Chấm thi THPT Quốc gia 2019: Bài trắc nghiệm bị lỗi được xử lý thế nào?

Tại một số địa phương, Ban chấm thi THPT Quốc gia 2019 đã phát hiện ra cả nghìn bài thi trắc nghiệm bị lỗi, các lỗi này được sửa theo quy trình của Bộ GD&ĐT để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Tính đến thời điểm chiều 10/7, nhiều địa phương trên phạm vi cả nước tiếp tục thực hiện công tác chấm thi THPT Quốc gia 2019. Một số địa phương đang đẩy nhanh quá trình hoàn tất chấm thi để kịp tiến độ công bố vào ngày 14/7.

Quá trình chấm thi trắc nghiệm, một số ban chấm thi phát hiện lỗi bài thi của thí sinh hiển thị trên phầm mềm chấm thi. Cụ thể, tại Đắk Lắk, toàn tỉnh có gần 20.600 thí sinh dự thi với 60.400 bài thi trắc nghiệm. Ban chấm trắc nghiệm qua phần mềm thì máy báo lỗi hơn 1.450 bài thi. Những bài thi có 1 câu không tô đáp án, tô 2 đáp án, tô mờ… máy đều báo lỗi.

Còn tại Thanh Hóa, cũng có cả ngàn bài thi của thí sinh qua phần mềm báo lỗi, do thí sinh do tô đáp án mờ hoặc tẩy đáp án cũ không sạch làm cho phần mềm có thể coi là tô đúp. Cũng có một số trường hợp tô sai ô số báo danh…

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chấm thi THPT Quốc gia 2019. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chấm thi THPT Quốc gia 2019. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đối với công tác chấm thi trắc nghiệm, các thành viên của ban chấm thi trắc nghiệm, các thành viên tổ giám sát và người đang thi hành nhiệm vụ liên quan không được mang theo bút chì, tẩy và các vật dụng bị cấm khác theo quy định vào phòng chấm thi; không được sửa chữa, thêm bớt vào Phiếu trả lời trắc nghiệm (Phiếu TLTN) của thí sinh với bất kỳ hình thức nào và bất kỳ lí do gì.

Kỹ thuật viên thực hiện nhiệm vụ trực tiếp chấm bài thi trắc nghiệm phải nghiêm túc tuân thủ quy trình chấm bài thi trắc nghiệm theo quy định; Các Phiếu TLTN đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD&ĐT cung cấp, kể từ khi quét ảnh đến khi có kết quả là điểm bài thi của từng thí sinh.

Ngay khi quét xong tất cả phiếu TLTN của Hội đồng thi, toàn bộ dữ liệu ảnh quét đã được phần mềm chấm thi tự động mã hóa phải được sao lưu ra 03 bộ đĩa CD hoặc DVD giống nhau. Ngay sau khi sửa lỗi kỹ thuật tất cả các bài thi trắc nghiệm bị lỗi của Hội đồng thi, toàn bộ dữ liệu sửa lỗi kỹ thuật đã được phần mềm chấm thi tự động mã hóa phải được sao lưu ra 3 bộ đĩa CD hoặc DVD giống nhau.

Sau khi hoàn thành các công việc nêu trên, Tổ Chấm bài thi trắc nghiệm mở niêm phong đĩa CD chứa dữ liệu chấm bài thi trắc nghiệm của Bộ GD&ĐT, lập biên bản mở niêm phong và nạp dữ liệu chấm vào phần mềm chấm thi trắc nghiệm dưới sự giám sát của công an và Tổ Giám sát; Tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.

Chia sẻ về quy trình chấm thi môn thi trắc nghiệm, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Trong chấm thi trắc nghiệm, Hội đồng thi kiểm tra túi bài thi có còn dấu niêm phong, sau đó cắt từng túi đựng bài thi và quét ngay. Phần mềm chỉ cho phép người dùng can thiệp sửa lỗi kỹ thuật vào những chỗ có lỗi. Việc đánh phách điện tử không thể có mối liên hệ giữa thông tin cá nhân, kết quả bài làm của thí sinh. Ngay cả người thực hiện cũng không thể quay lại quy trình của phần mềm để can thiệp được nữa".

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/cham-thi-thpt-quoc-gia-2019-bai-trac-nghiem-bi-loi-duoc-xu-ly-the-nao-20190710160430944.htm