Chăm sóc 'gốc rễ' của sự tôn trọng: 'Luật nhân quả' trong cách giáo dục thế hệ sau

Tính cách của một đứa trẻ được quyết định bởi môi trường và phương pháp giáo dục. Tuy mỗi trẻ có những cá tính khác nhau, nhưng tất cả đều cần được dạy để biết tôn trọng người khác.

Trẻ có thể cảm nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ. Ảnh minh họa.

Trẻ có thể cảm nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ. Ảnh minh họa.

Từ lúc chào đời, trẻ đã biết làm thế nào để khiến mọi người đáp ứng yêu cầu của mình. Dù đó là bản năng song, nhiệm vụ của cha mẹ là dạy con biết thể hiện sự tôn trọng với gia đình và những người xung quanh.

Khi được sống trong môi trường tôn trọng, trẻ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng và có tầm quan trọng với những người xung quanh. Từ đó, con sẽ học được cách tôn trọng gia đình và người khác.

Tôn trọng con trước

Thực tế, không phải ông bố, bà mẹ nào cũng đồng tình với ý kiến rằng, cần dạy con về sự tôn trọng từ nhỏ. Bởi, nhiều người nghĩ, không nên đòi hỏi quá nhiều ở một đứa trẻ. Thậm chí, theo một số phụ huynh, trẻ còn quá nhỏ để biết về sự tôn trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc dạy trẻ biết tôn trọng là một trong những yếu tố quan trọng giúp con đứng vững trong xã hội.

Các phụ huynh cần nhớ rằng, tôn trọng không đồng nghĩa với phục tùng người khác. Bởi lẽ, con trẻ có thể vâng lời đơn giản là vì sợ hãi. Nếu tôn trọng cha mẹ, con sẽ vâng lời vì biết rằng, phụ huynh luôn muốn những điều tốt đẹp nhất dành cho mình.

Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, cách tốt nhất để dạy trẻ tôn trọng là cha mẹ hãy tôn trọng con trước. Khi thể hiện điều đó với con, trẻ sẽ hiểu cảm giác được tôn trọng là như thế nào. Khi đó, con cũng sẽ dần hiểu tầm quan trọng của việc tôn trọng người khác. Điều quan trọng là phụ huynh nên tự nhắc bản thân rằng: “Cư xử với người khác theo cách mình muốn người khác cư xử lại”.

Tôn trọng người khác là một thái độ. Biết tôn trọng người khác sẽ giúp trẻ thành công trong cuộc sống. Nếu không biết tôn trọng mọi người và bản thân, trẻ sẽ rất khó có khả năng thành công trong cuộc sống.

Khi biết tôn trọng cha mẹ, con sẽ trở thành đứa trẻ quan tâm đến mọi người xung quanh, có tinh thần trách nhiệm và hòa thuận với bạn bè cùng lứa. Trường học dạy cho trẻ tôn trọng người khác.

Song, cha mẹ cũng là những nhân tố có ảnh hưởng rất lớn đến cách trẻ tôn trọng mọi người. Chỉ khi được tôn trọng ở nhà, trẻ mới biết cách thể hiện sự tôn trọng mọi người ở nơi khác.

Thực tế, trong xã hội hiện đại, nhiều cha mẹ vô tình quên việc dạy trẻ về những nguyên tắc đạo đức và quy tắc ứng xử. Họ sẵn sàng làm mọi việc để con có điều kiện giáo dục tốt nhất, được “dạy dỗ tốt”. Tuy nhiên, những phụ huynh này không giúp trẻ biết “cư xử tốt”.

Theo bà Lê Vân – giáo viên Montessori Quốc tế, thành viên của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Sư phạm tại Sakura Montessori, khi được sống trong môi trường tôn trọng, trẻ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng và có tầm quan trọng với những người xung quanh.

“Con hiểu tôn trọng là gì và tầm quan trọng của nó. Từ đó, trẻ dần được xây dựng nền tảng vững chắc về sự tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình, cùng những kỹ năng tương tác tốt với mọi người xung quanh”, nữ giáo viên chia sẻ. Những điều đó được xây dựng dựa trên sẻ chia và tôn trọng lẫn nhau, giúp con trưởng thành và thành công trong tương lai.

Vì vậy, bà Lê Vân cho biết, ở trường, giáo viên cần luôn tôn trọng sở thích, năng lực của mỗi trẻ. Các con được trao quyền tự do di chuyển, tự do lựa chọn hoạt động phù hợp với năng lực và sở thích. Giáo viên sẽ là người quan sát, đưa ra định hướng, khuyến khích, thay vì can thiệp, gây gián đoạn chu trình làm việc của trẻ.

“Khi lựa chọn công việc của mình, con được tôn trọng không gian riêng và khoảng thời gian cá nhân. Đồng thời, các con cũng được giáo dục cách tôn trọng quyền riêng tư của người khác qua những nguyên tắc lớp học: Đi bộ trong lớp, nói nhỏ, chờ đợi đến lượt...”, bà Vân cho biết.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần là người làm mẫu về sự tôn trọng trong giao tiếp. Sự tôn trọng đó được bày tỏ bằng cách thức giao tiếp với trẻ, thông qua “lắng nghe tích cực” và “nói lên cảm nhận của bản thân”. Điều quan trọng là giáo viên sẽ ngồi ngang tầm mắt và nhìn thẳng vào trẻ để trò chuyện cùng con.

Bên cạnh sự tôn trọng con nhận được ở trường, bà Lê Vân đồng thời nhấn mạnh đến ngôn ngữ và hành động của cha mẹ trước mặt trẻ. Cha mẹ cần có hành động phù hợp, lịch sự và chân thành, thể hiện rõ sự tôn trọng trẻ và giúp các con cảm nhận điều đó.

Nữ giáo viên này nhấn mạnh, phụ huynh nên nhớ rằng, những câu nói so sánh trẻ này với trẻ khác sẽ không làm con tốt hơn. Một số câu nói so sánh như: “Mẹ thấy bạn A nói tiếng Anh tốt hơn con nhiều”, hay “Ba thấy bức tranh của B đẹp quá! Còn con thì…”. Đó là những lời nói có thể gây tổn thương trẻ. Khi đó, con sẽ mặc cảm, tự ti. Thậm chí là hình thành những cảm xúc tiêu cực, chán ghét cha mẹ, giận dữ với những trẻ khác… Đó là lý do phụ huynh không nên ép con phải giống một ai đó. Bởi, mỗi trẻ đều có quyền thể hiện sự khác biệt và cần được tôn trọng vì điều đó.

Ngoài ra, bà Lê Vân nhấn mạnh, cha mẹ hãy là những người lớn biết giữ lời hứa vì đó cũng là một cách tôn trọng trẻ.

“Hãy dành thời gian bên con, nhất là khi trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 6. Dù bận rộn, cha mẹ cũng nên dành một khoảng thời gian trong ngày cho con. Cha mẹ có thể trò chuyện, chơi, đọc sách cùng con, kể chuyện cho con trước khi đi ngủ. Thời gian bên con càng nhiều, sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con càng bền chặt”, nữ giáo viên chia sẻ.

Trong khi đó, chuyên gia tư vấn phụ huynh và đào tạo nuôi dạy con tích cực Nguyễn Tú Anh bày tỏ: “Hãy tôn trọng con như bạn tôn trọng tất cả mọi người lớn xung quanh. Bạn có sẵn sàng nổi cơn thịnh nộ, trút giận lên một người lớn khác, đồng nghiệp, họ hàng không, hay với người lớn khác, bạn sẽ cố kìm nén lại?”.

Chính vì vậy, chuyên gia này khuyến cáo, cha mẹ hãy đối xử với con như một người có đầy đủ cảm xúc và suy nghĩ. Đừng cho rằng, con còn nhỏ nên không biết gì. Thật ra, trẻ có thể cảm nhận được mọi điều. Tuy nhiên, con chưa thể trình bày suy nghĩ rành mạch, lập luận rõ ràng. Khi luôn có suy nghĩ “mình phải tôn trọng con”, vô hình trung, phản xạ trút giận lên trẻ sẽ giảm đáng kể.

Nữ chuyên gia này đồng thời cho biết, phụ huynh cần yêu thương con đúng cách. Bất cứ khi nào muốn truyền tải một thông điệp gì đó với con, cha mẹ hãy tự hỏi bản thân như: Con cảm nhận được gì qua câu nói này? Câu nói này sẽ làm con cảm thấy tốt hơn hay tệ hơn về bản thân? Con có cảm thấy được yêu thương không? Con có học được kinh nghiệm hay kỹ năng sống tốt hơn không?

Con sẽ đứng vững trong xã hội nếu biết tôn trọng. Ảnh minh họa.

Đề ra quy tắc “ngầm”

Theo Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, để có thể xây dựng tinh thần tôn trọng nhau trong gia đình, các thành viên cần có những hành động cụ thể. Trước hết, đó là không tự tiện lục lọi đồ dùng cá nhân trong khu vực riêng tư của mỗi thành viên trong gia đình. Thậm chí, người được xem là chủ gia đình cũng không nên làm vậy.

Ngoài ra, cần tạo cơ hội để mọi thành viên, cả cha mẹ và con có thể tham gia góp ý, hay đưa ra sáng kiến trong việc sửa chữa nhà, sắp xếp phòng, đồ dùng. Hoặc, có thể đề nghị các món ăn, giới thiệu những điểm vui chơi nơi cả nhà sẽ cùng tham dự.

Trong hoạt động chung, nếu một thành viên nào đó trong gia đình không muốn tham dự, những người còn lại cũng nên chấp nhận trong vui vẻ. Như vậy, giúp tránh được sự căng thẳng ảnh hưởng đến hoạt động sắp diễn ra. Đồng thời, giúp người không tham gia hoạt động nhận thấy sự tôn trọng của gia đình đối với mình. Qua đó, sẽ nhìn lại cách hành xử và dần thay đổi.

“Nếu con không được tôn trọng, mà chỉ được cưng chiều; Không được yêu thương, không được lắng nghe mà chỉ được thỏa thuận, thì sẽ dần đánh mất mình và dễ dàng sa vào các tệ nạn xã hội”, chuyên gia Lê Khanh cảnh báo.

Vì thế, khi giúp con hiểu được giá trị của sự tôn trọng và yêu thương, điều đó cũng đồng nghĩa rằng, cha mẹ đã đưa trẻ đến gần với cánh cửa hạnh phúc. Bên cạnh đó, đây còn là một sức mạnh giúp con vượt qua những cám dỗ của cuộc đời.

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền nhận định, cha mẹ Việt có lẽ là người vất vả nhất trong công cuộc làm “cha mẹ”. Bởi, nhiều ông bố, bà mẹ luôn dạy con bằng sự bù đắp cho những gì mình từng không có. Tuy nhiên, cách nuôi dạy này khiến không ít trẻ ngày càng đòi hỏi được nhận nhiều hơn. Khi thành thói quen, thành tính cách, những đứa trẻ ấy dần trở nên ích kỷ đến vô ơn, lạnh lùng, vô cảm.

Bởi vậy, chuyên gia Phạm Hiền cho rằng, phụ huynh cần khiến con hiểu, nếu cha mẹ bỏ rơi và không cần con giống như con đối xử với cha mẹ, con sẽ ra sao? Đặc biệt, trẻ cần làm chủ chính mình với đủ đầy ý thức, trách nhiệm, tự nhận thức học hỏi mọi thứ bằng tình yêu thương cao nhất.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/cham-soc-goc-re-cua-su-ton-trong-luat-nhan-qua-trong-cach-giao-duc-the-he-sau-EZrZZJqMR.html