Chấm thi bài tự luận kỳ thi THPT Quốc gia như thế nào?

Đảm bảo khách quan, công bằng trong quá trình chấm thi tự luận, khác hoàn toàn so với bài thi trắc nghiệm, là điều được phụ huynh, học sinh quan tâm, liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia sắp diễn ra. Theo Bộ GD&ĐT thì quy trình chấm tự luận năm nay sẽ siết chặt hơn ở tất cả các công đoạn dù là nhỏ nhất.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT tại hướng dẫn thanh tra, kiểm tra kỳ thi THPT Quốc gia 2019 thì công tác thanh tra, kiểm tra rất được chú trọng và bám sát suốt quát trình chấm thi tự luận.

Theo đó, thanh tra công tác chấm thi tự luận phải xem xét việc bố trí khu vực chấm thi, phòng chấm thi, phòng chấm kiểm tra, khu vực làm phách; cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ chấm thi: Phòng, tủ, thùng chứa bài thi, việc niêm phong;

Cán bộ thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thu nhận các văn bản chỉ đạo, văn bản phối hợp, các quyết định thành lập Hội đồng thi, các Ban của Hội đồng thi liên quan đến công tác chấm thi tự luận, quyết định thanh tra, kiểm tra. Kiểm tra việc bố trí các phòng làm việc của Ban Chấm thi tự luận, các phòng làm phách, chấm thi, chấm kiểm tra; kiểm tra camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi tự luận (không có kết nối Internet).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài ra, thanh tra phải kiểm tra việc làm phách và chấm bài thi tự luận; kiểm tra việc bảo mật phách; bàn giao đầu phách; phương thức đánh phách (1 vòng/hai vòng); việc cách ly Ban làm phách; kiểm tra việc bảo quản và bàn giao đầu phách cho Ban Thư ký (chỉ bàn giao sau khi đã chấm xong bài thi tự luận).

Việc ghi điểm của cán bộ chấm thi lần thứ hai chấm trên bài thi; phiếu ghi điểm; thứ tự việc ghi điểm của cán bộ chấm 2, cán bộ chấm 1 và thư ký trên phiếu ghi điểm; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Trưởng môn chấm thi với các cán bộ chấm thi trong tổ chấm thi;

Kiểm tra việc thảo luận thống nhất điểm, điểm thống nhất của hai cán bộ chấm thi, việc quyết định điểm, ghi điểm của Trưởng môn Chấm thi; việc xử lý các trường hợp bài thi phải chấm 3 lần; biên bản kết luận kết quả chấm tập thể; biên bản khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận (nếu có sai sót), nguyên nhân và biện pháp khắc phục; kiểm tra việc nhập điểm đối với bài thi tự luận.

Kiểm tra việc lựa chọn ngẫu nhiên một số bài đã chấm (có thể chọn cả túi) hoặc chọn ra những bài có nghi vấn được 2 cán bộ chấm thi cho điểm khác nhau nhiều trước khi thống nhất điểm; chọn các bài thi có điểm cao trong Hội đồng thi (được Trưởng ban Chấm thi tự luận lựa chọn sau khi đã thống nhất với Chủ tịch Hội đồng thi) và giao cho Tổ Chấm kiểm tra để thực hiện chấm kiểm tra các bài này.

Theo quy định thì đề thi, hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật”. Người làm lộ đề thi, mua, bán đề thi sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về tính chính xác của đề thi, sau khi soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh, các đề thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức phản biện độc lập. Các cán bộ phản biện đề thi có trách nhiệm đọc, giải đề và đánh giá đề thi; đề xuất phương án chỉnh lý, sửa chữa đề thi nếu thấy cần thiết. Ý kiến đánh giá của các cán bộ phản biện đề thi là một căn cứ để Chủ tịch Hội đồng ra đề thi tham khảo trong việc quyết định duyệt đề thi.

D.H

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/cham-thi-bai-tu-luan-ky-thi-thpt-quoc-gia-nhu-the-nao-post59500.html