Chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho người lao động

Nhà ở xã hội cho công nhân, an toàn vệ sinh thực phẩm, việc tuyển dụng, đào tạo cán bộ Công đoàn… là những nhóm vấn đề lớn được đại biểu kiến nghị với lãnh đạo TP HCM

Đại hội Công đoàn (CĐ) TP HCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2018 -2023) đã chính thức diễn ra sáng 28-6 tại Hội trường TP. Nhiều vấn đề "nóng" như nhà ở xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, việc tuyển dụng, đào tạo cán bộ CĐ… đã được các đại biểu (ĐB) đưa ra thảo luận, đóng góp ý kiến, kiến nghị giải pháp khi đối thoại với lãnh đạo TP HCM tại phiên làm việc thứ nhất của đại hội.

Công nhân lo lắng thực phẩm bẩn

Tại trung tâm thảo luận số 1 với chuyên đề "Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNVC-LĐ", nhiều vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống công nhân (CN) đã được đưa ra bàn luận.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch CĐ Công ty CP Cơ khí Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM), thẳng thắn khi cho rằng an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề đáng báo động trong đời sống CN hiện nay. Theo ông, hầu hết CN đi làm từ sáng sớm đến tối mịt. Khi ra về, họ chỉ kịp ghé các hàng cóc ven đường để mua thức ăn mà không biết nguồn gốc vì không có sự lựa chọn nào khác. Cuộc sống đã khó khăn, CN còn phải đối mặt với thực phẩm bẩn và nguy cơ bệnh tật. "Tại sao CĐ không mở các siêu thị CĐ để phục vụ CN tại các khu công nghiệp, khu dân cư. CĐ cơ sở sẽ làm nhiệm vụ marketing để quảng bá cho CN biết" - ông Hùng nêu.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Còn ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Nidec Việt Nam - Khu Công nghệ cao, cho biết CN rất khao khát được thuê, mua nhà ở xã hội. TP nên có kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội thật cụ thể và có chính sách cho CN vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội. Đây cũng là vấn đề được nhiều cán bộ CĐ quan tâm và kiến nghị tại buổi gặp gỡ với Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm.

Bên cạnh đó, việc nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động (NLĐ) cũng được nhiều ĐB quan tâm. Ông Tô Trung Dũng, Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, phản ánh việc xây dựng thiết chế văn hóa nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ chưa nhiều, phục vụ đời sống NLĐ chưa cao. Nguyên nhân do hạn chế cơ sở vật chất, quy mô nhỏ, thời gian hoạt động chưa phù hợp vì NLĐ phải làm việc theo ca trong khi đa số thiết chế hoạt động giờ hành chính, xa nơi NLĐ ở, chưa phù hợp với nhu cầu, thu nhập, tiền lương của NLĐ… Ông Dũng đề xuất: "TP nên huy động các nguồn lực xã hội hóa như một doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương xây dựng khu vườn cảnh tại DN, tạo điều kiện cho CN thư giãn sau giờ làm, ngày cuối tuần họ có thể đưa gia đình đến vui chơi. Về chính sách đất đai, khi xây dựng KCX-KCN phải có thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng đó. Về chính sách, TP phải có chính sách ưu đãi đầu tư, phải có miễn giảm thuế để khuyến khích DN".

Luật chưa bảo vệ được cán bộ CĐ

Tại trung tâm thảo luận số 3, nhiều ĐB cho rằng việc các quy định pháp luật không chặt chẽ hiện nay khiến cán bộ CĐ khó thực hiện tốt vai trò của mình. Theo ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam, làm sao để cán bộ CĐ có đủ quyền và năng lực là vấn đề cốt lõi. Để thực hiện điều đó, cơ quan quản lý nhà nước phải có những quy định rõ ràng, chặt chẽ, khả thi và có chế tài đủ mạnh.

Ông Đạt nêu dẫn chứng theo quy định, tổ chức CĐ có quyền tham gia các hội đồng xét duyệt tiền lương, thưởng cho NLĐ với tư cách người đại diện cho NLĐ. "Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện nay không quy định các DN nước ngoài phải thành lập hội đồng này thì CĐ tham gia thế nào? Trong khi đó, nhiều DN xây dựng thang, bảng lương là để đối phó chứ không phải thực chất. Chúng ta cũng không có cơ chế để yêu cầu DN phải chia sẻ thông tin tình hình hoạt động. DN bảo là bí mật kinh doanh, CĐ không nắm được "sức khỏe" của DN thì làm sao thương lượng?" - ông Đạt nêu.

Theo ông Phạm Văn Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, hiện nay việc kiểm tra xử lý các DN sai phạm của cơ quan quản lý là quá ít và không kiên quyết trong khi rất nhiều DN không quan tâm và không chấp hành. Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của tổ chức CĐ. "Nhiều vướng mắc khác tồn tại dai dẳng nhưng không được tháo gỡ khiến CĐ không thể bảo vệ quyền lợi cho NLĐ như việc thiếu cơ sở pháp lý để xử lý khi chủ DN có dấu hiệu bỏ trốn ngay từ đầu. Đến khi làm xong các thủ tục kiện tụng thì tài sản DN đã tiêu tan hết, NLĐ thắng kiện cũng không còn gì để thi hành án. Theo tôi, cần phải đơn giản hóa các thủ tục này" - ông Hoa đề nghị.

Ở một khía cạnh khác, ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch CĐ Công ty May Triple Việt Nam, cho rằng Luật CĐ và Bộ Luật Lao động dù có quy định nhiều nhưng không thực sự bảo vệ được cán bộ CĐ. Khi cần đấu tranh cho NLĐ rất dễ bị ảnh hưởng quyền lợi, thậm chí mất việc. "Anh em cán bộ CĐ hoạt động kiêm nhiệm, ngoài nhiệt tình còn vì miếng cơm manh áo. Khi đấu tranh đòi quyền lợi mà mất việc, mất luôn chén cơm thì làm sao dám làm?" - ông Hải đặt vấn đề.

Cán bộ CĐ phải có "tâm" và "tầm"

Tại trung tâm đối thoại số 2 với chủ đề "Đổi mới phương thức tập hợp đoàn viên, xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh", các ĐB đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh việc đào tạo cán bộ CĐ và thu hút đoàn viên. Chia sẻ những vướng mắc trong quá trình phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở, ông Lương Văn Minh, Phó Chủ tịch CĐ ngành Y tế, cho biết dù Bộ Luật Lao động, Luật CĐ có quy định rõ việc phải thành lập tổ chức CĐ tại đơn vị nhưng thực tế lại gặp rất nhiều khó khăn. "Một số cơ sở y tế ngoài công lập đặt doanh thu, lợi nhuận lên hàng đầu mà phớt lờ quy định này dù đã được CĐ ngành vận động. Tôi nghĩ nếu đã có luật thì cần phải có biện pháp chế tài thích đáng để bảo đảm tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật" - ông Minh phát biểu.

Đồng tình, bà Trương Thị Minh Dung, Chủ tịch LĐLĐ quận 1, nhấn mạnh rằng nhiều lần khi CĐ quận đi vận động thành lập CĐ nhưng bị DN "ngó lơ". "Khó khăn khác là đội ngũ cán bộ CĐ chuyên trách hiện quá mỏng. Cụ thể là tại CĐ quận 1 đang quản lý hơn 1.700 CĐ cơ sở với hàng chục ngàn đoàn viên nhưng cán bộ CĐ chuyên trách quận chỉ có vài người. Với lực lượng như thế rất khó để tổ chức việc hoạt động có chất lượng chứ chưa nói đến khảo sát để phát triển đoàn viên. Tôi mong muốn Thành ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét lại việc tăng thêm định biên cho CĐ cấp trên cơ sở tùy theo từng địa phương cho phù hợp"- bà Dung kiến nghị.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/cham-lo-bao-ve-tot-hon-cho-nguoi-lao-dong-20180628224938716.htm