Chăm lo bồi đắp để có 'quả ngọt'

Đề tài 'Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng' gắn với hình tượng Bộ đội Cụ Hồ cao đẹp luôn là một đề tài lớn của văn học nghệ thuật (VHNT) cách mạng xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước và dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trước hoàn cảnh mới, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị và đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng chăm lo, bồi đắp mới có thể tiếp nối mạch nguồn sáng tạo, cho ra đời thêm nhiều tác phẩm giá trị.

Một đề tài lớn luôn có sức hấp dẫn

Đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng” gắn với hình tượng Bộ đội Cụ Hồ luôn xuất hiện nhiều nhất, ấn tượng nhất trong các tác phẩm VHNT, bởi đây là đề tài trung tâm, chứa đựng hình tượng nhân vật trung tâm suốt một thời gian dài trong dòng chảy lịch sử VHNT của dân tộc. Chất lượng cao và số lượng tác phẩm nhiều đến mức khó có thể liệt kê hết. Điều này có thể được minh chứng nếu theo dõi các đợt tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về VHNT, tác phẩm về đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng” luôn chiếm đa số.

Các nghệ sĩ quân đội tái hiện cảnh quân dân Tây Bắc kéo pháo, thồ hàng trong chiến dịch Điên Biên Phủ. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng” vẫn tiếp tục hiện diện trong đời sống VHNT lâu dài. GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương, lý giải: “Khi chiến tranh kết thúc, không chỉ để thế hệ sau muốn hiểu nhiều hơn, đúng hơn, sâu hơn về quá khứ đó, mà còn có một khát vọng là tìm trong quá khứ những bài học, những kinh nghiệm cả thành công và thất bại nhằm góp phần giải đáp những vấn đề ngày càng đa dạng và phức tạp đang đặt ra trong hiện tại và tương lai”.

Đành rằng, trong xã hội hiện nay có không ít đề tài nóng hổi tính thời sự được đội ngũ văn nghệ sĩ quan tâm, nhưng với những giá trị thực tế, đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng” và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ vẫn có chỗ đứng vững chắc trong đời sống xã hội nói chung, VHNT nói riêng. Tuy nhiên, điều đáng buồn không chỉ có sự thưa vắng về số lượng mà chất lượng các tác phẩm VHNT về đề tài này cũng đang có xu hướng giảm sút, không còn tạo ra tiếng vang. Tại cuộc tọa đàm văn học “Đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” và Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới - Vai trò, chức năng của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức ngày 15-8, Đại tá Kiều Bách Tuấn, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, nêu ra những hiện tượng đáng lo ngại tồn tại trong một số tác phẩm văn học, đó là: Xóa nhòa ranh giới chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa; giải thiêng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, dân sự hóa hoạt động quân đội; viết lại lịch sử; moi móc lịch sử; viết về chiến tranh và người lính không đúng với tính chất quân sự…

Nhận thấy tầm quan trọng của đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng” trong VHNT, tháng 2-2009, Quân ủy Trung ương đã ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Từ đây, nhiều trại sáng tác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được mở; nhiều cuộc vận động sáng tác được tổ chức; nhiều bộ phim, vở diễn được đầu tư kinh phí sản xuất, trình chiếu, biểu diễn… Ngoài ra, các Hội VHNT Trung ương và địa phương vẫn luôn dành tình cảm cho quân đội, thường xuyên định hướng hội viên tích cực sáng tác về đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng”. Có thể nói, đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng” vẫn luôn được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự hưởng ứng sáng tạo của giới văn nghệ sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Hát múa trong chương trình nghệ thuật “Hà Nội, một trái tim hồng”. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Làm tốt từng bước một

Trò chuyện với nhiều đơn vị tư nhân trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, chúng tôi đặt câu hỏi: Đơn vị có sẵn sàng đầu tư kinh phí để cho ra đời tác phẩm về đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng” gắn với hình tượng Bộ đội Cụ Hồ không? Đại diện đa số các đơn vị nói rằng: Thâm tâm rất muốn nhưng có nhiều băn khoăn nên chưa lập dự án cụ thể. Tạo sức hấp dẫn với đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng” không dễ; mặt khác, do thiếu hiểu biết về quân đội, về người lính nên rất dễ dẫn đến sai sót, dễ bị dư luận phản ứng… Với một đơn vị kinh doanh văn hóa nghệ thuật, nếu tác phẩm không ăn khách, lại “có vấn đề” sẽ cầm chắc thua lỗ.

Câu chuyện phát triển đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng” hiện nay vẫn phải trông chờ vào kinh phí Nhà nước, làm trọn các khâu: Đầu tư kinh phí đặt hàng, tổ chức thực hiện, nghiệm thu, quảng bá tác phẩm, định hướng tư tưởng cho người thưởng thức. Hầu hết, các tác phẩm được đầu tư, đặt hàng nhằm mục đích để tuyên truyền, giáo dục, chủ yếu phục vụ nội bộ chứ chưa có ý định mở rộng ra đối tượng bên ngoài; trong khi trình độ thưởng thức của công chúng ngày càng cao và luôn bị phân tâm bởi quá nhiều loại hình giải trí. Đại tá, nhà văn, nhà biên kịch Lê Văn Vọng cho rằng: “Bên cạnh đầu tư để lấy số lượng, đã đến lúc Nhà nước cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho một vài dự án nghệ thuật lớn. Chẳng hạn, trong 5 năm dành nguồn lực làm một bộ phim thật sự tốt về nội dung, hình thức thể hiện để có thể ra mắt ở các phòng vé. Thực tế, chúng ta có thể thấy không ít quốc gia đã có những bộ phim vừa tuyên truyền tốt, vừa có tính thương mại cao. Muốn như vậy phải tuân theo quy luật thị trường, đó là cần chi tiền quảng bá ít nhất bằng một nửa kinh phí sản xuất phim, mới có thể khiến dư luận chú ý”.

Trước khi có một sự thay đổi về cách thức và quy mô đầu tư, cần phải làm tốt, chắc chắn từng bước một trong quy trình tạo ra một tác phẩm VHNT. Nhiều nhà quản lý văn hóa nghệ thuật nhấn mạnh, điều cần coi trọng hiện này là xây dựng đội ngũ những người sáng tác. Đa số văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội đều mong muốn sáng tác về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ hôm nay nhưng gặp nhiều khó khăn để có tác phẩm ưng ý. Trung tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho biết: “Phát hiện, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, tìm kiếm tư liệu là điều cần thiết. Mỗi lần mở trại sáng tác mỹ thuật về đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng”, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chú ý tuyển lựa trại viên, hướng đến những tài năng mới. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các cơ quan chức năng đưa các họa sĩ đến thâm nhập thực tế các đơn vị quân đội lấy tư liệu, cảm hứng sáng tạo”.

Lịch sử vẻ vang, truyền thống hào hùng của quân đội là chất liệu vô tận đối với văn nghệ sĩ. Nếu được quan tâm, bồi đắp và có cách làm, bước đi phù hợp thì những “quả ngọt” là các tác phẩm VHNT đỉnh cao sẽ sớm xuất hiện.

TRẦN HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/cham-lo-boi-dap-de-co-qua-ngot-546992