Chấm thi môn Ngữ văn có đảm bảo sự 'khác biệt' của thí sinh?

Sau khi xem đáp án, thang điểm môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, nhiều thí sinh, giáo viên bày tỏ sự quan tâm đến cách chấm, bởi đề thi với hướng dẫn chấm khá 'mở'.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt I) đã kết thúc, hiện nay các địa phương đang tích cực trong công tác chấm thi. Có thể thấy, kỳ thi năm nay môn Ngữ văn tiếp tục trở thành môn thi tự luận duy nhất của kỳ thi, đề ra theo hướng "mở" với các câu yêu cầu thí sinh nêu quan điểm, viết đoạn văn nghị luận xã hội.

Nhận xét về đề câu nghị luận xã hội đề thi Ngữ văn năm nay, TS Trịnh Thu Tuyết (nguyên Giáo viên Ngữ văn, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho rằng, ở yêu cầu đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) đảm bảo đúng form, cấu trúc, dung lượng mà học sinh ôn luyện. Tuy nhiên, đây là một vấn đề ít nhiều còn trừu tượng với những học trò 18 tuổi - chưa đủ trải nghiệm để có thể thấu hiểu ý nghĩa của mỗi giây phút được sống trong cuộc đời, vì thế rất có thể sẽ có những bài làm chung chung, lí thuyết và thiếu sự thiết thực thấm thía nhất với mỗi học trò.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt I) đã diễn ra trong hai ngày 9 - 10/8. Ảnh: Q.A

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt I) đã diễn ra trong hai ngày 9 - 10/8. Ảnh: Q.A

Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đáp án - thang điểm môn Ngữ văn, trong đó đáng chú ý là các câu bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của thí sinh sẽ được cho điểm như thế nào, nội dung yêu cầu ra sao. Cụ thể, ở câu 4 (phần I) được chấm là 1,0 điểm, đáp án nêu rõ: Bày tỏ quan điểm bản thân: đồng tình/không đồng tình/đồng tình một phần. Lí giải hợp lí, thuyết phục.

Còn ở nội dung câu 1 của phần II, là 2,0 điểm khi thí sinh viết đoạn văn có thể lựa chọn thao tác lập luận phù hợp để triển khai vân đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày.

Theo NGƯT Đặng Đình Đại - nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), đề thi "mở" là thực sự cần thiết, khơi dậy tinh thần tự học, sáng tạo của mỗi học sinh. Tuy nhiên, đề "mở" cần phải bám sát với khả năng học, vận dụng kiến thức của học sinh.

"Đề Ngữ văn ra theo hướng "mở" sẽ được thí sinh đón nhận, nhưng khi ra đề "mở" cần có đáp án "mở", cách chấm "mở". Giám khảo phải biết đón nhận góc nhìn riêng của thí sinh, nếu các em đưa ra vấn đề có lý" - NGƯT Đặng Đình Đại chia sẻ thêm.

Chia sẻ về công tác chấm thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, theo Quy chế, mỗi bài tự luận sẽ được 02 cán bộ chấm thi ở hai tổ khác nhau chấm độc lập rồi thống nhất điểm lại. Thứ trưởng đề nghị đảm bảo tuyệt đối quy định chấm 2 vòng độc lập này và quy trình chấm thi, để đảm bảo điểm số của bài thi là phù hợp, chính xác.

"Trong quá trình chấm thi môn tự luận, có nhiều vấn đề giáo viên muốn giữ quan điểm của mình. Các thầy cô chấm thi cần hài hòa và tôn trọng quan điểm, lý lẽ của thí sinh bởi đề thi thiết kế theo hướng mở, khuyến khích sự sáng tạo và quan điểm riêng của người viết. Tuyệt đối không được bảo thủ và phải đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/cham-thi-mon-ngu-van-co-dam-bao-su-khac-biet-cua-thi-sinh-2020081515034438.htm