Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc

Tính riêng năm 2017, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ 1,576 tỷ đồng cho người nghèo, hỗ trợ 1,250 tỷ đồng xây dựng 25 nhà Đại đoàn kết, trong đó 18 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, 2 hộ là người công giáo...

MTTQ trao hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết cho bà Ma Thị Liêm xã Bình Thành, Định Hóa, Thái Nguyên.

Thái Nguyên là tỉnh miền núi trung du có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống: gồm dân tộc Kinh, Sán Dìu, Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Mông, Hoa. Trong đó, có 35 xã khu vực 1, hơn 40 xã khu vực 2, gần 50 xã khu vực 3. Gần 600 xóm đặc biệt khó khăn. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 27% dân số.

Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, công tác an sinh xã hội, chăm lo, hỗ trợ người nghèo nói chung, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi được Mặt trận và các tổ chức thành viên quan tâm, thường xuyên tổ chức các hoạt động như thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ kinh phí sửa chữa, làm nhà Đại đoàn kết.

Bên cạnh đó việc hỗ trợ giống, vốn để sản xuất, xây dựng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế cũng được thực hiện tốt… Tính riêng năm 2017, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ 1,576 tỷ đồng cho người nghèo, trong đó hỗ trợ 1,250 tỷ đồng xây dựng 25 nhà Đại đoàn kết, trong đó 18 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), 2 hộ là người công giáo...

Với phương châm Mặt trận hướng về cơ sở, Ủy ban MTTQ các cấp thường xuyên quan tâm nắm bắt, tập hợp tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Qua các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp là người DTTS, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS, kịp thời tổng hợp, kiến nghị với Ủy ban MTTQ Việt Nam, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND các cấp.

Mặt trận tỉnh cũng đặc biệt chú trọng tới công tác phát huy vai trò của người có uy tín. Tính đến năm 2017, Thái Nguyên có trên 1.000 người uy tín, đa số giữ các cương vị Bí thư chi bộ, Trưởng xóm, Trưởng Ban công tác Mặt trận, chức sắc, chức việc tôn giáo, các già làng, trưởng bản,…

Họ là những hạt nhân trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, tăng cường đoàn kết tại cơ sở, tiên phong và gương mẫu trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cùng với đó, họ là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc.

Gương điển hình của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có thể kể đến ông Dương Văn Ba, dân tộc Nùng, người có uy tín xóm Cây Thị, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương vận động nhân dân đóng góp gần 400 triệu đồng, hàng nghìn ngày công lao động, vận động 8 hộ hiến gần 1000 m2 đất để xây dựng Nhà văn hóa, đường liên xóm, lắp 30 bóng điện thắp sáng đường làng...; Ông Lục Văn Sáu, dân tộc Sán Dìu, Phó Chủ tịch MTTQ xã, người có uy tín xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình vận động nhân dân hiến trên 3000 m2 đất, trong đó gia đình hiến 350 m2, vận động di dời tài sản, đóng góp tiền và trên 1.000 công lao động để nâng cấp mở rộng đường nông thôn mới.

Ông Nguyễn Đức Minh khẳng định, Mặt trận thường xuyên nắm bắt tắm tư, nguyện vọng, tập hợp các ý kiến, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo để kịp thời phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền xem xét giải quyết trên cơ sở pháp luật, tạo được sự đồng thuận xã hội, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Hải Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mat-tran/cham-lo-doi-song-dong-bao-dan-toc-tintuc399078