Chấm phá bức tranh buồn âm nhạc Việt Nam gần đây

Trong chương trình 'Giọng hát nhí' phát trên kênh VTV3 chủ nhật 13/10 vừa qua, tôi rùng mình khi nghe cháu bé lên 6 tuổi có tên là Mai Phương ăn mặc cố tình bắt chước người lớn đến phản cảm, hét đến lạc giọng ca khúc Giọt sương trên mi mắt của cố nhạc sĩ Thanh Tùng với những ca từ có thể phù hợp với Hồng Nhung, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Tuấn Hưng…

Thật trớ trêu với một cháu bé vừa thoát lớp mẫu giáo “giọt sương trên mí mắt, là cuộc tình, cuộc tình đầu tiên”, rồi ”có những lúc em cười thật buồn. Sao em không khóc cho lòng nhẹ nhàng hơn”? Trong tôi xuất hiện cảm giác hẫng hụt và có phần đau xót trước hiện tượng cô bé hát tình khúc có thể xem là điển hình về cảm giác của hàng chục triệu người yêu âm nhạc Việt Nam thất vọng về nền âm nhạc nước ta trong vòng hơn hai thập niên qua.

Nhạc sĩ Trần Tiến có lần nói với tôi: “Thế hệ nào có âm nhạc của thế hệ ấy”. Điều này hoàn toàn có lý, song về khía cạnh nào đó ý kiến của nhạc sĩ du ca sông Hồng này chỉ đúng về sự xác thực một dòng âm nhạc, còn về cả một nền âm nhạc nước ta thì quả tình hơn hai thập niên qua gần như không đáp ứng được yêu cầu nghe và cảm thụ của đông đảo người nghe.

Để nói về điều này, tôi chợt nghĩ nền tân nhạc nước ta ra đời từ những năm đầu của thế kỷ XX với các đại diện xuất chúng như Đặng Thế Phong, Văn Cao… và được phát triển mạnh mẽ cùng năm tháng, đã tạo ra những tác phẩm để đời khi đi cùng sự phát triển của những diễn biến lịch sử dân tộc. Trong hai lần chiến tranh vệ quốc, trong giai đoạn đất nước thống nhất và kiến quốc, không ít các tác phẩm - nhất là trong lĩnh vực ca khúc - đáp ứng được sự phản ảnh tâm tư, tình cảm của đông đảo quần chúng nhân dân, đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu ca hát cho nhiều thế hệ, cho nhiều lứa tuổi. Hiện tượng ca khúc trở thành phổ cập ngay khi ra đời và có đời sống dài lâu trong xã hội, tạo ra ảnh hướng đến việc xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan của con người là có thật. Những ca khúc để đời đó không còn là sự hiếm mà liên tục ra đời, gắn liền tên tuổi của Văn Cao, Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Nguyễn Tài Tuệ, Chu Minh, Trần Tiến, Phạm Tuyên, Vũ Thanh, Thanh Tùng, Văn Thành Nho… được người nghe, người hát yêu mến kính trọng. Đã tạo thành một đội ngũ sáng tác âm nhạc hùng mạnh, đa dạng làm nên một nền âm nhạc trong sáng, khỏe mạnh giầu sức biểu cảm. Mỗi sáng tác xuất sắc của các nhạc sĩ đều ít nhiều trở thành bài hát được nghe, được hát của đông đảo nhân dân…

Còn hơn hai chục năm nay, dường như rất ít các tác phẩm nhạc - nhất là trong lĩnh vực ca khúc - được người xem, người nghe đón nhận phổ cập như trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc và những năm đầu xây dựng đất nước. Người yêu âm nhạc trong giai đoạn này thèm một “Làng tôi”, một “Trường ca sông Lô”, một “Bài ca người thợ lò”, một “Những ánh sao đêm”, một “Xe ta đi trong đêm Trường Sơn”, một “Như có Bác hồ trong ngày vui đại thắng”, một “Nhớ mùa thu Hà Nội”… cũng như các cháu thiếu nhi thèm một “Tiến lên đoàn viên”, một “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, một “Đi học”, một “Lỳ và Sáo”… Về mặt số lượng, các ca khúc vẫn liên tục ra đời và dường như không kém gì các thời kỳ trước. Các cuộc thi âm nhạc địa phương, các ngành và trung ương… vẫn liên tục tổ chức và cho ra không ít giải thưởng, nhưng số lượng tác phẩm đọng lại trong lòng người nghe dường như là con số không. Bởi tỉ lệ các tác phẩm chờn chợt, thông thạo về nhạc lý nhưng mỏng về cảm xúc và thấp về tài năng bút pháp, cảm hứng… lại chiếm đa số, kể cả những tác phẩm đoạt giải. Có thể nói dấu ấn về âm nhạc nước ta nói chung và trong lĩnh vực ca khúc nói riêng hơn hai thập niên quả là nhạt nhòa.

Cùng với sự hẫng hụt về ca khúc thì hơn hai thập niên qua trong lĩnh vực âm nhạc lại nảy nở quá nhiều những hiện tượng mà xét về mặt nào đấy là sự bất thường.

Hiện tượng đầu tiên phải kể đến sự trở lại thái quá của dòng nhạc Bolero. Tôi không phải là người không ưa dòng nhạc này và cũng từng không tán thành sự ngăn cấm ấu trĩ một thời dòng nhạc này khi bị chụp dưới mũ “nhạc vàng” - cũng như nhiều lĩnh vực, nhất là trong nghệ thuật cái gì thái quá cũng thành bất cập. Tôi chưa đủ điều kiện nghiên cứu để cắt nghĩa nguyên nhân trào lưu, ý đồ gì để đưa Bolero đột ngột quay lại và lan tỏa như vậy. Tôi cũng hoàn toàn phản đối cho rằng sự quay lại lan tỏa này là do nội lực hấp dẫn của bản thân dòng nhạc ấy. Bước đầu tôi cho rằng do các hãng thông tin có tính phổ cập, nhất là các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương thi nhau dành giờ vàng cho Bolero cùng các hình thức quảng cáo ầm ĩ dưới hình thức các tiết mục và cả live show. Những cuộc thi về dòng nhạc này liên tục được mở ra với những ban giám khảo đa phần là những ca sĩ phía nam từng thành danh, nay đã luống tuổi. Có thể có kỹ thuật hát, kinh nghiệm sân khấu nhưng lại thiếu lý luận, kiến thức và cả thẩm âm để nhận xét các thí sinh. Người xem thấy thật đơn điệu vì sự lặp lại quá nhiều những câu sáo mòn cửa miệng của các thành viên giám khảo kiểu như “cô (hay chú) hoàn toàn xúc động, bị chinh phục về giọng hát hấp dẫn, quyến rũ của con (hay cháu)”. ”Một diễn xuất lan tỏa thực sự chạm vào trái tim người nghe”, v.v. và v.v…

Một hiện tượng đáng báo động nữa trong âm nhạc giai đoạn hơn hai thập niên qua là sự sai lạc, khi bằng nhiều hình thức và biện pháp của thời đại mà mạng xã hội với thế mạnh đang là phương tiện tạo ra những thần tượng âm nhạc sai lạc, nhất là trong giới trẻ. Một anh chàng Đức Hậu dưới nghệ danh Lệ Rơi thậm chí chưa biết những kiến thức, kỹ thuật cơ bản về âm nhạc, mà chỉ với sự thành thạo kỹ thuật vi tính vào giữa năm 2014 đã thu và tung ra hàng loạt clip thu thanh rầm rộ. Trên dưới 200 ca khúc thu hút giới trẻ được thể hiện bằng chất giọng mà chính Lệ Rơi công nhận giọng ca của anh ta “không hay, và nhất ca khúc hit Em của ngày hôm qua… Và chỉ trong thời gian ngắn giọng ca nghiệp dư này đã có lượng fan đông đảo với hơn 100.000 like không kém gì sao của The Voice, Vietnam Idol… thậm chí một số đông còn đề nghị tổ chức hội nghị fan của Lệ Rơi… Rất may, chính Lệ Rơi cũng xác định “trò chơi” của mình và đã dừng lại kịp thời, nếu không tác hại trong thẩm mỹ cũng như gu thưởng thức âm nhạc nhất là trong giới trẻ sẽ sai lạc đến đâu.

Một thần tượng âm nhạc khác, đó là Sơn Tùng. Dù đứng ở góc độ nào giới chuyên môn cũng như cá nhân tôi đều thừa nhận Sơn Tùng là một tài năng trong âm nhạc. Nhạc sĩ trẻ quê Thái Binh cũng bước ra, thành danh từ thế giới mạng này đến nay mới ở tuổi 25 mà đã tạo ra hàng loạt những sự kiện gây tiếng vang trong giới âm nhạc trong, ngoài nước, nhất là tạo ra sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới nghe nhạc trẻ. Tính cho đến nay Sơn Tùng đã có hàng trăm ca khúc trong đó có những ca khúc lập kỷ lục về số người nghe chỉ trong thời gian ngắn như Em của ngày hôm qua (1 triệu lượt người nghe chỉ sau 3 ngày), Âm thầm bên em (1 tỉ lượt người nghe sau 3 tháng). Sở trường với dòng nhạc hit-hop, chủ yếu ca khúc của Sơn Tùng hướng về giới trẻ, song bên cạnh đó cũng có tỷ lệ đáng kể các ca khúc phục vụ đông đảo quần chúng và nói lên tình yêu quê hương, đất nước, cổ vũ như Tiến lên Việt Nam ơi, Thái Bình mồ hôi rơi… Với những tiết tấu lạ, ca từ bình dị, ráp linh hoạt… Tuy vậy bên cạnh những điều đáng ghi nhận của Sơn Tùng trong âm nhạc, theo tôi người nhạc sĩ - ca sĩ trẻ này cũng có những điều nếu điều chỉnh tốt sẽ mang lại tác động tốt hơn đối với người nghe.

Nói đến đây tôi chợt nhớ đến nhận xét của nhạc sĩ Văn Dung đối với nhạc trẻ: “Các ca sĩ trẻ chú ý nhiều đến tiết tấu, vũ đạo, quần áo ít để ý đến cảm xúc âm nhạc”. Trong một lần tôi xem clip Sơn Tùng trình bày một ca khúc của anh, hình như Lạc trôi thì phải, thấy ca sĩ trang điểm, phục trang như một đạo sĩ trong chưởng Kim Dung, bối cảnh như trong phim cổ trang Trung Quốc. Còn giọng hát của Sơn Tùng tuy vang, khỏe tài hoa nhưng do cố tạo cho phù hợp với bài ca và cảnh trí nên tôi cố nghe mãi mà không rõ ca từ nói gì… Sự chuộng ngoại trong các MV của Sơn Tùng không chỉ dừng như ở Lạc trôi mà ở khá nhiều MV khác, đa phần chỉ thấy sự minh họa bằng các danh thắng thế giới, khi thì công viên Joshua Tree khi thì Roiver-Nêvada… Trang phục lúc thì giống nhóm nhạc Bigbang của Hàn khi thì giống nhóm Plower của Nhật… Không chỉ dừng ở cảnh minh họa, cách ăn mặc mà ngay trong không ít nhạc phẩm của Sơn Tùng bị xì xào vì sự giống nhạc nền, ý tưởng, đoạn nhạc, bản phối của các nhạc phẩm ăn khách nước ngoài. Cộng thêm lối biểu diễn, nhả chữ không rõ lời, đọc ráp… cố bắt chước các ca sĩ thế giới đã làm cho nhạc sĩ quê Thái Bình đậm sự lai căng, ngoại lai.

Sự ảnh hưởng dòng nhạc Hàn, nhạc Nhật cũng như các dòng nhạc khác trên thế giới là sự bình thường trong sự hòa nhập, nhưng riêng với Sơn Tùng tôi rất mong ở nhạc sĩ này bớt đi yếu tố ngoại lai, thay vào đó là bản sắc, tố chất của riêng mình, của người Việt.

Quỳnh Mai 18/10/2019

Nhà văn Nguyễn Hiếu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/cham-pha-buc-tranh-buon-am-nhac-viet-nam-gan-day-tintuc451884