Chậm thoái vốn tại một số doanh nghiệp lớn của Bộ Xây dựng: Thiệt đơn, thiệt kép

Bộ Xây dựng đang trong quá trình thoái vốn tại các tổng công ty trực thuộc.Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp diện này đang kinh doanh 'bết bát'.

Khu đô thị Ngoại Giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Hancorp làm chủ đầu tư

Khu đô thị Ngoại Giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Hancorp làm chủ đầu tư

Ngày 16/12 , tại Sở GDCK Hà Nội (HNX), Bộ Xây dựng sẽ đấu giá thoái vốn 139.399.608 cổ phần (98,83% vốn điều lệ) tại Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp) với giá khởi điểm 19.930 đồng/cổ phần.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3, doanh thu của Hancorp đạt 853 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu Hancorp đạt 1.684 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 5,2 tỷ đồng. Nợ phải trả của Hancorp tính tới 30/9/2020 là 4.518 tỷ đồng, tương ứng gần 73% tổng nguồn vốn.

Bộ Xây dựng thông báo, vào ngày 25/12 tới đây sẽ bán đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phần (49% vốn điều lệ) đang sở hữu tại Tổng Công ty Sông Hồng với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của doanh nghiệp này được xếp vào dạng “trà đá”, thị giá chỉ ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá khởi điểm mà Bộ Xây dựng đưa ra trong đợt thoái vốn này gấp 5 lần thị giá. Cổ phiếu của tổng công ty này liên tục giảm do kinh doanh liên tục thua lỗ từ 2015 đến nay. Tính đến năm 2019, lỗ lũy kế đã lên tới hơn 666 tỷ đồng. Bước sang năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng với việc không có khả năng thanh toán các khoản nợ, bị ngân hàng xếp vào dạng tín dụng xấu, doanh nghiệp không đủ điều kiện tham gia các gói thầu.

Trước đó, tháng 9/2019, Tổng Công ty Sông Hồng đã gửi đơn lên Thủ tướng xin bán vốn ngay trong năm 2019, vì doanh nghiệp đã âm vốn điều lệ đến 600 tỷ đồng. Tổng Công ty Sông Hồng nói nếu tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài, một thời gian ngắn nữa doanh nghiệp buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn nhà nước.

Ì ạch thoái vốn

Nguyên nhân dẫn đến việc thoái vốn ráo riết là do theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng trước ngày 30/11, Bộ Xây dựng phải hoàn thành thoái vốn nhà nước tại 2 doanh nghiệp trên. Nếu Bộ Xây dựng không hoàn thành, sẽ phải chuyển giao 2 doanh nghiệp nói trên về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước ngày 31/12/2020.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã thất bại khi thoái vốn tại Tổng Cty Lilama. Bộ Xây phải thoái vốn nhà nước về mức 51% trong năm 2020.Tuy nhiên, việc này vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long (nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả) cho rằng: “Nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc tại các doanh nghiệp để thoái vốn càng nhanh càng tốt thì chắc chắn sẽ gặp nhiều bất lợi và thiệt hại càng nhiều hơn”.

Theo ông Long, sự chậm trễ thoái vốn dẫn đến tâm lý hoạt động cầm chừng, chờ đợi, thậm chí bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả) cho rằng: “Nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc tại các doanh nghiệp để thoái vốn càng nhanh càng tốt thì chắc chắn sẽ gặp nhiều bất lợi và thiệt hại càng nhiều hơn”.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/cham-thoai-von-tai-mot-so-doanh-nghiep-lon-cua-bo-xay-dung-thiet-don-thiet-kep-1764265.tpo