Chậm triển khai dự án 'Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ'

Dự án 'Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ' do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ cho tỉnh Bắc Cạn được phê duyệt từ năm 2016, với tổng kinh phí 37 triệu USD. Đến nay, đã qua gần hai năm, dự án vẫn 'dậm chân' tại chỗ vì chưa được bố trí vốn, nguy cơ bị hủy một phần vốn theo quy định tại Hiệp định tài trợ đã ký.

Cán bộ kỹ thuật dự án hướng dẫn nông hộ ở huyện Na Rì kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi.

Cán bộ kỹ thuật dự án hướng dẫn nông hộ ở huyện Na Rì kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi.

NDĐT - Dự án “Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ” do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ cho tỉnh Bắc Cạn được phê duyệt từ năm 2016, với tổng kinh phí 37 triệu USD. Đến nay, đã qua gần hai năm, dự án vẫn "dậm chân" tại chỗ vì chưa được bố trí vốn, nguy cơ bị hủy một phần vốn theo quy định tại Hiệp định tài trợ đã ký.

Dự án “Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ” (CSSP) do IFAD tài trợ tại tỉnh Bắc Cạn có tổng kinh phí hơn 37 triệu USD, trong đó vốn vay hơn 21 triệu USD, vốn đối ứng hơn 16 triệu USD, triển khai tại 37 xã nghèo, khó khăn thuộc các huyện Ba Bể, Na Rì, Ngân Sơn, Pác Nặm, Bạch Thông của tỉnh Bắc Cạn.

Dự án CSSP có bốn hợp phần, với những nội dung quan trọng như: xây dựng kế hoạch đầu tư chiến lược, lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu; giao đất, giao rừng; hoạt động các nhóm sở thích, nông hộ, trang trại sản xuất nông nghiệp có khả năng sinh lời được kết nối với nguồn tài chính, thị trường; xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường dịch vụ tài chính nông thôn, xúc tiến đầu tư kinh doanh nông, lâm nghiệp… Từ đó, giúp nông hộ biết cách lập kế hoạch phát triển kinh tế; xây dựng ý tưởng, đề xuất; xem xét phê duyệt đề xuất, thực thi, giám sát, đánh giá dự án. Khi tham gia, nông hộ được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư máy móc, công cụ sản xuất, giống, thị trường tiêu thụ gắn với doanh nghiệp.

Dự án tăng chỉ số sở hữu tài sản hộ gia đình cao hơn 20% so với xã nằm ngoài dự án cho khoảng 15.000 hộ nghèo, cận nghèo và không nghèo; tăng 30% số hộ nghèo, cận nghèo (tương đương 6.000 hộ) có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu. Thông qua các hoạt động phát triển chuỗi giá trị tại khu vực nông thôn, dự án đặt mục tiêu giảm nghèo tại các xã trong dự án cao hơn 20% so với mức trung bình của các xã nằm ngoài dự án.

Với những tác động như vậy, dự án được kỳ vọng là động lực để xóa nghèo bền vững cho tỉnh Bắc Cạn. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn "dậm chân" tại chỗ, trong khi tỉnh đã phải ứng chi hàng tỷ đồng tiền lương. Phó Giám đốc Ban Điều phối Dự án CSSP Bắc Cạn Triệu Đức Thông cho biết, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, ban hành sổ tay hướng dẫn; lựa chọn đơn vị tư vấn cho bốn gói thầu; hướng dẫn cán bộ xã lập kế hoạch cho năm 2018 từ cấp thôn trở lên.

Dự kiến, trong năm 2018 xây dựng 30 công trình cơ sở hạ tầng, hỗ trợ 290 nhóm sở thích nông sản, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quy trình lập kế hoạch, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa được Chính phủ bố trí vốn ODA trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng như kế hoạch hằng năm. Tỉnh chưa có căn cứ để thẩm định, phê duyệt kế hoạch công tác, ngân sách năm nên không thể rút vốn để triển khai các hoạt động theo kế hoạch.

Ngày 24-3-2017 Chính phủ Việt Nam và IFAD đã ký kết Hiệp định số 2000001753 để cho vay ưu đãi, tài trợ cho Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Bắc Cạn và Cao Bằng. Ngày 12-7-2017 Chủ tịch nước có Quyết định số 1358/QĐ-CTN phê chuẩn Hiệp định, theo đó IFAD tuyên bố hiệu lực của Hiệp định ấn định từ ngày 7-8-2017 đến hết ngày 31-3-2024. Việc chưa có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 dẫn đến dự án này chưa thể nhận được vốn từ nhà tài trợ. Đây là nguy cơ dẫn đến việc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ khoản vay theo quy định tại Hiệp định tài trợ.

Để duy trì hoạt động của Ban Điều phối dự án, Bắc Cạn đã bố trí hơn 5,5 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Nguồn kinh phí này chỉ đủ chi phí tiền lương, vận hành Văn phòng Điều phối. Năm 2018, Bắc Cạn phân bổ cho Ban Điều phối ba tỷ đồng, tuy nhiên, dự kiến sẽ không đủ để chi trả tiền lương và vận hành trong sáu tháng cuối năm. Theo kế hoạch, trong sáu tháng đầu năm 2018 dự án sẽ triển khai 43 hoạt động với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng nhưng do chưa được bố trí vốn nên đến thời điểm hiện tại những dự kiến này vẫn nằm trên giấy.

Đối với công tác giảm nghèo đến năm 2020, Bắc Cạn đặt mục tiêu mỗi năm giảm 2-2,5% tỷ lệ hộ nghèo. Trong đó, nguồn lực từ dự án do IFAD tài trợ đóng vai trò quan trọng. Trước tình hình trên, tỉnh Bắc Cạn đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và giao vốn để triển khai ngay từ năm 2018.

TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37342302-cham-trien-khai-du-an-ho-tro-kinh-doanh-cho-nong-ho.html