Chăm lo đời sống người cao tuổi

Tại hội nghị người cao tuổi của một huyện được tiếng là kinh tế phát triển ở miền trung, đại biểu phản ánh tình hình nhiều địa phương, người già đang chiếm hơn hai phần ba dân số. Hầu hết họ có con cháu đi làm ăn xa. Các cụ có con cháu khá giả được chu cấp đầy đủ. Việc làng việc xã, việc họ hàng, ma chay cưới chạp, các cụ có phong bì giắt túi đi dự vui vẻ. Còn nhiều cụ nhà nghèo, ốm đau vẫn lo chạy tiền thuốc, thì chỉ biết đứng bờ giậu nhìn theo… Mà việc lễ lạt nông thôn đâu dễ đừng.

Từ câu chuyện nêu trên lại nhớ, điều tra mới đây trên toàn quốc cho thấy hiện có hơn 73% số người cao tuổi sống ở nông thôn, trong số đó chỉ dưới 20% có lương hưu, hơn 10% các cụ hưởng trợ cấp người có công với nước. Như vậy hầu hết số người cao tuổi ở nông thôn đang sống bằng lao động của mình, hoặc bằng nguồn hỗ trợ của con cháu. Họ ít có tích lũy để phòng khi bất trắc. Cũng theo một điều tra quốc gia về người cao tuổi cho thấy hiện có tới 56% số người cao tuổi ở nước ta có sức khỏe yếu và rất yếu, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đang trở thành vấn đề lớn…

Trước tình hình nêu trên, một số tỉnh, thành phố đã có chính sách kịp thời chăm lo đời sống người cao tuổi có khó khăn. Chẳng hạn, mới đây (tháng 4 - 2018) tỉnh Bắc Ninh đã ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ người cao tuổi ở tỉnh: Hỗ trợ 100% kinh phí tham gia bảo hiểm y tế hằng năm đối với người từ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi, chưa tham gia bảo hiểm y tế theo các đối tượng khác. Nhiều địa phương trích ngân sách hỗ trợ người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa một khoản tiền cố định hằng tháng. Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương cũng đã hình thành nền nếp thăm hỏi, tôn vinh người cao tuổi thông qua việc họ, việc làng, việc xã. Một số địa phương, dòng họ từ truyền thống hiếu nghĩa đã ghi vào hương ước làng quê việc phụng dưỡng bố mẹ già của con cháu.

Cần thấy rằng, hiện nay tại nhiều địa phương, sự khác biệt mức sống giữa các thế hệ đang chênh lệch khá lớn. Vấn đề này nếu không được giải quyết tốt sẽ nảy sinh mâu thuẫn và xung đột thế hệ. Như vậy chăm lo đời sống người cao tuổi không chỉ là việc của gia đình, làng, xã, với truyền thống hiếu nghĩa nữa. Thiết nghĩ, Nhà nước, các cơ quan chức năng liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành những cơ chế, nhiệm vụ cụ thể cả về phương diện chính sách, luật pháp, cơ sở vật chất, kỹ thuật và tâm lý xã hội… bảo đảm an sinh với người cao tuổi, đang chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong xã hội, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

LÊ THỤY ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38576202-cham-lo-doi-song-nguoi-cao-tuoi.html