Chăm sóc trẻ sinh non có cân nặng dưới 1kg đúng cách

Sốt ruột vì cân nặng của trẻ sinh non, nhiều cha mẹ muốn bổ sung thêm sữa ngoài. Điều này có thực sự đúng đắn?

Gia tăng trẻ sơ sinh cân nặng dưới 1kg

Ước tính, trên toàn cầu, mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non. Đáng chú ý là con số này đang có xu hướng tăng dần theo thời gian. Tại Việt Nam, theo ghi nhận của Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận khoảng 500 ca sinh non. Và mỗi ca sinh non có thể coi là một cuộc chiến. Có những trẻ được ra viện sau vài tuần, nhưng cũng có trẻ phải sống trong lồng ấp đến 3,4 tháng. Các thống kê tại Việt Nam cũng cho thấy: tỷ lệ trẻ sơ sinh cân nặng dưới 1kg đang có xu hướng gia tăng. Những trẻ này không chỉ thể trạng yếu mà việc chăm sóc cũng khó khăn, đặc biệt là về ăn uống.

Theo các bác sĩ, trẻ sinh non hay bị nôn trớ, nhiều hơn hẳn những trẻ sinh đủ tháng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên sốt ruột, vì điều đó là hoàn toàn bình thường và nó sẽ hết dần khi các bé lớn hơn. Thế nhưng, nếu nôn trớ đi kèm với các dấu hiệu như khó thở, thở khò khè, hay khiến trẻ cảm thấy đau đớn, không tăng cân… thì cần đưa trẻ đi khám ngay.

Ngoài nôn trớ, tình trạng táo bón ở trẻ sinh non cũng diễn ra nhiều hơn, do hệ tiêu hóa kém hoàn thiện. Song điều này không phải vấn đề đáng lo ngại nếu trẻ không có thêm những rối loạn khác ở đường tiêu hóa hoặc ăn uống kém. Để giảm nhẹ tình trạng này, chúng ta có thể thực hành những bài massage bụng cho trẻ theo chiều kim đồng hồ.

Trẻ sinh non: Sữa mẹ là quan trọng nhất

Khi chăm sóc trẻ sinh non, cha mẹ thường rất sốt ruột về sự tăng trưởng của trẻ. Chính vì thế, nhiều người có tâm lý muốn bổ sung sữa ngoài cho con. Tuy nhiên, theo bác sĩ Quách Nguyễn Thu Thủy, chuyên Khoa Nhi, bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, đối với trẻ sinh non, sữa mẹ là quan trọng nhất, vì nó có đầy đủ cả dinh dưỡng lẫn kháng thể. Nếu cho ăn sữa ngoài, trẻ có thể bỏ bú mẹ, lãng phí nguồn dinh dưỡng quý báu này.

Trong trường hợp vì lý do đặc biệt như: mẹ uống kháng sinh hay điều trị bệnh đặc biệt nào đó dẫn đến mất sữa thì chúng ta mới phải dùng đến sữa ngoài. Sữa ngoài cho trẻ cũng đặc biệt hơn các sữa khác, phải là sữa dành cho trẻ sinh non. Bởi vì, loại sữa này người ta đã làm phù hợp với cấu tạo đường tiêu hóa của trẻ sinh non. Và trong lúc pha, chúng ta cũng không nên pha đặc hơn, cho nhiều sữa hơn, mà pha đúng như nhà sản xuất ghi trong công thức của sữa.

Thông thường, trong vòng 4-6 tuần đầu sau sinh, lượng sữa mẹ chưa ổn định, có thể ít hơn mức kỳ vọng, nhưng điều đó không có nghĩa là người mẹ đó ít sữa. Sau 6 tuần, lượng sữa mẹ sẽ ổn định hơn và các bé cũng quen dần với việc bú mẹ. Tuy nhiên, với việc cho con bú mẹ như vậy, làm thế nào để biết con đã bú đủ lượng chưa? Và để yên tâm hơn với lượng ăn của bé, nhiều mẹ đã nghĩ đến việc vắt sữa ra bình để dễ đong đếm. Điều này là không thực sự cần thiết, bởi lẽ, muốn biết trẻ bú có đủ lượng hay không, chúng ta chỉ cần quan sát số lần đi đại tiện, tiểu tiện của trẻ là được. Nếu trong 2 tuần đầu, trẻ đi đại tiện 3-4 lần, đi tiểu từ 6 lần trở lên là chúng ta có thể yên tâm.

“Đối với trẻ sinh non, sữa mẹ là quan trọng nhất, vì nó có đầy đủ cả dinh dưỡng lẫn kháng thể. Nếu cho ăn sữa ngoài, trẻ có thể bỏ bú mẹ, lãng phí nguồn dinh dưỡng quý báu này. Trong trường hợp vì lý do đặc biệt như: mẹ uống kháng sinh hay điều trị bệnh đặc biệt nào đó dẫn đến mất sữa thì chúng ta mới phải dùng đến sữa ngoài”.

Bác sĩ Quách Nguyễn Thu Thủy (Chuyên Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội)

Minh Trang

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/cham-soc-tre-sinh-non-co-can-nang-duoi-1kg-dung-cach/792673.antd