Chậm, hủy chuyến bay của Việt Nam ở mức nào so với thế giới?

Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố thống kê số liệu chậm, hủy chuyến 8 tháng đầu năm 2018.

Hành khách mệt mỏi chờ lên máy bay tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: Tạ Tôn

Theo đó, Vietnam Airlines (VNA) khai thác 87.555 chuyến bay, chậm 10.520 chuyến. Jetstar Pacific (JPA) khai thác 24.598 chuyến, chậm 5.110 chuyến. Vietjet Air (VJA) khai thác 80.767 chuyến và chậm 13.729 chuyến bay. Trong đó, tỉ lệ chậm chuyến lần lượt là VNA 12 %, VJA 17 %, JPA 20,8 %.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến là do tàu bay về muộn (chiếm tới hơn 65%). Kế đó là các nguyên nhân khác như do hãng hàng không (18,3%), quản lý điều hành bay (6,3%), do trang thiết bị và dịch vụ tại cảng (5,7%)…

Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề chậm, hủy chuyến bay, đại diện các hãng hàng không đều khẳng định quan điểm “đây là việc không ai muốn”.

Giám đốc điều hành Vietjet Lưu Đức Khánh cho biết, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ luôn là vấn đề được các hãng hàng không quan tâm vì điều này không chỉ giúp duy trì kết quả kinh doanh tốt mà còn đảm bảo được các cam kết dịch vụ của mình với khách hàng.

Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành thông tin, hiện chỉ số đúng giờ của Vietnam Airlines với chuyến bay đi là 90%, với chuyến bay đến là 83%. “Để làm được điều này, chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều, từ việc tính toán số lượng tàu bay dự bị từng ngày, từng giai đoạn, kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay trong mùa thấp điểm, công tác điều hành bay đi, đến”, ông Thành nói.

“Thống kê về chậm hủy chuyến của tất cả các hãng hàng không trên toàn cầu do ICAO công bố, mức trung bình là 85 - 87% với chuyến bay đi. Như vậy, kết quả của chúng tôi không phải quá tệ”, ông Thành nói thêm.

Theo FlightStats, Công ty Giám sát dữ liệu hàng không, các hãng hàng không truyền thống và giá rẻ có tỉ lệ chậm chuyến cao trong tháng 8 như: Air China 37,64%, Cathay Pacific 38,16%, Air Canada 35,13%, Air India 33,23%; United Airlines 25,31% và thậm chí các hãng được đánh giá dịch vụ tốt như: Asiana Airlines cũng có tỉ lệ chậm 36,81%, Lufthansa 30,45%. Đối với các hãng giá rẻ: Air Asia 25,65%; Air Asia X 43,04%; JetBlue Airways 31,27%; EasyJet 34,24%.

Đại diện một hãng hàng không cho biết, thời gian gần đây, thời tiết khu vực phía Nam có nhiều bất thường, mưa lớn tại sân bay Tân Sơn Nhất ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều chuyến bay, kẹt đường lăn ở sân bay là những nguyên nhân tăng tỉ lệ chậm chuyến vì lý do máy bay về muộn. Dự báo đến cuối năm, không khí lạnh và sương mù phía Bắc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tỉ lệ đúng giờ.

Mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước khắc phục hiện tượng chậm hủy chuyến bay để đảm bảo công bằng giữa các hãng hàng không với người dân.

Thanh Bình

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/cham-huy-chuyen-bay-cua-viet-nam-o-muc-nao-so-voi-the-gioi-d271476.html