UNCTAD: FDI toàn cầu nửa đầu năm 2021 phục hồi mạnh

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) tổ chức ngày 19/10 đã công bố báo cáo về dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với dự báo FDI toàn cầu trong năm 2021 ước đạt 852 tỉ USD, cho thấy đà phục hồi mạnh hơn dự kiến.

FDI toàn cầu: Nhiều khu vực và nền kinh tế giảm sâu trong lịch sử FDI toàn cầu giảm mạnh do đại dịch

Dòng vốn FDI toàn cầu nửa đầu năm 2021 phục hồi mạnh nhưng bất ổn vẫn còn nhiều.

Báo cáo của UNCTAD đánh giá rằng, trong nửa đầu năm 2021, các nền kinh tế phát triển ghi nhận mức tăng lớn nhất với FDI ước tính đạt 424 tỷ USD, gấp hơn ba lần so với năm 2020. Trong tổng “mức tăng phục hồi” của dòng vốn FDI toàn cầu trong nửa đầu năm 2021 là 373 tỷ USD, 75% được ghi nhận ở các nền kinh tế phát triển.

Tại khu vực châu Âu, một số nền kinh tế lớn đã có mức tăng đáng kể, trong khi dòng vốn vào Mỹ đã tăng 90% hoàn toàn là do sự gia tăng của các vụ mua bán và sáp nhập xuyên biên giới. Dòng vốn FDI vào các nền kinh tế đang phát triển cũng tăng đáng kể, đạt tổng cộng 427 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021 với tốc độ tăng trưởng ở Đông Á và Đông Nam Á (tăng 25%), phục hồi về mức gần như trước đại dịch COVID-19 ở Trung Mỹ và Nam Mỹ và tăng ở một số nền kinh tế khác trên khắp châu Phi, Tây Á và Trung Á.

Niềm tin ngày càng tăng của nhà đầu tư thể hiện rõ nhất ở cơ sở hạ tầng, được thúc đẩy bởi các điều kiện tài chính dài hạn thuận lợi, các gói kích thích phục hồi và các chương trình đầu tư ra nước ngoài. Các hợp đồng tài trợ dự án quốc tế cũng đã tăng 32% về số lượng (74% về giá trị) với mức tăng đáng kể ở hầu hết các khu vực thu nhập cao và ở châu Á và Nam Mỹ. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư vào ngành và chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn lung lay. Các thông báo về dự án đầu tư của Greenfield tiếp tục đi xuống (giảm 13% về số lượng, giảm11% về giá trị trong ba quý đầu tiên). Số lượng các dự án mới trong các ngành thông dụng vào chuỗi giá trị toàn cầu (như điện tử, ô tô và hóa chất) còn giảm hơn nữa. Triển vọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng khả quan nhờ các gói kích thích COVID-19, nhưng đầu tư vào công nghiệp vẫn còn yếu.

Sự phục hồi của dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) ở các nước đang phát triển, vốn bị thiệt hại đáng kể trong thời kỳ đại dịch với mức giảm hai con số trên hầu hết các lĩnh vực, vẫn còn mong manh. Tài chính dự án quốc tế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và tiện ích tiếp tục là lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất. Tuy nhiên, số lượng các dự án đầu tư liên quan đến SDG ở các nước kém phát triển nhất tiếp tục giảm mạnh.

Các công bố dự án Greenfield mới giảm 51% và các giao dịch tài chính cho dự án cơ sở hạ tầng giảm 47%. Con số này sau khi giảm 28% ở cả hai loại hình vào năm 2020. Tổng giá trị dự án đã tăng lên nhờ dự án tái tạo lớn duy nhất. Tổng giá trị của các khoản đầu tư vào lĩnh vực xanh được công bố và các thương vụ tài trợ dự án đã tăng 60%, nhưng chủ yếu là do một số ít các thương vụ rất lớn trong lĩnh vực điện (tổng số các dự án đầu tư liên quan đến SDG ở các nền kinh tế đang phát triển vẫn giảm 6%).

Theo Giám đốc đầu tư và doanh nghiệp của UNCTAD, ông James Zhan, sự phục hồi nhanh chóng của FDI và triển vọng lạc quan đã che giấu sự phân hóa ngày càng tăng trong dòng vốn FDI giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, cũng như sự chậm trễ trong việc phục hồi đầu tư vào lĩnh vực xanh trên diện rộng đối với năng lực sản xuất.

Triển vọng FDI toàn cầu trong cả năm đã được cải thiện so với những dự báo trước đó. Tuy nhiên, thời gian của cuộc khủng hoảng y tế và tốc độ tiêm chủng ngừa COVID-19, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, cũng như tốc độ thực hiện kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng, vẫn là những yếu tố không chắc chắn quan trọng. Các yếu tố rủi ro quan trọng khác, bao gồm tắc nghẽn về lao động và chuỗi cung ứng, giá năng lượng và áp lực lạm phát, cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuối năm.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/unctad-fdi-toan-cau-nua-dau-nam-2021-phuc-hoi-manh-93803.html