Chăm lo giấc ngủ nghìn thu

Ở tổ dân phố 5, phường Đồng Mai, quận Hà Đông có một cặp vợ chồng trong suốt 20 năm qua luôn gắn bó và chăm lo chu đáo cho phần mộ của hơn 100 liệt sĩ đã hi sinh trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cả hai ông bà giờ cũng gần vào tuổi 80 - đó là vợ chồng ông Đỗ Văn Lý và bà Ngô Thị Hồng.

Một ngày tháng 7, trời nắng như đổ lửa, ông Lý vội vã quay về nghĩa trang trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Mặc dù, chưa biết gì về chúng tôi, ông vẫn hồ hởi chia sẻ rằng ông vừa đi ra ngoài cửa hàng mua lá cờ Tổ quốc mới. Chỉ tay về phía cột cờ trước cổng nghĩa trang liệt sĩ, ông bảo năm nào cũng vậy cứ đến dịp 27/7 là ông lại thay lá cờ mới, như một cách tri ân đối với các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Hôm nay bà Hồng lên chùa giúp nhà chùa làm lễ cầu siêu cho các liệt sĩ nên ông không đi lâu được.

Dù mới gặp mặt nhưng như đã thân quen từ lâu, ông Lý kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng ông gắn bó với công việc chăm lo phần mộ cho các liệt sĩ ở nghĩa trang phường Đồng Mai, quận Hà Đông.Nghĩa trang này được xây dựng từ năm 1960, khi 22 liệt sĩ vô danh thời chống Pháp được quy tụ về đây.

Khuôn viên nghĩa trang phường Đồng Mai

Đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, nghĩa trang giờ là nơi nằm lại của 124 liệt sĩ, quê quán ở nhiều nơi khác nhau. Rộng hơn 1.500m2, nghĩa trang nằm bên dòng sông Đáy hiền hòa, thơ mộng. Sạch sẽ, ấm cúng là những gì mọi người dễ dàng cảm nhận được ngay từ những bước chân đầu tiên khi tới khuôn viên nghĩa trang.

Bốn cây hoa đại được bố trí ngay hàng thẳng lối giữa hai dãy phần mộ được tỉa tót gọn gàng, đẹp mắt. Lối đi dẫn tới từng phần mộ sạch bong kin kít, thi thoảng, một vài bông hoa đại vương vội trên những tấm bia càng khiến không gian nơi đây thêm gần gũi hơn. Sự sạch sẽ, khang trang ấy có được là nhờ cả vào đôi bàn tay của ông Lý, bà Hồng. Bởi, theo chia sẻ của những người dân địa phương, trước đây, mỗi khi đến thắp hương cho người thân, nghĩa trang hoang lạnh. Cỏ cây ngập cả lối đi.

Ông Lý trước đây ông cũng từng là một người lính, trong khuôn viên nghĩa trang hiện tại có 6 người nhập ngũ cùng đợt với ông, cũng đã từng ăn cùng ngủ cùng trong một chiến hào. Nhưng rồi lại bị tách ra, mỗi người một chiến trường cho đến khi hòa bình lập lại, ông mới biết những đồng đội đã hy sinh. Năm 1970, sau 10 năm tham gia kháng chiến và bị thương nặng, ông phải rời quân ngũ trở về địa phương và tiếp tục tham gia công tác ở xã với các vị trí Trưởng công an rồi Phó Chủ tịch xã. Năm 1995, ông nghỉ làm.

Ông Đỗ Văn Lý hàng ngày chăm sóc phần mộ cho các liệt sĩ

Đúng vào khoảng thời gian ấy xã đang cần một người trông nom nghĩa trang, vậy là ông xin được đảm nhận công việc ấy. Bởi, ông nghĩ ông là một cựu chiến binh, đã từng vào trận, chiến đấu cùng các đồng đội. Ông may mắn hơn, được trở về với gia đình, vợ con, còn nhiều bạn bè của ông vĩnh viễn nằm lại. Nghĩ tới là ông không cầm lòng được nên ông mong muốn được hàng ngày tự tay chăm sóc phần mộ cho các liệt sĩ – cũng là những người đồng đội của ông.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Đỗ Văn Lý có một tâm nguyện, muốn nhờ Báo Lao động Thủ đô chuyển tải giúp ông thông tin về 7 liệt sĩ hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ phường Đồng Mai, có tên đơn vị trước khi hy sinh nhưng chưa được gia đình đón nhận. Nhân bài viết này, chúng tôi cũng xin chuyển tải thông tin của ông Đỗ Văn Lý tới đông đảo bạn đọc: Năm 1956, quá trình cải cách ruộng đất, Đội Cải cách, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Mai (nay là phường Đồng Mai) đã xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ của xã sát Đường số 6, gần cầu Mai Lĩnh hiện nay.

Năm 1957 và 1958, cán bộ và nhân dân xã Đồng Mai đã quy tập các phần mộ liệt sĩ nằm ở các xóm, thôn và ở các hầm bí mật của gia đình cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp vào nghĩa trang liệt sĩ. Trong số đó, có 7 phần mộ liệt sĩ có tên, trước khi hy sinh cùng ở Đại đội 832, Tiểu đoàn 922, Trung đoàn 46, nhưng không rõ quê quán, gồm: Liệt sĩ Trần Văn Dầu; Liệt sĩ Lê Đình Trinh; Liệt sĩ Vũ Văn Ba; Liệt sĩ Lê Văn Sơn; Liệt sĩ Nguyễn Văn Thiêm; Liệt sĩ Vũ Văn Binh; Liệt sĩ Lê Trọng Nghi. Từ những thông tin trên, các đơn vị, cựu chiến binh và nhân dân, ai biết các liệt sĩ là người địa phương nào, hiện có còn người thân, xin liên hệ với ông Đỗ Văn Lý, địa chỉ: Phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP Hà Nội; điện thoại: 01655245968.

Nhớ lại những ngày đầu chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, ông bảo, khu vực nghĩa trang như là một khu đất hoang, cỏ mọc rậm rạp, có nhiều rắn rết, còn là nơi tụ tập của những đối tượng nghiện hút. Ông bà mất 2 năm để xén cỏ, gánh gạch vỡ đổ đi, lấy bàn chải kì cọ từng lối đi bám rong rêu, đánh rửa từng ngôi mộ… Khi khuôn viên nghĩa trang dần trở nên sạch sẽ, ông bà tự đi mua các loại hoa về trồng xung quanh từng ngôi mộ. Để bây giờ, hoa cỏ 4 mùa reo vui cùng với nắng, gió để vỗ về giấc ngủ cho các liệt sĩ. Đều đặn, hàng ngày ông bà cùng cặm cụi, say sưa làm việc.

Ông tỉ mỉ cắt tỉa những cành đã bị khô, mục của cây hoa đại, nhổ cỏ giữa những khóm hoa dừa xen giữa các mộ phần liệt sĩ, trong khi đó bà cẩn thận quét từng chiếc lá rụng để khuôn viên nghĩa trang luôn sạch đẹp, khang trang. Ngày rằm, ngày lễ bà mua lương khô, thuốc lá, trà nước thắp hương mời các liệt sĩ. Rồi ông bà chuyện trò cùng họ về tình hình đổi mới của quê hương, đất nước… như những người thân luôn gắn bó, hiện diện trong cuộc sống của mình.

Dẫn chúng tôi đi thăm các ngôi mộ sạch sẽ, khang trang, ấm chân nhang và tỏa hương hoa thơm ngát, ông Lý say sưa giới thiệu về lịch sử từng ngôi mộ, sự hy sinh anh dũng của từng anh hùng liệt sĩ nơi đây. Liệt sĩ nào hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, liệt sĩ nào hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, gia thế và những đóng góp của từng người ra sao với ông đều đã là những câu chuyện nằm lòng. Cẩn thận hơn, ông còn lập sơ đồ nghĩa trang để mỗi khi có thân nhân các gia đình liệt sĩ hỏi thăm, ông sẽ dễ dàng hơn trong việc chỉ dẫn họ đến phần mộ của người thân.

Khoảng hai năm nay, khoản thù lao ông bà nhận được từ công việc quản trang được tăng từ 300.000 đồng lên 600.000 đồng/tháng. Toàn bộ số tiền ấy, ông bà dùng cả vào việc nhang đèn, đồ cúng, mua sắm các loại hoa để nghĩa trang được khang trang hơn, ấp áp hơn. “Chính quyền địa phương hỗ trợ bao nhiêu, chúng tôi nhận từng ấy và dùng tất cả cho việc nhang khói nơi đây, không có đòi hỏi gì. Còn sức khỏe là chúng tôi còn làm, chỉ để trong lòng được hạnh phúc, vui vẻ”, ông Lý tâm sự.

Càng đến gần ngày 27/7, người về thăm viếng nghĩa trang càng đông. Công việc của ông bà dường như cũng vì thế mà bận rộn hơn. “Sau mấy ngày mưa suốt, lá rụng nhiều quá, vợ chồng tôi phải tập trung quét dọn và lau chùi sạch sẽ các bia mộ và rửa cốc chén ở trên các ngôi mộ để khi thân nhân các liệt sĩ đến thắp hương, thăm viếng người thân là nghĩa trang đã sạch đẹp.

Các liệt sĩ yêu mảnh đất Đồng Mai này lắm, họ quyến luyến với anh em đồng đội nên thậm chí không muốn về quê. Có hai gia đình ở Nam Định qua những mẩu thông tin tôi đăng trên báo Quân đội đã đến nhận và xin làm lễ để đưa liệt sĩ về quê nhưng liệt sĩ không đồng ý. Cuối cùng gia đình đành phải gửi lại người thân của mình ở lại Đồng Mai cùng với lời gửi gắm nhờ chúng tôi chăm sóc khói hương giùm cho”, ông Lý tâm sự...

Mới đó mà thấm thoát đã hơn 20 năm, ông Lý cùng người vợ của mình coi nơi đây như ngôi nhà thứ hai, coi việc chăm sóc phần mộ cho các liệt sĩ là niềm vui, là trách nhiệm cao cả, thiêng liêng đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cham-lo-giac-ngu-nghin-thu-77689.html