Chăm lo cho người nghèo như chính người thân trong gia đình

"Sống là để yêu thương và chia sẻ" là tâm niệm mà những người làm công tác từ thiện luôn hướng đến. Trong suốt 5 năm qua, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em (TT&BVQTE) đã đồng hành với biết bao hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó vượt lên số phận để có được cuộc sống ổn định. Để làm được như thế, Hội luôn có những người đồng hành đầy tâm huyết, sẵn sàng bỏ qua lợi ích bản thân để đem lại niềm vui cho người nghèo.

Hỗ trợ mọi mặt cho người nghèo kiếm kế sinh nhai.

Hỗ trợ mọi mặt cho người nghèo kiếm kế sinh nhai.

Không để người nghèo ở lại phía sau

Đi đến từng nhà nắm từng hoàn cảnh là việc làm thường xuyên của Chủ tịch Hội TT&BVQTE phường Hòa An, quận Cẩm Lệ - ông Lương Văn Bảy. Từ khi bắt đầu trở thành cán bộ Hội, bản thân ông trăn trở làm thế nào để có nguồn quỹ làm từ thiện giúp được những hoàn cảnh bất hạnh. Mang suy nghĩ làm từ thiện không chỉ hô hào mà phải bằng hành động thiết thực nên ông đã lên kế hoạch thực hiện xã hội hóa công tác từ thiện, làm cầu nối giữa những người có tấm lòng nhân ái đến với những người bất hạnh. Không chỉ thế, ông còn vận động mọi người tham gia thực hiện hành động nhà nhà làm từ thiện, người người làm từ thiện. Mới đầu, kế hoạch hết sức khó khăn do chưa được sự thống nhất từ các cấp lãnh đạo nên hiệu quả không như mong muốn. Tuy nhiên kế hoạch cũng đã đem lại hiệu quả cho cộng đồng khi được nhiều người biết đến hoạt động của Hội. Dần dần việc làm của ông lan tỏa đến cán bộ khu dân cư, các chi hội ở tổ dân phố hợp sức cùng ông nắm bắt kịp thời tình hình ở nhân dân để có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ. Trong 5 năm qua, ông đã vận động từ nhiều nguồn xây dựng 4 căn nhà trị giá 425 triệu đồng, hỗ trợ xây mới thêm 2 căn nhà cho người nghèo. Trong các ngày lễ Tết, ông Bảy quan tâm, vận động hơn 1.300 suất quà cho những gia đình hoàn cảnh khó khăn trị giá trên 430 triệu đồng

Hội TT&BVQTE thành phố bao năm qua rất quen thuộc với hình bóng của Đại đức Thích Thông Quang đến chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Không quản ngại đường xá xa xôi, chỉ cần nhận được sự ngỏ lời của Hội Từ thiện thì sư thầy lại lên đường đến với người nghèo. Nhớ tháng 10 năm 2019, trong một lần thầy Thích Thông Quang cùng Hội đi bàn giao nhà cho các gia đình hộ chính sách và hộ nghèo tại xã Hòa Bắc (H. Hòa Vang), thầy đến từng ngôi nhà được hỗ trợ xây, sửa để nắm tình hình đời sống của người dân. Dừng chân trước ngôi nhà cấp 4 không cửa, không vật dụng của chị Đinh Thị Bé (người dân tộc Cơ Tu, thôn Tà Lang) thầy Thích Thông Quang đã không thể kìm lòng. Người phụ nữ đơn thân làm thuê, làm mướn nuôi cả 4 con nhỏ, tài sản lớn nhất của chị là ngôi nhà được Hội hỗ trợ xây chắc chắn, kiên cố.

Chỉ vào bộ cửa gỗ đã mục nát chị bảo định bụng tận dụng lắp vào để sử dụng tạm thời. Nghe đến đấy, thầy Thích Thông Quang liền gọi các đệ tử vào đo đạc kích thước cửa chính, cửa phụ ngay tức khắc, sau đó thầy nhấc máy gọi cho thợ làm cửa và đặt làm cho chị Bé. Xong xuôi đâu đó, nghe nhà không có gạo, thầy rút ví gửi chị 1 triệu đồng để dành dụm chăm lo cho con cái ăn uống trước khi nhận được tiền đi làm thuê. Đối với Đại đức Thích Thông Quang chỉ cần thấy người dân ấm no, được nở nụ cười quên đi phiền muộn của mọi người dân thì bao nhiêu mệt nhọc cũng đều tan biến.

Giúp đỡ được nhiều người nghèo là niềm vui của Hội.

Bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ hàng đầu

Song song với công tác từ thiện nhân đạo thì công tác bảo vệ quyền trẻ em là nhiệm vụ hết sức quan trọng với mỗi cán bộ Hội. Điển hình ông Đinh Văn Lên - Chủ tịch Hội TT&BVQTE P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu là một trong những cán bộ Hội đầy tâm huyết với trẻ. Chứng kiến cảnh trẻ bị bạo hành, bị đối xử bất công đã thôi thúc ông tìm cách hỗ trợ, giải quyết. Trong 5 năm qua, ông cùng Ban chấp hành Hội vận động thành lập và duy trì 11 hội tại khu dân cư và 2 CLB Từ thiện và BVQTE ở trường học trên địa bàn quận. Nhờ có những CLB hoạt động xuyên suốt mà những vụ việc liên quan đến trẻ em đều được can thiệp kịp thời.

Ông Lên nhớ mãi trường hợp em Nguyễn Văn Phước (lớp 5, trường Tiểu học Hải Vân) bị cha bạo hành gây thương tích chỉ vì học lực yếu. Ngay sau khi được báo tin từ mẹ của em, ông Lên trực tiếp đến gia đình, kịp thời đưa em vào bệnh viện cấp cứu. Sau đó, ông Lên cùng với CLB Bảo vệ quyền trẻ em của trường nhiều lần đến nhà trò chuyện nhỏ to cùng với người cha. Đi một lần chưa thông thì lần 2, lần 3 ông vẫn kiên trì từng chút một vừa phân tích, giải thích... "Mưa dầm thấm lâu" người cha dần hiểu về hành động của mình, biết quan tâm, lắng nghe cậu con trai nhiều hơn và đặc biệt không còn cảnh bạo lực tái diễn nữa. Khó ở đâu gỡ ở đó, tận tụy với công việc mỗi ngày là cách ông Lên đã giúp được nhiều đứa trẻ thiệt thòi.

Cũng như ông Lên, ông Phạm Xoa - Phó Chủ tịch Hội Q. Hải Châu cũng luôn đau đáu tìm nhiều biện pháp, nhiều cách làm để bảo vệ mọi quyền lợi cho trẻ. Bản thân vừa làm công tác Hội vừa là Hội thẩm TAND Q. Hải Châu, ông Xoa tham gia xét xử nhiều vụ án có liên quan đến trẻ em. Đối với những vụ án khi trẻ em là nạn nhân, trong quá trình xét xử, ông Xoa thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bản thân ông tích cực tham mưu Thường trực Quận Hội kết hợp với Phòng Tư pháp, Phòng GD-ĐT, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN tổ chức tuyên truyền về bảo vệ quyền trẻ em và phòng chống bạo hành trẻ em cho đội ngũ giáo viên mẫu giáo, nhà trẻ. Bên cạnh đó, ông còn tổ chức 30 buổi tuyên truyền "Phòng chống mua bán, xâm hại tình dục trẻ em" tại các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn quận với hơn 30.000 trẻ em tham dự.

Không chỉ ông Lên, ông Bảy, ông Xoa... luôn đầy trách nhiệm với công việc mà đối với những người làm công tác xã hội của Hội TT&BVQTE đều có chung một tấm lòng với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Trong suốt hành trình vì người nghèo, mỗi cán bộ Hội đều luôn mong muốn đem lại niềm vui, hạnh phúc nhiều hơn cho những mảnh đời, số phận bất hạnh.

Diệu Huyền

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_227282_cham-lo-cho-nguoi-ngheo-nhu-chinh-nguoi-than-trong-gia-dinh.aspx