Chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ĐBKK) nói riêng trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, ngành quan tâm thực hiện tốt thông qua những hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực.

Các hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, vui chơi cho trẻ được tỉnh Quảng Ninh quan tâm. Trong ảnh: Học sinh điểm trường Phai Lầu, Trường Mầm non Đồng Văn (huyện Bình Liêu) vui chơi trong khuôn viên trường.

Các hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, vui chơi cho trẻ được tỉnh Quảng Ninh quan tâm. Trong ảnh: Học sinh điểm trường Phai Lầu, Trường Mầm non Đồng Văn (huyện Bình Liêu) vui chơi trong khuôn viên trường.

Được thực hiện từ năm 2013 bởi Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, mô hình “Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” đã phát huy được vai trò của cộng đồng trong công tác hỗ trợ trẻ em, san sẻ trách nhiệm xã hội giữa toàn thể cộng đồng.

Mô hình được triển khai tại TP Hạ Long, Cẩm Phả và TX Quảng Yên với đối tượng được nhận nuôi là trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi, trẻ nhiễm HIV/AIDS, trẻ là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ khuyết tật nặng, trẻ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa đang sống trong cộng đồng. Đối tượng nhận nuôi là gia đình, cá nhân đảm bảo điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tự nguyện nhận chăm sóc trẻ; có nơi ở ổn định và chỗ ở cho trẻ được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; có điều kiện kinh tế, sức khỏe, kinh nghiệm chăm sóc trẻ...

Từ năm 2013 đến nay, đã có gần 150 lượt gia đình, cá nhân đăng ký nhận nuôi và đã có hơn 100 lượt trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK được nhận nuôi, với tổng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hơn 1 tỷ đồng. Hầu hết trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK được các gia đình, cá nhân nhận nuôi có cuộc sống ổn định về vật chất, tinh thần, thành tích học tập được nâng cao. Mô hình đã tạo điều kiện cho trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, hòa nhập và phát triển toàn diện hơn.

Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh cùng nhà tài trợ trao học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích học tập tốt.

Tính đến hết tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 18.935 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó có khoảng 8.500 trẻ có hoàn cảnh ĐBKK. Theo ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh: Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là đối với các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ĐBKK.

Tỉnh đã bố trí ngân sách, bộ máy tổ chức để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng như phát triển các dịch vụ trợ giúp trẻ trong các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của trẻ. Hàng năm vận động các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trường học, lực lượng vũ trang nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em vào các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Quốc tế thiếu nhi; vận động ủng hộ, xây dựng Quỹ bảo trợ trẻ em, tạo nguồn lực để hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Việc chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em được triển khai đồng bộ.

Trong 5 năm gần đây, đã có gần 75.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK được hỗ trợ theo Nghị quyết 222/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết 91/2017/NQ-HĐND với tổng kinh phí 87 tỷ đồng; góp phần nâng tỷ lệ trẻ có hoàn cảnh ĐBKK được quan tâm, chăm sóc từ 95% (năm 2016) lên 100% (năm 2020).

Đặc biệt, tỉnh cũng ban hành các chính sách đặc thù riêng, nhằm hỗ trợ các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em. Điển hình như Nghị quyết số 222/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 về chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 91/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung của Nghị quyết số 222/2015/NQ-HĐND...

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XV, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng đã thống nhất thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, bổ sung thêm các đối tượng hỗ trợ là trẻ mắc bệnh hiểm nghèo điều trị dài ngày; trẻ có bố mẹ ly hôn mà cha hoặc mẹ nuôi dưỡng bị chết; trẻ có cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù mà người còn lại thuộc hộ nghèo, cận nghèo... Mục tiêu là đảm bảo cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK trên địa bàn tỉnh được hưởng các điều kiện chăm sóc ở mức cao hơn bình quân chung của cả nước.

Yến Vy

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202012/cham-lo-cho-tre-em-co-hoan-canh-dac-biet-kho-khan-2512800/