Chăm lo mới mong có quả ngọt

Đời sống sáng tạo văn học-nghệ thuật (VHNT) đang có bước phát triển mạnh mẽ, song 'người bạn' đồng hành là phê bình lại tụt hậu đáng báo động. Thực trạng đã thấy rõ, vấn đề là các cơ quan chức năng cần thống nhất các giải pháp để nâng cao vai trò định hướng, làm lành mạnh đời sống VHNT của lĩnh vực phê bình.

Thiếu, yếu và lệch chuẩn

Đó là những từ ngữ mà nhiều văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nói về hiện trạng phê bình VHNT hiện nay.

Sự thiếu vắng nhân lực trước hết bắt nguồn từ đặc tính của phê bình vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật. Để nhận định tác phẩm, người viết cần trang bị kiến thức nền tảng, bộ công cụ lý thuyết để phân tích thấu đáo, thuyết phục về tác phẩm. Song để trình bày quá trình phân tích lại đòi hỏi câu chữ, giọng điệu, cấu trúc bài phê bình phải có tính nghệ thuật. Người làm phê bình vừa có phẩm chất người làm khoa học, đồng thời có tính nghệ sĩ cho nên không phải ai cũng có tố chất để làm công việc này.

Trừ văn học là loại hình có đội ngũ người làm phê bình đông đảo do nhiều khoa ngữ văn, viết văn vẫn đang có người theo học. Các lĩnh vực nghệ thuật khác, như: Điện ảnh, sân khấu, múa, nhiếp ảnh… rất nhiều năm nay các trường đại học, cao đẳng không tuyển sinh được các chuyên ngành lý luận phê bình. Ngoài nguyên nhân khó khăn trong việc học, việc làm sau khi ra trường chỉ gói gọn ở các trung tâm nghiên cứu, giảng dạy ở trường học, thu nhập không cao, không tạo ra động lực dấn thân. Thế nên, thí sinh nào có chút năng khiếu nghệ thuật đều cố thi vào chuyên ngành sáng tác, thiết kế, biểu diễn chứ không mấy ai lại chọn học lý luận, phê bình.

 Trao giải A cho các tác phẩm đoạt Giải thưởng của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2018. Ảnh: HÀ PHƯƠNG

Trao giải A cho các tác phẩm đoạt Giải thưởng của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2018. Ảnh: HÀ PHƯƠNG

Khi lựa chọn phê bình VHNT là nghề nghiệp thì nhiều yếu tố môi trường sinh hoạt cũng chưa lành mạnh, lệch chuẩn dẫn đến hiện tượng phê bình cánh hẩu, quy chụp, tâm lý ngại va chạm… Chẳng hạn, lĩnh vực điện ảnh phát triển vượt bậc nhưng phê bình điện ảnh rất èo uột, chủ yếu là các bài "PR", khen lấy khen để. TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, cho rằng: “Một bộ phim làm ra tiêu tốn hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn có thể không có giá trị, chất lượng kém. Liệu có mấy nhà phê bình thẳng thắn chê phim, liệu có dám đương đầu khi mà biết trước khó mà “yên ổn” với các nhà đầu tư, nhà sản xuất và ê kíp làm phim”.

Đã vậy, nhuận bút và hệ thống giải thưởng hiện nay chưa xứng tầm với công sức của nhà phê bình bỏ ra. Phải mất hàng chục năm được đào tạo và tự đào tạo, một cá nhân mới có đủ vốn kiến thức, kinh nghiệm để trở thành nhà phê bình, nhưng nhuận bút bài viết trên tạp chí chuyên ngành có khi chỉ bằng nhuận bút “tin sâu” trên báo hằng ngày. Trừ giải thưởng của Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam… được xét giải chặt chẽ, nghiêm túc, phần thưởng đúng mức, còn lại các giải thưởng khác phần thưởng rất thấp, thậm chí không có hạng mục phê bình trong cơ cấu các giải thưởng.

Những nguyên nhân khách quan và chủ quan kể trên khiến phê bình VHNT ở nước ta chưa phát huy vai trò đồng hành, định hướng hoạt động sáng tạo. Luôn bị động, lúng túng trước hàng loạt sự kiện, hiện tượng nóng bỏng và những vấn đề quan trọng của đời sống VHNT, dẫn đến nguy cơ bị giới sáng tác và công chúng văn nghệ “quay lưng”.

Chú trọng đào tạo đội ngũ phê bình

Với phê bình VHNT, nếu không thực hiện các giải pháp đồng bộ thì khó có thể nâng cao chất lượng. Về cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ cho giới phê bình có thể giải quyết bằng vấn đề trợ cấp, tăng kinh phí, thành lập quỹ tài trợ. Song, giải pháp căn cơ nhất để đời sống phê bình VHNT phát triển phải có nguồn lực chất lượng, điều này lại phải gắn chặt với công tác đào tạo.

Các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng chuyên môn đã được các cấp hội nghề nghiệp, cơ quan quản lý tổ chức thường xuyên giúp cập nhật thời sự VHNT, bổ sung kiến thức cho đội ngũ làm phê bình VHNT trong cả nước. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết: “Trong sáng tác có thể xuất hiện thần đồng nhưng trong phê bình VHNT không thể có điều này. Nhà phê bình phải được đào tạo một thời gian dài. Ý thức điều này, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, mở các trại viết lý luận, phê bình cho những cây bút, nhất là ở các hội VHNT địa phương. Kết quả mang lại khá khả quan khi không ít học viên đã có những bài phê bình nghiêm cẩn, chất lượng sau các lớp bồi dưỡng, tập huấn”.

Tuy nhiên, những hoạt động bồi dưỡng, tập huấn không thể tạo ra những nhà phê bình VHNT chuyên nghiệp, cốt lõi vẫn là các trường đại học, cơ quan nghiên cứu. Để gỡ khó cho đào tạo một số ngành, chuyên ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù, truyền thống khó tuyển sinh và đang thiếu nhân lực, trong đó có chuyên ngành lý luận, phê bình VHNT, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định lựa chọn việc giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đào tạo 300 chỉ tiêu. TS Đỗ Thị Thu Thủy, Phó trưởng Khoa Viết văn-Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết: “Với chuyên ngành viết văn, trong đó tích hợp đào tạo lý luận, phê bình văn học, mỗi khóa chúng tôi được đặt hàng đào tạo 15 chỉ tiêu. Sinh viên theo học được miễn 100% học phí, được phần thưởng, học bổng nếu có tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi, được hỗ trợ in ấn tác phẩm… Những chính sách hỗ trợ, thiết thực của Nhà nước chắc chắn sẽ thu hút nhiều thí sinh thi tuyển, để hy vọng sẽ đào tạo thêm nhiều cây bút phê bình văn học chuyên nghiệp, uy tín trong tương lai”.

Xu hướng đào tạo đại học hiện nay cá nhân hóa theo mục đích người học. Nếu chuyên ngành lý luận, phê bình VHNT không tuyển đủ người học thì có thể dạy tích hợp, lồng ghép nhiều môn học của chuyên ngành lý luận, phê bình kết hợp với sáng tác. Điều này, có thể tạo ra những người sáng tác tốt, đồng thời có đủ kiến thức để tham gia đời sống phê bình VHNT khi cần thiết. Hiện nay, các trường đại học khối văn hóa nghệ thuật đã bước đầu soạn nhiều giáo trình có hàm lượng tri thức tiệm cận với trình độ của thế giới, vẫn giữ vững bản sắc văn hóa Việt Nam, lấy đó làm cơ sở, đường hướng để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình và hoạt động giảng dạy, học tập.

Phê bình có chức năng định hướng công chúng biết đến tác phẩm giá trị, phê phán các tác phẩm xấu độc, các ý kiến cực đoan. Chính vì vậy, quan tâm, chăm lo lĩnh vực phê bình một cách chủ động, hiệu quả mới mong có một đời sống phê bình giàu sức sống, sức chiến đấu, thiết thực góp phần làm lành mạnh hóa đời sống VHNT nước nhà.

TRẦN HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/cham-lo-moi-mong-co-qua-ngot-604710