Chăm lo toàn diện đời sống người lao động - Bài 2: Nỗ lực an cư cho công nhân

Vấn đề chăm lo 'nơi ăn, chốn ở' cho công nhân tại các khu công nghiệp đã được Đảng bộ, chính quyền các địa phương khu vực phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP Hồ Chí Minh… quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức. Dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu của công nhân lao động.

Khu nhà ở công nhân KCN Đồng An, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN

Chỉ đáp ứng một phần nhu cầu

Là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 187 ngàn doanh nghiệp, trong đó có 1.100 doanh nghiệp với 377.000 công nhân, lao động đang làm việc trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp.

Vì vậy, việc xây dựng, phát triển mô hình nhà ở xã hội cho công nhân nhằm nâng cao mức sống, đảm bảo các điều kiện tiện ích công cộng, sinh hoạt văn hóa, giải trí cơ bản là cần thiết, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện giải pháp đảm bảo an sinh xã hội mà chính quyền thành phố đang tập trung giải quyết.

Thành phố đã và đang triển khai xây dựng mới các công trình nhà ở xã hội cho công nhân như: Khu nhà lưu trú công nhân Tân Thới Hiệp (Quận 12), Khu Chế xuất Linh Trung I, II (quận Thủ Đức), Khu Công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7)… Tuy nhiên, dù bằng nhiều nỗ lực nhưng hiện nay, thành phố mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu về nhà ở của công nhân.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân cho rằng, hiện quận Bình Tân có hơn 300 ngàn công nhân lao động, trong đó khoảng 70% là công nhân từ các tỉnh, thành khác đến sinh sống, làm việc và hầu hết đều phải thuê trọ.

Với thu nhập chỉ trên 6 triệu đồng/tháng, người lao động vừa phải trang trải cuộc sống, mỗi tháng tích góp được từ 1 - 2 triệu đồng. Nếu đem so với giá trị một căn nhà có giá bình quân hiện nay khoảng 1 tỷ đồng, không biết bao giờ công nhân mới có thể để mua được nhà, ông Hải cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, những năm qua, Liên đoàn Lao động quận Bình Tân phối hợp với nhiều tổ chức, chính quyền, đoàn thể tuyên truyền, vận động chủ nhà trọ chia sẻ khó khăn với công nhân bằng việc không tăng giá điện, giá nhà…

Ngoài ra, quận còn thành lập những khu nhà lưu trú cho công nhân đảm bảo sạch đẹp, an toàn. Đến nay, quận Bình Tân đã xây dựng được 11 khu nhà lưu trú văn hóa, 9 khu nhà xanh sạch đẹp, 249 nhà trọ “văn minh nghĩa tình” và gần 550 khu nhà trọ có “tổ công nhân tự quản” để đảm bảo an ninh trật tự.

Tương tự, tỉnh Long An có 16 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp đang hoạt động, với hơn 10.100 doanh nghiệp và khoảng 300 ngàn lao động trong, ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An cho rằng, đối với công nhân, khó khăn nhất hiện nay là nhà ở, nhà trẻ. Việc xây dựng nhà ở cho công nhân đáp ứng chưa được 2 - 3% nhu cầu.

Do vậy để giải quyết khó khăn về nhà ở, Liên đoàn Lao động tỉnh Long An đã có những cách làm hay như các bộ phận công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ cho một số trường hợp cụ thể xây dựng được mái ấm, góp phần ổn định đời sống, đảm bảo “an cư lạc nghiệp”.

Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giày Ching Luh Việt Nam cho biết, từ năm 2012, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện việc xây tặng nhà cho công nhân với trị giá khoảng 60 triệu đồng/căn. Bình quân mỗi năm, Công ty xây dựng khoảng 20 căn nhà cho công nhân. Tiêu chí để xét duyệt là gia đình công nhân có sẵn đất và hoàn cảnh khó khăn, ông Khải cho hay.

Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh Long An còn huy động từ các nguồn đóng góp khoảng 4 tỷ đồng để thực hiện chương trình “Mái ấm Công đoàn”. Trong năm 2018, bằng nguồn vốn này, Công đoàn Long An đã xây dựng được 65 căn nhà cho công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Tìm giải pháp “an cư”

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An đang nỗ lực tìm kiếm quỹ đất để từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động.

TP Hồ Chí Minh vừa thông qua Chương trình phát triển nhà ở với mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Để làm tốt mục tiêu này, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nhà lưu trú công nhân TP Hồ Chí Minh đã đề xuất một số giải pháp như, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Cụ thể, thành phố sẽ ưu tiên bố trí quỹ đất sạch, quỹ đất phù hợp quy hoạch, gần các khu công nghiệp tập trung để xây nhà lưu trú cho công nhân. Ngoài ra, thành phố tiếp tục hỗ trợ, mở rộng đối tượng được vay vốn kích cầu với thời hạn 10 năm để thu hút doanh nghiệp xây nhà lưu trú cho công nhân.

Theo ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An, hiện Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang tìm kiếm quỹ đất để đầu tư xây dựng các thiết chế về nhà ở, phục vụ đời sống tinh thần cho công nhân.

Các cơ quan ban, ngành của tỉnh Long An đã tìm được đất với tổng diện tích 2 ha tại Khu Công nghiệp Thuận Đạo (trung tâm thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Tuy nhiên, do giá thuê quá cao, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Liên đoàn Lao động tỉnh Long An tìm vị trí mới.

Hiện nay, Liên đoàn Lao động tỉnh Long An đã xác định được quỹ đất ở huyện Đức Hòa và cố gắng trong năm 2019 thực hiện được một thiết chế xây dựng nhà ở, nhà cho thuê cũng như một số thiết chế khác cho công nhân lao động, ông Quý cho biết.

Có thể thấy rằng, vấn đề thiếu hụt nhà ở cho công nhân lao động xuất phát từ sự thiếu cân đối giữa phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao với nhu cầu nhà ở của công nhân.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao với quy hoạch phát triển nhà ở xã hội cho người lao động. Do vậy, nhược điểm này cần được khắc phục khi tiến hành tái cấu trúc lại mạng lưới khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong tương lai.

Đây là yêu cầu hết sức cần thiết, bởi nếu xét trên góc độ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh, thành (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh), một số chuyên gia cho rằng, lĩnh vực công nghiệp không phải là khu vực có lợi thế so sánh đối với TP Hồ Chí Minh vì quỹ đất có hạn nên không còn nhiều diện tích cho sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, lợi thế về phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố đang có xu hướng giảm dần so với các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chính vì vậy, khi tiến hành tái cấu trúc lại mạng lưới khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, song song đó cần xây dựng chiến lược phát triển đô thị. Trong đó có quy hoạch chặt chẽ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cho công nhân.

Anh Đức - Việt Âu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/cham-lo-toan-dien-doi-song-nguoi-lao-dong-bai-2-no-luc-an-cu-cho-cong-nhan-20181114135230849.htm