Chậm sẽ không có lối thoát

Lộ trình hạn chế, cấm phương tiện giao thông cá nhân trong nội đô nhằm chống ùn tắc tại Hà Nội đã được đề ra khá chi tiết, bài bản với những giải pháp cụ thể.

Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học vẫn tiếp tục bàn luận, phân tích và hiến kể để tìm ra những giải pháp mang tính khả thi và hiệu quả nhất.

Công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội tuy đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song do sự gia tăng phương tiện cá nhân đến mức chóng mặt khiến áp lực giao thông hết sức căng thẳng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông luôn “đuổi theo” sự “tăng tốc” của phương tiện.

Nên nhớ, hiện nay ô tô và xe máy đang giành tới 85,8% mặt đường, ô tô chiếm trên 42%, còn xe máy là 43%, phần đường còn lại ít ỏi dành cho phương tiện công cộng. Đó là chưa kể một số lượng khá lớn xe ngoại tỉnh, xe quân đội, ngoại giao. Điều đáng quan tâm là, dù xe máy áp đảo số lượng ô tô con, nhưng một chiếc ô tô lại chiếm dụng mặt đường gấp 6 lần xe máy.

Thực tế cho thấy, nhiều khi trên đường một chiếc ô tô chỉ chở một người vừa phí vừa góp phần gây ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. Hơn thế, xét ở chỉ số tăng trưởng, hiện tại xe máy chỉ tăng 7,6% và đang trên đà giảm, trong khi ô tô đang tăng trưởng mạnh tới trên 16%/năm và ngày càng tăng theo thu nhập của một bộ phận cư dân.

Còn xe máy sẽ đến mức bão hòa và vẫn là phương tiện duy nhất của hàng triệu người dân, nhất là người lao động để đi lại và kiếm sống. Chính vì vậy, không ít chuyên gia đề xuất, nếu hạn chế phương tiện cá nhân thì phải hạn chế cả ô tô lẫn xe máy.

Chuyên gia tư vấn giao thông từ Nhật Bản cho biết, thời gian đầu hạn chế xe cá nhân ở Nhật Bản, chủ yếu áp dụng giải pháp kinh tế, trong đó “đánh” mạnh vào việc phí đỗ xe, xe vào trung tâm thành phố.

“Đánh” mạnh vào kinh tế vừa là giải pháp trước mắt và lâu dài. Theo đó, cần xây dựng khung giá dịch vụ trông giữ xe ô tô theo hướng tăng lũy tiến theo thời gian đỗ, tăng phí trước bạ, thu phí ô tô vào nội đô giờ cao diểm, lấy từ vành đai 2 trở vào.

Trước hết nên thí điểm hạn chế hoạt động của ô tô tại một số tuyến đường, khu vực có phương tiện giao thông công cộng hoạt động. Bàn tính kỹ các giải pháp không có nghĩa là chần chừ, do dự, bởi nếu không giao thông Hà Nội sẽ rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, càng để chậm càng không có lối thoát.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/cham-se-khong-co-loi-thoat/710680.antd