bài thi tự luận cần phải chấm, Sở sẽ huy động khoảng 250 tới 300 giáo viên làm công tác chấm thi. Theo đó, quy trình như Bộ GDĐT đưa ra là rất chặt chẽ. Tuy nhiên, để phòng trường hợp xảy ra tiêu cực trong chấm môn tự luận, năm nay địa phương sẽ tổ chức chấm thi tập trung. Các giáo viên được lựa chọn tham gia chấm môn Ngữ văn sẽ chỉ được mang theo đồ dùng cá nhân, các thiết bị di động, liên lạc đều phải bỏ lại, không có kết nối internet, khu vực chấm thi được cách ly giống như làm đề thi, thời gian chấm thi dự kiến kéo dài khoảng 5 ngày. Theo ông Thành, việc cách ly giáo viên chấm thi và chấm 2 vòng độc lập rồi lại chấm thẩm định 5% số bài thi thì khó có thể xảy ra gian lận.

Nhận định về những nỗ lực chống gian lận thi THPT quốc gia năm 2019 của Bộ GDĐT, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng, thực tế gian lận trong chấm thi tự luận dễ hơn trắc nhiệm, vì tùy thuộc vào người chấm nặng hay nhẹ tay, có thể du di tới vài điểm. Cho nên, muốn vạch ra tiêu cực trong chấm tự luận còn khó hơn nhiều so với trắc nghiệm. Giải pháp căn cơ nhất để giải quyết việc chống gian lận trong chấm thi tự luận là phải có một quy trình chấm thi chặt chẽ và quản lý quy trình đó nghiêm ngặt. Nhưng kể cả có quy trình chặt chẽ rồi mà vẫn có sự thông đồng của chính những người tham gia chấm thi thì vẫn có thể xảy ra gian lận. Từ đó, TS Khuyến cho rằng, chỉ có làm tốt công tác tổ chức thi ở địa phương, có giám sát chặt chẽ, quy trách nhiệm cho người đứng đầu thì mới giải quyết dứt điểm được “nạn gian lận trong các kỳ thi”.

Trách nhiệm của địa phương

Trước đó, giải thích lý do vì sao Bộ GDĐT vẫn giao việc chấm thi tự luận cho các địa phương chủ trì, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, trên thực tế hiện nay, các trường ĐH đủ năng lực để chấm môn tự luận Ngữ văn là rất ít, chỉ có một số trường sư phạm đủ khả năng, còn lại đại đa số không có người để chấm. Do đó, dù giao cho các trường ĐH thì vẫn phải mời giáo viên của các Sở GDĐT. Vì vậy, Bộ GDĐT quyết định trên tinh thần Sở GDĐT chủ trì nhưng tăng cường vai trò giám sát của các trường ĐH. Năm nay, ngoài việc chọn ngẫu nhiên 5% bài thi để chấm kiểm tra thì tất cả những bài thi đạt điểm cao tại các hội đồng sẽ được đưa ra để chấm kiểm tra. Ông Trinh khẳng định, giải pháp này vừa bảo đảm việc chấm đều tay, vừa chủ động phát hiện những lệch lạc, thậm chí là tiêu cực nếu có.

Theo chia sẻ của đại diện Cục Quản lý chất lượng, đề thi ra theo hướng mở thì hướng dẫn chấm cũng phải mở. Việc cho điểm sẽ yêu cầu cao hơn năng lực của cán bộ chấm. Nhưng trên tinh thần dù trả lời thế nào cũng phải trả lời được những vấn đề mà đề ra yêu cầu và bằng năng lực của mình các thí sinh có thể diễn đạt bằng văn phong, phương thức khác nhau, nếu không vi phạm thuần phong mỹ tục, pháp luật thì được tính điểm.

Dẫu thế, dù các biện pháp kỹ thuật được cải thiện nhưng thời điểm này thật khó để khẳng định về kỳ thi an toàn, bởi yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, từ chính các cá nhân tham gia từng quy trình của kỳ thi. Trong đó, trách nhiệm của các địa phương là điều rất cần chú trọng. Trách nhiệm liên quan trực tiếp và cao nhất tại các hội đồng thi chính là cấp ủy, chính quyền của địa phương, mà trực tiếp là Ban chỉ đạo thi của các địa phương.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/cham-tu-luan-thi-thpt-quoc-gia-nam-2019-chon-nguoi-du-nang-luc-va-trach-nhiem-tintuc437103