Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng người bệnh được hưởng lợi

Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng được triển khai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã góp phần phát hiện sớm, điều trị kịp thời cho người bệnh ngay từ giai đoạn đầu.

Chị C.T.T, 25 tuổi, xã Dục Mỹ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ vừa được phát hiện mắc bệnh tâm thần phân liệt thông qua chương trình khám sàng lọc tại cộng đồng do Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ thực hiện.

Sau đó, chị T. được theo dõi sức khỏe, tái khám và cấp thuốc từng tháng tại Trạm Y tế xã. Đến nay, sức khỏe của chị T. dần ổn định. Đây chỉ là một trong số hàng nghìn trường hợp người bệnh tâm thần đã được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thông qua Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em.

Tuy nhiên, có không ít trường hợp người bệnh do phát hiện muộn nên bệnh khó điều trị. Do đó, từ năm 2000, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ đã triển khai chương trình khám sàng lọc, quản lý, điều trị sức khỏe tâm thần tại cộng đồng tại 277 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đối với bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm.

BS Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ khám bệnh, tặng quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng

BS Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ khám bệnh, tặng quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng

Đây là một trong những chương trình thuộc Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em.

Thông qua chương trình khám sàng lọc tại cộng đồng, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã thành lập 87 đoàn khám bệnh ngoại viện, khám sáng lọc, tư vấn sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án người bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm tại cộng đồng cho 87 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thị với 4.175 lượt người, lập 687 hồ sơ bệnh án.

Hiện nay, Bệnh viện đang duy trì quản lý, cấp thuốc điều trị ngoại trú, phục hồi chức năng gần 4.000 người bệnh tâm thần tại cộng đồng.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình, BSCKII. Đỗ Huy Hùng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ, cho biết: Hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần triển khai tại cộng đồng mang tính an sinh xã hội lớn.

Người bệnh trong diện quản lý được khám, chữa bệnh miễn phí, được tư vấn nâng cao nhận thức về bệnh, phục hồi chức năng giúp tái hòa nhập cộng đồng một cách thuận lợi nhất ngay tại gia đình và tuyến y tế cơ sở.

Đặc biệt, ưu điểm của chương trình là người bệnh được chữa tại cộng đồng, không phải nằm viện, do đó gia đình ít tốn kém chi phí đi lại, phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh tái phát rất ít.

Đồng thời, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần, đẩy lùi quan niệm mê tín dị đoan về bệnh tâm thần.

Mục tiêu của chương trình là hướng tới người bệnh tâm thần có thể được chăm sóc hòa nhập ngay tại cộng đồng. Do đó rất cần sự cảm thông, chia sẻ từ phía xã hội, nhất là gia đình, người thân, có như vậy chương trình mới đạt hiệu quả.

Song, trên thực tế, bệnh nhân tâm thần vẫn còn bị kỳ thị, chưa được quan tâm đúng mức tại cộng đồng. Chính vì tâm lý kỳ thị nên người bệnh thường rất sợ gặp mọi người.

Chia sẻ với chúng tôi, BS CKI. Lê Chí Oanh – Phó trưởng phòng Kế hoạch tài chính - Phụ trách bộ phận chỉ đạo tuyến cho biết thêm: “Trong các đợt khám sàng lọc tại cơ sở, chúng tôi gặp nhiều trường hợp nhất định không chịu đi khám vì ngại mọi người nghĩ mình bị bệnh tâm thần. Nhân viên y tế phải đến nhà vận động, thuyết phục mãi người bệnh mới chịu đi khám. Bởi vậy, rất cần sự ủng hộ của người dân và của các cấp chính quyền để người dân không kỳ thị người bệnh tâm thần”.

Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa khỏi, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường cùng gia đình và xã hội. Bên cạnh các nỗ lực của ngành y tế cũng cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành, các tổ chức có liên quan và cả cộng đồng

Hồng Hà (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cham-soc-suc-khoe-tam-than-tai-cong-dong-nguoi-benh-duoc-huong-loi-n182420.html