Chăm lo sức khỏe học sinh trong nhà trường

Với sự nỗ lực của hai ngành y tế, giáo dục và đào tạo (GD và ĐT), trong gần mười năm qua công tác y tế trường học (YTTH) đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để công tác YTTH thật sự phát huy hiệu quả, các bộ, ngành liên quan cần tập trung tháo gỡ những khó khăn và bất cập, nhất là nguồn lực dành cho hoạt động YTTH.

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Gần 10 năm công tác tại Trường THCS Thụy Dân (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) với chức danh kế toán, cũng từng đó thời gian chị Nguyễn Thị Ly Phương kiêm nhiệm công tác YTTH của nhà trường. Chị Phương cho biết: Thông qua các lớp tập huấn, lớp đào tạo ngắn hạn do ngành y tế tổ chức, giờ đây tôi không chỉ làm tốt công tác chăm sóc ban đầu cho học sinh (HS), giáo viên trong nhà trường, mà tôi còn chủ động phối hợp cán bộ trạm y tế xã xây dựng các kế hoạch kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho HS…

Sự việc xảy ra mới đây, chắc sẽ mãi in đậm trong tâm trí chị Phương. Hôm đó, khi đang làm việc nhận được tin em HS lớp 8 bị ngất tại lớp học trong giờ ra chơi. Cùng với giáo viên chủ nhiệm, thầy hiệu trưởng, chị Phương đã có mặt kịp thời thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu, thông báo cho cán bộ Trạm y tế xã Thụy Dân đến phối hợp đưa em HS lên tuyến trên cấp cứu. Theo phản ánh của bác sĩ, nếu không được cán bộ y tế sơ cứu ban đầu đúng quy trình, không được đưa đi cấp cứu kịp thời, thì nguy cơ tử vong là rất cao. Qua sự việc đó, chị Phương luôn tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa. Vì các em khi đến trường, không chỉ được học hành, mà còn phải được theo dõi, chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Không chỉ được trang bị khá đầy đủ về trang thiết bị, thuốc chữa bệnh, điều ấn tượng nhất ở phòng y tế của Trường THPT Quỳnh Côi (tỉnh Thái Bình) là sự ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát. Tại đây, cán bộ YTTH Trương Ngọc Huyền đang theo dõi, chăm sóc nữ HS bị đau bụng. Chị Ngọc Huyền cho biết: Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Hải Dương, tôi được nhà trường tuyển dụng về làm công tác YTTH theo dạng hợp đồng. Khi chưa vào việc, tôi nghĩ công việc YTTH chắc nhàn nhã lắm. Nhưng làm rồi, mới thấy áp lực công việc là rất lớn, vì hiện nay toàn trường có gần hai nghìn HS, gần 100 cán bộ, giáo viên và nhân viên cần được theo dõi, chăm sóc sức khỏe hằng ngày. Trong khi đó, các HS đều trong lứa tuổi vị thành niên, cho nên tâm, sinh lý có nhiều thay đổi, sức khỏe không ổn định.

Nhận thức được điều đó, bên cạnh việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường, tôi thường gần gũi các em chia sẻ, tư vấn về sức khỏe giới tính. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp cán bộ trạm y tế xã, phòng y tế tổ chức các buổi truyền thông ngoại khóa, với các nội dung như: sức khỏe sinh sản; phòng, chống HIV/AIDS; an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học… Thông qua các hoạt động nêu trên, các HS có thêm những kiến thức về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân, đồng thời trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng.

Chị Ngọc Huyền nói: Tôi không sợ vất vả, khó khăn trong công việc đang làm, điều mong muốn lớn nhất không chỉ riêng tôi, mà của hàng trăm cán bộ YTTH đang làm hợp đồng trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh, đó là UBND tỉnh sớm bổ sung định biên cán bộ YTTH cho ngành GD và ĐT thời gian tới. Được như thế chúng tôi sẽ thật sự yên tâm công tác, cống hiến công sức nhỏ bé của mình chăm sóc sức khỏe học sinh trong nhà trường.

Đánh giá về vai trò của cán bộ YTTH trong các nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Ước (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) khẳng định: Trước đây, khi nhà trường chưa có cán bộ YTTH, vấn đề bảo đảm sức khỏe của các cháu trong thời gian học tập tại trường, luôn là bài toán làm chúng tôi “đau đầu”. Không may có điều gì xảy ra với các cháu, không chỉ mất uy tín của nhà trường mà cha mẹ các cháu không yên tâm. Tuy nhiên, kể từ khi nhà trường có cán bộ chuyên trách về YTTH, những lo lắng, băn khoăn trong theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho các cháu đã được “cởi bỏ”, giáo viên trong trường có thể dành toàn bộ tâm trí, để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tháo gỡ “rào cản” nguồn nhân lực và kinh phí

Thực hiện Chỉ thị số 23/2006/CT- TTg về tăng cường công tác y tế trong các trường học và Quyết định số 401/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống bệnh, tật trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, ngành y tế, ngành GD và ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng và ban hành các văn bản liên quan công tác YTTH. Điều đó giúp các cơ sở giáo dục có căn cứ để xây dựng cơ sở, vật chất, trang, thiết bị, tạo nguồn kinh phí duy trì các hoạt động, nhất là từng bước hình thành đội ngũ làm công tác YTTH. Đến nay, mạng lưới YTTH đã được hình thành từ trung ương đến địa phương; các cơ sở giáo dục thành lập ban chỉ đạo công tác YTTH; cán bộ quản lý và chuyên trách về công tác YTTH từng bước được kiện toàn…

Theo báo cáo của các sở GD và ĐT, đối với bậc phổ thông và mầm non đã có 44,6% số trường có cán bộ chuyên trách làm công tác YTTH; 58,2% số trường có ban chăm sóc học sinh. Tỷ lệ trường có cán bộ chuyên trách về công tác YTTH là 57,3% và cán bộ kiêm nhiệm là hơn 37%... Nhờ có hệ thống YTTH, những năm qua công tác chăm sóc sức khỏe cho HS, sinh viên, giáo viên trong các nhà trường không ngừng được nâng cao; đồng thời góp phần giảm đến mức thấp nhất các dịch, bệnh trong trường học.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai công tác YTTH tại các địa phương còn gặp không ít khó khăn, bất cập về nguồn nhân lực, kinh phí. Hiện cả nước còn hơn 10 nghìn trường chưa có biên chế nhân viên YTTH và hơn bảy nghìn trường học chưa có nhân viên y tế, các vị trí này được giao cho giáo viên và nhân viên khác đảm nhiệm. Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Thái Bình Đặng Phương Bắc đánh giá: Hiện nay, ngành GD và ĐT tỉnh Thái Bình đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực YTTH. Mặc dù tất cả các trường từ cấp tiểu học đến THPT đều có phòng y tế học đường, nhưng tất cả các cán bộ YTTH làm kiêm nhiệm và hợp đồng. Hay trong vị trí việc làm của các trường ở Thái Bình, chưa có chỉ tiêu biên chế dành cho đội ngũ YTTH, cho dù chúng tôi đã nhiều lần đề nghị. Do vậy, chất lượng YTTH tại các trường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các trường ưu tiên ký hợp đồng với các cán bộ y tế về hưu, hoặc sinh viên tốt nghiệp các trường y. Tuy nhiên, những người mới tốt nghiệp từ các trường y đang làm việc tại các trường học chưa thật sự “toàn tâm, toàn ý” với công việc, luôn tìm cơ hội để được tuyển dụng vào các cơ sở của ngành y tế, cho nên tình trạng thiếu cán bộ YTTH có trình độ chuyên môn sẽ tiếp tục xảy ra.

Theo Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT/BGDĐT-BNV của Bộ GD và ĐT và Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, quy định trường loại một có 28 lớp trở lên có một biên chế chuyên trách YTTH; hơn 40 lớp được bố trí thêm một biên chế. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường trên địa bàn tỉnh An Giang có số lớp nhiều hơn so với quy định, nhưng chưa được bổ sung thêm biên chế.

Cô giáo Nguyễn Thị Kiều, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: Trường Nguyễn Du là một trong những trường tiểu học có số lượng lớp và HS đông hàng đầu của tỉnh, với tổng số 59 lớp và hơn hai nghìn HS. Hàng chục năm qua trường vẫn chỉ có một y sĩ đa khoa, kiêm răng hàm mặt đảm trách các công việc từ sơ cấp cứu đến nha khoa trường học và triển khai các hoạt động khác. Bất cập này là tình trạng chung của nhiều trường trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã đề nghị nhiều lần nhưng chưa được tháo gỡ…

Không chỉ thiếu nhân lực, vấn đề kinh phí dành cho YTTH của các trường còn gặp rất nhiều khó khăn, gần như toàn bộ kinh phí dành cho công tác này ở các nhà trường đều “trông chờ” từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) trích lại. Trao đổi vấn đề này với chúng tôi, ông Dương Thành Vui, cán bộ phụ trách y tế học đường và BHYT (Sở GD và ĐT An Giang) cho biết: Theo quy định, các trường được trích lại 7% tổng thu quỹ BHYT trên tổng số HS, sinh viên đang theo học tại trường có tham gia BHYT; 5% tổng thu quỹ BHYT trên tổng số trẻ em dưới sáu tuổi đang theo học tại cơ sở giáo dục mầm non, để đầu tư trang, thiết bị, phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS, sinh viên. Tuy nhiên, ngay các trường loại một cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì với khoản thu nêu trên, ngay từ đầu năm đã mất 10 nghìn đồng/học sinh để khám sức khỏe ban đầu cho HS. Số tiền còn lại phải dùng cho việc mua trang, thiết bị, thuốc… Tất cả chỉ “trông chờ” vào nguồn thu đó.

Để khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc cho rằng: Thời gian tới, hai ngành y tế, GD và ĐT cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động YTTH sát với nhu cầu thực tiễn. Sở GD và ĐT các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND các cấp củng cố, kiện toàn đội ngũ nhân viên y tế, phòng y tế, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và các chế độ đãi ngộ cán bộ làm công tác YTTH theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT- BYT- BGDĐT. Đối với các trường chưa bố trí được nhân viên đạt trình độ chuẩn về chuyên môn, chưa có cán bộ chuyên YTTH, thì thực hiện ký hợp đồng trách nhiệm với trạm y tế trên địa bàn…

Vụ trưởng Công tác HS, sinh viên (Bộ GD và ĐT) Ngũ Duy Anh nêu kiến nghị: thời gian tới, Bộ GD và ĐT tiếp tục phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai BHYT bắt buộc đối với HS, sinh viên; tạo cơ chế cho phép các trường ký hợp đồng khám, chữa bệnh với các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp ngành y tế đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ YTTH đủ về số lượng, chất lượng theo quy định...

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/31524502-cham-lo-suc-khoe-hoc-sinh-trong-nha-truong.html