Chăm lo mái ấm gia đình quân nhân

Những năm qua, Sư đoàn 5 (Quân khu 7) có nhiều chính sách chăm lo cuộc sống gia đình quân nhân, như: Đầu tư xây nhà công vụ, hỗ trợ các đối tượng khó khăn về nhà ở, tặng quà các trường hợp khó khăn đột xuất, mắc bệnh hiểm nghèo…

Bóng chiều xuống thấp, cũng là lúc tại khu nhà công vụ Sư đoàn 5 rộn tiếng nói cười của các em nhỏ. Trong căn phòng nhỏ, Đại úy Hoàng Phước Ánh, Chính trị viên Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 4, Sư đoàn 5) vừa trông con nhỏ, vừa chuẩn bị bữa cơm chiều. Anh Ánh tâm sự: “Vợ tôi là giáo viên Trường Mầm non 1-6, TP Tây Ninh (Tây Ninh). Dịp cuối năm, công việc ở trường bận rộn nên tôi tranh thủ phụ giúp vợ việc nhà...”.

Niềm vui gia đình Đại úy Lê Đình Dũng trong căn nhà công vụ.

Dạo một vòng khu nhà công vụ, chúng tôi gặp chị Hoàng Thị Gấm, giáo viên Trường Mầm non xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành (Tây Ninh), là vợ của Đại úy Lê Đình Dũng, trợ lý Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Sư đoàn 5. Chị Gấm mời chúng tôi vào nhà và vui chuyện kể: “Hồi mới yêu anh Dũng, em cũng lo, bởi anh đóng quân ở vùng biên giới, xa gia đình, lại suốt ngày bám đơn vị, không biết khi nào mới xây được căn nhà riêng làm tổ ấm và dành thời gian chăm sóc gia đình. Nhưng rồi tình yêu giúp em vượt qua mọi băn khoăn, trăn trở. Cưới nhau năm 2014, lương hai vợ chồng chỉ hơn chục triệu đồng/tháng lại phải đi thuê nhà nên vất vả lắm. Nhà thuê vừa chật chội, ẩm mốc, vừa dễ mất an toàn, chi phí thuê lại cao; tiền điện, tiền nước, dịch vụ khác cũng tốn kém nên cuộc sống sinh hoạt gia đình nhiều lúc cũng chật vật. Năm 2015, được sư đoàn phân nhà công vụ, vợ chồng em mừng lắm. Nhà công vụ có tiện nghi đầy đủ, thiết kế phù hợp, an toàn, sạch, đẹp, có đường nội bộ, hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, phí thuê nhà thấp nên gia đình em cũng có tích lũy thêm. Cuộc sống ổn định là động lực để em công tác tiến bộ, động viên chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Đó là hai trong nhiều trường hợp chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện hiện đang sinh sống tại khu nhà công vụ. Sư đoàn 5 là đơn vị chủ lực, đóng quân ở vùng biên giới; cán bộ, QNCN hầu hết tuổi đời còn trẻ, xa gia đình, nhiều đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, nhất là sĩ quan trẻ không có điều kiện mua đất, làm nhà, nên những năm qua, số đối tượng lập gia đình muộn khá nhiều. Đại tá Thái Thành Đức, Chính ủy Sư đoàn 5 cho biết: "Nhận rõ vấn đề này, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ chính sách của trên, đồng thời chú trọng vận động, huy động nhiều nguồn lực chăm lo xây dựng nhà ở, hỗ trợ đời sống gia đình quân nhân. Việc xét duyệt nhà công vụ được cấp ủy, chỉ huy các cấp bảo đảm công bằng, khách quan, có tiêu chí cụ thể, đúng đối tượng".

Những năm qua, cùng với trích từ quỹ tăng gia sản xuất và cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp, Sư đoàn 5 còn chủ động vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đơn vị kết nghĩa giúp đỡ xây dựng nhà tình nghĩa, “Ngôi nhà 100 đồng” tặng quân nhân có hoàn cảnh khó khăn. Riêng năm 2018, sư đoàn đã vận động xây dựng 17 ngôi nhà tặng quân nhân khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí hàng tỷ đồng.

Cùng với đó, sư đoàn còn quan tâm thực hiện hiệu quả phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo quỹ vốn thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các quân nhân có khó khăn đột xuất, bệnh tật… Điển hình là mô hình “Hũ gạo tình thương”. Các bếp ăn của sư đoàn thực hiện tiết kiệm 1-2kg gạo/ngày. Năm 2018, đơn vị đã tiết kiệm được hơn 5.000kg gạo tặng cán bộ, QNCN, chiến sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình nghèo, gia đình người có công trên địa bàn. Sư đoàn thường xuyên rà soát các trường hợp quân nhân có khó khăn để kịp thời thăm hỏi, tặng quà...; chỉ đạo các tổ chức quần chúng tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, như: Thăm hỏi, tặng học bổng cho con, em quân nhân vượt khó học giỏi... Nhờ sự động viên, quan tâm giúp đỡ kịp thời, các quân nhân của đơn vị có hoàn cảnh khó khăn thêm an tâm gắn bó xây dựng đơn vị.

Bài và ảnh: DUY NGUYỄN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/cham-lo-mai-am-gia-dinh-quan-nhan-562793