Chậm thực hiện tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, việc thực hiện mục tiêu xây dựng cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập 'chậm ở đây là do vấn đề cơ chế'.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn. Ảnh: TL

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn. Ảnh: TL

Ngày 6/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại phiên họp, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) nêu thực tế, việc thực hiện tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập đến nay không đạt yêu cầu đề ra và gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế và giáo dục. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, đâu là nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém? Những giải pháp nào để tháo gỡ những điểm nghẽn để vấn đề trên được thực hiện một cách căn cơ?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhắc lại, Nghị quyết số 19-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 6, khóa XII) đã giao nhiệm vụ rất rõ đến năm 2020 phải thực hiện được 3 mục tiêu gồm: Tổ chức, sắp xếp lại, giảm 10% số đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện tinh giản 10% những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp công lập; thực hiện tự chủ 10% đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về kết quả, Bộ trưởng thông tin, đến giờ này đối với Trung ương đã giảm được 9,09%. Đối với địa phương đã giảm được 7,34% đối với các đơn vị sự nghiệp công lập về mặt sắp xếp, tổ chức.

Về tinh giản biên chế những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đến nay, đối với những đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm được 11,98% số biên chế được giao so với năm 2015, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Riêng về mục tiêu xây dựng cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng cho biết, thực hiện theo Nghị định 16 của Chính phủ. “Nghị định 16 Chính phủ đã quy định là giao cho 6 bộ, ngành đề xuất với Chính phủ xây dựng 6 nghị định để tự chủ theo từng ngành và lĩnh vực. Đến giờ phút này chỉ mới có 2 nghị định, đó là Nghị định 54 về lĩnh vực khoa học, công nghệ và Nghị định số 141 về các đơn vị sự nghiệp khác được ban hành” – Bộ trưởng nêu rõ.

Vẫn theo Bộ trưởng, gần đây, Chính phủ có kết luận là giao cho Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ dự thảo một nghị định để thay thế toàn bộ Nghị định 16 về vấn đề tự chủ các sự nghiệp, dựa trên quan điểm là thực hiện tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế và kết hợp với cơ chế tiền lương. Theo Bộ trưởng, Nghị định 16 sửa đổi này sẽ bao gồm tất cả các nghị định khác mà các bộ, ngành không phải xây dựng, trừ những trường hợp có liên quan đến việc điều chỉnh các quy định của các bộ, ngành chuyên môn thì trình Chính phủ sửa đổi các nghị định đó.

“Như vậy, vấn đề chậm ở đây là do vấn đề cơ chế” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đến nay, Bộ Nội vụ cũng đã trình Chính phủ ban hành 2 nghị định: Nghị định 106 về vấn đề vị trí việc làm đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định 120 về tổ chức thành lập, giải thể, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập.

“Muốn thực hiện cơ chế tự chủ đòi hỏi phải có 3 nghị định. Một là Nghị định 106, Nghị định 120 đã có và chỉ chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định 16 nữa sẽ tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện trong thời gian tới”- Bộ trưởng trả lời./.

Minh Duyên

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phap-luat/cham-thuc-hien-tu-chu-tai-cac-don-vi-su-nghiep-cong-lap-567316.html