Chăm lo cho sự phát triển của đồng bào dân tộc là nhiệm vụ của BĐBP

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành của Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới (KVBG) ngày càng được khởi sắc, nâng lên. Có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết vươn lên của đồng bào các dân tộc ở KVBG, còn có sự quan tâm, giúp đỡ bằng những việc làm, mô hình thiết thực, hiệu quả của BĐBP. Hiện nay, theo quy định của Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN), sự quan tâm, chăm lo, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội… cho đồng bào dân tộc ở KVBG là 1 trong 12 nhiệm vụ của BĐBP.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bạch Đích, BĐBP Hà Giang giúp nhân dân gặt lúa. Ảnh: Văn Lanh

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bạch Đích, BĐBP Hà Giang giúp nhân dân gặt lúa. Ảnh: Văn Lanh

Tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến đồng bào dân tộc

Việt Nam có đường biên giới đất liền dài hơn 5.032km, có bờ biển dài hơn 3.260km, vùng biển rộng hơn 1 triệu km2; với 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 233 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, 1.084 xã, phường, thị trấn có biên giới. Khu vực xã biên giới có khoảng 2,4 triệu hộ dân, với 9,8 triệu người thuộc 51 thành phần dân tộc anh em cùng đan xen sinh sống, với địa hình đa dạng, phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội còn kém phát triển, đời sống của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong khi đó, y tế, giáo dục vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân; trình độ dân trí thấp, tỷ lệ người mù chữ, tái mù chữ vẫn còn cao.

Mặt khác, đây còn là địa bàn các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đời sống khó khăn, thiếu hiểu biết về pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số để đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trước tình hình trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với các ban, bộ, ngành của Trung ương chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các chủ trương, chính sách về đảm bảo quốc phòng, an ninh gắn với việc phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc như: Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, trong đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Chính trị xác định đã chỉ rõ: “Ưu tiên đầu tư ngân sách, nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội; có chính sách hỗ trợ vốn, phổ biến kiến thức, phương pháp tổ chức sản xuất và kinh doanh sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và phong tục, tập quán của đồng bào, từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị sản xuất kinh tế hàng hóa ở KVBG”.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33, ngày 29-4-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 16/NQ-TW về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33, trong đó xác định nhiệm vụ giải pháp chủ yếu về đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng KVBG vững mạnh, Nghị quyết xác định: “Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe nhân dân; giao đất, giao rừng, tạo điều kiện cho nhân dân định canh, định cư, sinh sống ổn định, lâu dài, bền vững ở KVBG”...

Đặc biệt, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng Luật BPVN và đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 11-11 với 94,61% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trong đó, khoản 11, Điều 14, Luật BPVN quy định nhiệm vụ của BĐBP: “Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở KVBG gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh”. Đồng thời, tại khoản 3, Điều 25, Luật BPVN quy định về bảo đảm nguồn nhân lực nêu rõ: “Ưu tiên, khuyến khích người dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, người có tài năng phục vụ lâu dài trong BĐBP”.

Diện mạo vùng đồng bào dân tộc ngày càng khởi sắc

Quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, những năm qua, BĐBP đã ký kết chương trình phối hợp với 19 bộ, ngành Trung ương về việc BĐBP tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở KVBG. Trong đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban Dân tộc về việc “Vận động đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”. Phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc tuyên truyền, vận động nhân dân KVBG thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”...

Trên cơ sở nội dung của Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc, BĐBP các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Trong đó, BĐBP đã đưa 321 cán bộ BĐBP tăng cường cho các xã đặc biệt khó khăn, phân công 9.661 đảng viên các đồn Biên phòng phụ trách 42.247 hộ gia đình, trong đó, hộ gia đình là người dân tộc thiểu số chiếm 48%; giới thiệu 2.096 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản sát biên giới.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn của các địa phương, BĐBP đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay, tính đến nay, BĐBP đã có 22 mô hình, chương trình, phong trào giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Một số mô hình, chương trình tiêu biểu mà BĐBP đã và đang triển khai có hiệu quả là: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”; “Bò giống giúp người nghèo biên giới”; “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; Chương trình “Nâng bước em tới trường”; “Con nuôi đồn Biên phòng”. Trong đó, đã có 355 cháu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh gia đình khó khăn được nuôi dưỡng tại các đồn Biên phòng.

Thông qua những việc làm trên, đã củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước, xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân - dân gắn bó mật thiết. Qua đó, đã nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đồng bào các dân tộc thiểu số trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tích cực tham gia có hiệu quả cùng BĐBP và các lực lượng trong công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm... góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nền Biên phòng toàn dân và thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc.

Hà Mi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cham-lo-cho-su-phat-trien-cua-dong-bao-dan-toc-la-nhiem-vu-cua-bdbp-post435628.html