Chăm sóc sức khỏe người dân vùng biên Lai Châu

Xác định việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, ngành y tế Lai Châu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn.

Hệ thống trạm y tế ở các xã tại tỉnh Lai Châu được đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo khám chữa bệnh cho người dân.

Hệ thống trạm y tế ở các xã tại tỉnh Lai Châu được đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo khám chữa bệnh cho người dân.

Phát triển hệ thống y tế cơ sở

Nhiều năm qua, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn Lai Châu có bước phát triển cao về chất lượng. Cơ sở vật chất từ trung tâm y tế các huyện đến trạm y tế xã được đầu tư xây dựng khang trang, trang thiết bị khám, chữa bệnh đồng bộ, nguồn nhân lực thường xuyên được đào tạo, củng cố. Qua đó, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao, thu hút nhiều bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở, góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên và giảm chí phí điều trị, đi lại cho bệnh nhân.

Trạm Y tế xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ) có 7 nhân viên y tế đảm nhận việc chăm sóc sức khỏe cho người dân 21 bản. Đây là xã biên giới vùng cao, nơi bà con Hà Nhì, Mông, Dao sinh sống là chủ yếu.

Dù huyện, xã còn nhiều khó khăn nhưng trạm y tế được đầu tư bài bản theo quy định của Bộ Y tế. Công tác khám, chữa bệnh, tuyên truyền thực hiện các chủ trương của Nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19, kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh môi trường sống… của trạm ngày càng thực hiện tốt hơn.

Người dân đến khám bệnh tại Trung tâm y tế huyện Phong Thổ tuân thủ đảm bảo phòng chống dịch COVID 19.

Ông Lỳ A Lý (bản Pô Tô, xã Huổi Luông) chia sẻ: "Ngày xưa khổ lắm, bị bệnh phải xuống huyện khám, rất xa. Giờ dân bản sướng rồi, đau ốm là có y tế ngay tại xã chăm sóc, phát thuốc men. Dân tin tưởng vào cán bộ lắm!".

Việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng biên giới, vùng khó khăn ngày càng được quan tâm. Trạm trưởng Trạm Y tế Huổi Luông Lò Văn Tiệp cho biết: Ngoài công việc chung, đội ngũ y tế của trạm chia thành các mũi thường xuyên xuống bản nắm tình hình, thăm khám bệnh cho bà con, tuyên tuyền cho họ ý thức về việc phòng tránh bệnh tật, phổ biến chính sách y tế, thực hiện các đợt tiêm chủng… Mặc dù địa bàn rộng nhưng đội ngũ y tế của trạm không quản ngại, luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Tại huyện Phong Thổ hệ thống 15 trạm y tế tại các xã và 2 phòng khám đa khoa khu vực đã được xây mới, ngày càng đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Chỉ những người mắc bệnh nặng mới đến Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ điều trị.

Bác sĩ Chuyên khoa I, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ Dương Ngọc Hương cho biết, 5 năm qua, trung tâm đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị y tế đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, trung tâm chú trọng thu hút bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế và tận dụng tối đa các gói kỹ thuật cao được Sở Y tế tỉnh chuyển giao. Năm 2020, trung tâm đã cử 10 cán bộ đi học dài hạn nâng cao năng lực chuyên môn, nâng tổng số cán bộ đào tạo tại các trường đại học y, dược lên 46 người. Nhờ đó, chất lượng khám, điều trị bệnh được nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn.

Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu xuống các bản tuyên truyền cho bà con về chính sách y tế, phòng chống bệnh tật.

Hiện Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ có 4 phòng chức năng, 14 khoa chuyên môn và 100 giường bệnh. Năm 2020, trung tâm đã khám cho trên 185.750 lượt bệnh nhân; điều trị nội trú hơn 6.600 lượt; điều trị ngoại trú và kê đơn cho gần 58.000 lượt bệnh nhân; công suất sử dụng giường bệnh đạt gần 70%.

Tại các huyện biên giới của Lai Châu như Mường Tè, Nậm Nhùn… hệ thống trạm y tế xã cũng được đầu tư khang trang, đầy đủ. Những năm qua, Lai Châu đã xây mới 20 trạm y tế; nâng cấp, sửa chữa 56 trạm và 6/8 trung tâm y tế huyện. Đội ngũ y tế địa phương được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, y đức.

Các trung tâm y tế được đầu tư trang thiết bị hiện đại để ngày càng đáp ứng tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng cao, biên giới.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ y tế đã góp phần nâng cao sức khỏe toàn dân, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu có sức khỏe, yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Bác sĩ chuyên khoa II, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu Bùi Tiến Thanh cho biết, chất lượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, tại những vùng biên giới, vùng núi, vùng khó khăn thì hệ thống y tế, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ ngày càng được đầu tư, hoàn thiện và nâng cao trình độ.

Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu xuống các bản tuyên truyền cho bà con về chính sách y tế, phòng chống bệnh tật.

Để làm được điều đó, thời gian qua, Sở Y tế Lai Châu luôn quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Đến nay, trên địa bàn có 3 bệnh viện tuyến tỉnh; 8 trung tâm y tế huyện, thành phố; 4 phòng khám đa khoa khu vực; 103 trạm y tế xã, phường, thị trấn, hầu hết các cơ sở được xây dựng khang trang, cơ bản đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.

Bên cạnh đó, Lai Châu chú trọng đầu tư công nghệ thông tin, trang thiết bị máy móc hiện đại cho các cơ sở y tế trong tỉnh. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được trang bị các máy móc, thiết bị khám, chữa bệnh hiện đại kỹ thuật cao như: máy chụp ARI, CT scanner, chạy thận nhân tạo, nội soi, máy mổ nội soi... Trung tâm Y tế tuyến huyện được trang bị máy siêu âm, máy nội soi, máy điện tim, máy chụp Xquang... Các trạm y tế tuyến xã cũng được đầu tư trang sắm thiết bị đạt 80% danh mục thiết bị theo quy định của Bộ Y tế. Giai đoạn 2018 – 2020, Lai Châu đã đầu tư 28 thiết bị máy móc y tế hiện đại với tổng kinh phí 51 tỷ đồng.

Song song với việc đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, Sở Y tế Lai Châu còn quan tâm nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ y tế. Toàn ngành y tế tỉnh hiện có gần 2.800 người. Giai đoạn 2018 - 2020, Lai Châu mở 73 lớp bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực cho hơn 2.260 lượt người; đào tạo dài hạn (cao đẳng, đại học) cho 419 người. Đến năm 2020, Lai Châu đạt mức có trên 12 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ xã có bác sĩ làm việc đạt 78,7%, có 90 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ngành Y tế tỉnh Lai Châu tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ tại tuyến cơ sở; chú trọng rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Cùng với đó, ngành y tế Lai Châu tiếp tục đầu tư hạ tầng, trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh; tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của y tế dự phòng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là phụ nữ mang thai và trẻ em.

Bài và ảnh: Nguyễn Oanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/cham-soc-suc-khoe-nguoi-dan-vung-bien-lai-chau-20210226164237512.htm