Chăm lo đời sống, bảo đảm quyền lợi cho công nhân vệ sinh

Góp phần không nhỏ làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp nhưng đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp cũng như các chế độ chính sách đối với nghề chưa thật sự phù hợp.

Công việc thường ngày của các công nhân vệ sinh.

Công việc thường ngày của các công nhân vệ sinh.

Góp phần không nhỏ làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp nhưng đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp cũng như các chế độ chính sách đối với nghề chưa thật sự phù hợp.

Anh Ðặng Trí Ðức cùng vợ là chị Lê Thị Hồng Thanh đều là công nhân vệ sinh có thâm niên tại Công ty Dịch vụ công ích (DVCI) quận 8. Năm 2013, rủi ro nghiêm trọng ập đến với gia đình anh khi chị Thanh bị một người điều khiển xe máy đâm phải trong lúc thu gom, quét rác vào ban đêm làm chị chấn thương nặng. Kết quả giám định sức khỏe của chị Thanh sau tai nạn còn 58%, không đủ điều kiện tiếp tục công việc nên cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố giải quyết chế độ và cho chị nhận trợ cấp 1,3 triệu đồng/tháng. Anh Ðức cho biết: Với mức thu nhập này vợ anh còn không lo được cho bản thân, làm sao cùng anh nuôi hai con đang tuổi ăn học. Anh Ðức cũng phản ánh, tai nạn bất ngờ trong lúc làm việc như vợ anh đã là thiệt thòi lớn, nhưng vấn đề phiền phức và vướng mắc hơn chính là khi làm thủ tục để được hưởng chế độ, cơ quan chức năng đòi hỏi phải có biên bản do Cảnh sát giao thông lập hoặc xác nhận của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn. Mà để có đủ những thủ tục này lại hết sức nhiêu khê!

Tương tự, chị Lê Thị Dung, công nhân vệ sinh Công ty DVCI quận Thủ Ðức giãi bày: Tôi làm ở đây hơn hai chục năm và đã chứng kiến không ít vụ tai nạn thương tâm ập đến với các anh, chị đồng nghiệp. Hầu hết tai nạn xảy ra vào đêm khuya, do các đối tượng say xỉn không làm chủ tốc độ gây ra. Có vụ mình còn giữ được người gây ra tai nạn nhưng có trường hợp bỏ chạy mất không thể truy tìm thì làm sao có biên bản, có chứng cứ để bổ sung cho cơ quan BHXH.

Qua thực tế này, anh Ðức cũng như nhiều công nhân vệ sinh đề nghị, cơ quan BHXH thành phố và các ngành chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ để xem xét, tìm ra phương án giải quyết cho những trường hợp công nhân vệ sinh bị tai nạn giao thông trong lúc làm nhiệm vụ, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động theo hướng đơn giản thủ tục, linh động trong việc lập biên bản tai nạn giao thông…

Không chỉ đối diện với rủi ro bị tai nạn giao thông, an toàn tính mạng trong lúc làm nhiệm vụ, nguy cơ về sức khỏe, bệnh nghề nghiệp; các chế độ chính sách đi kèm không bảo đảm cũng là vấn đề trăn trở của đội ngũ công nhân vệ sinh thành phố, kể cả đối với lực lượng thu gom rác dân lập.

Công bố của nhóm nghiên cứu đề tài "An sinh xã hội và an toàn vệ sinh lao động của người thu gom rác dân lập ở thành phố Hồ Chí Minh" cho thấy: gần 62% người nhập cư làm nghề thu gom rác đến từ các tỉnh Nam Bộ như Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh… Những người trực tiếp thu gom rác dân lập hầu như không có ngày nghỉ, mỗi ngày làm việc trung bình hơn chín giờ lao động, với thu nhập rất thấp: khoảng 3,8 triệu đồng/tháng. Do làm việc trong môi trường độc hại cho nên người thu gom rác thường mắc các bệnh như khớp, sốt xuất huyết, cảm cúm, viêm phổi và các bệnh về da liễu. Kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu này đối với 428 người làm công việc thu gom rác cũng cho thấy: chỉ có 13,7% có khám sức khỏe tổng quát, 75% người làm công không có bảo hiểm y tế (BHYT); 96,3% không có bảo hiểm tai nạn.

Theo ông Tống Văn Thơm, Chủ tịch Nghiệp đoàn Vệ sinh dân lập quận 5: "Thu nhập trung bình mỗi công nhân khoảng 4 triệu đồng/tháng trong khi họ phải chi trả các khoản như tiền nhà trọ, sinh hoạt, đầu tư phương tiện vận chuyển rác… nên không còn khả năng tham gia BHYT. Ngoài ra, nếu muốn mua BHYT tự nguyện, họ buộc phải mua cho tất cả thành viên trong gia đình trong khi thu nhập có hạn cho nên đây là rào cản cho những người muốn tham gia". Cũng theo các nghiệp đoàn, hợp tác xã vệ sinh dân lập, để hỗ trợ người lao động thu gom rác dân lập có điều kiện tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, đóng BHXH, mua BHYT các đơn vị này đã linh động cho các thành viên vay tiền theo hình thức trả góp để mua BHYT, bảo hiểm tai nạn và cách làm này cũng được khuyến khích thực hiện và nhân rộng.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Bích, Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố) nhận định: Người thu gom rác dân lập thuộc đối tượng làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại loại IV nhưng chưa được hưởng các chính sách về an sinh xã hội tương xứng. Do đó, việc hỗ trợ của những nghiệp đoàn, hợp tác xã để các thành viên tham gia BHYT, bảo hiểm tai nạn là cần thiết trong điều kiện người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các sở, ngành liên quan cần có cơ chế quản lý phù hợp đối với loại hình thu gom rác dân lập, nhất là chính sách hỗ trợ phù hợp cho đối tượng lao động này nhằm bảo đảm công tác an sinh xã hội một cách căn cơ.

Phát biểu ý kiến trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với lực lượng công nhân vệ sinh mới đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận đóng góp của hơn 17 nghìn cán bộ, công nhân vệ sinh môi trường các đơn vị công lập và ngoài công lập là hết sức thầm lặng và cao quý để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch cho cuộc sống của mười triệu dân thành phố. Ðể giải quyết một cách căn cơ khó khăn, vướng mắc của đội ngũ công nhân vệ sinh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát việc ký hợp đồng bảo hiểm tai nạn với công nhân vệ sinh môi trường của các công ty dịch vụ công ích để bảo đảm việc chi trả các chế độ liên quan không bị thiệt thòi.

Ðối với người lao động lớn tuổi, nhất là công nhân vệ sinh môi trường từ 40 tuổi trở lên, lãnh đạo thành phố đề nghị các đơn vị công ích tập huấn nghề để các lao động này chuyển sang những ngành nghề phù hợp như trồng và chăm sóc cây cảnh, thực hiện dịch vụ cung cấp lao động giúp việc cho các gia đình, có thể thí điểm thực hiện trước tại các công ty dịch vụ công ích nội thành...

VÕ LÊ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38113502-cham-lo-doi-song-bao-dam-quyen-loi-cho-cong-nhan-ve-sinh.html