Chậm hỗ trợ tiền sau 'bão' dịch tả lợn châu Phi: Dân kiệt sức

Sau hơn 4 tháng bị dịch tả lợn châu Phi tấn công dữ dội đến 'trắng tay', đến giờ hàng nghìn hộ dân ở Hưng Yên, Thái Bình... vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch khiến bà con ngày càng kiệt quệ.

 Bà Nguyễn Thị Bình, chủ trang trại lợn ở Ninh Bình mòn mỏi chờ hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Bình, chủ trang trại lợn ở Ninh Bình mòn mỏi chờ hỗ trợ.

Nông dân sắp hết cơ hội

Sau khi mất đàn cơ nghiệp của gia đình, bà Đỗ Thị Duyên ở xã Lô Giang, huyện Đông Hưng (Thái Bình) đã thực sự "trắng tay". Từ đó đến nay, hầu như ngày nào bà Duyên cũng điện thoại cho cán bộ thú y xã, huyện để hỏi về tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch nhưng tất cả cuộc gọi đều không có phản hồi tích cực.

"Giờ chuồng trại tan hoang, chủ nợ cứ gọi đòi tiền liên tục mà chúng tôi không biết lấy đâu để trả,. Mọi thứ đều trông vào tiền hỗ trợ của nhà nước nhưng vẫn vô vọng, gia đình tôi kiệt sức, cùng đường thực sự rồi" - bà Duyên ngậm ngùi.

Cùng trong cảnh nợ nần, khủng hoảng với hộ nhà bà Duyên, hàng nghìn hộ khác trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến giờ vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ sau tiêu hủy lợn. Ông Phạm Văn Hoàng ở xã Tây Đô, huyện Hưng Hà cho biết, hiện nay bà con chăn nuôi đang rất cần tiền hỗ trợ để trả nợ ngân hàng, thức ăn chăn nuôi... nếu địa phương không sớm hỗ trợ thì bà con sẽ kiệt quệ, đến khi có tiền cũng không còn sức để "đứng dậy" chăn nuôi tiếp được.

Lý giải về điều này, ông Phạm Thành Nhương - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình cho rằng: "Đây là sự việc mà chúng tôi không hề mong muốn nhưng do ngân sách dự phòng của tỉnh hạn chế, chỉ khoảng 100 tỷ đồng (chủ yếu dành cho phòng chống thiên tai, bão lụt), trong khi tiền hỗ trợ bà con đã lên đến 663 tỷ đồng nên Thái Bình phải chờ "cầu cứu" Trung ương mới có tiền chi trả cho bà con được.

Bà Duyên, chủ trang trại ở Thái Bình thuê nguời quét vôi khử trùng chuồng trại sau "bão" dịch.

Theo ông Nhương, tính đến thời điểm này, Thái Bình đã có 281/282 xã, phường, thị trấn xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Số lợn đã phải tiêu hủy chiếm khoảng 40% tổng đàn lợn của tỉnh với khoảng 1.654 hộ dân bị thiệt hại nặng, trong đó có hộ có đàn lợn lớn hàng nghìn con cũng bị dịch phải tiêu hủy.

"Chúng tôi đang lên danh sách và làm hồ sơ trình Trung ương để xin kinh phí, có thể cuối tháng 6/2019, danh sách hỗ trợ đợt 1 sẽ được gửi đi và bà con sẽ nhận được tiền sớm", ông Nhương khẳng định.

Nói về giải pháp hỗ trợ bà con trước mắt, ông Nhương cho hay: Đây cũng là bài toán rất khó với Thái Bình. Bởi lẽ dịch vẫn diễn biến phức tạp, số hộ chăn nuôi bị dịch đã tiêu hủy lợn giờ muốn tái đàn luôn cũng khó bởi dịch còn, bà con không còn vốn nữa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm nhưng do thị trường đầu ra của vật nuôi này đang bấp bênh nên người dân cũng không mặn mà.

"Trong thời gian chờ tiền hỗ trợ của Trung ương, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nên bình tĩnh và tích cực rắc vôi, tiêu độc khử trùng chuồng trại để sau khi nhận được tiền, hết dịch bà con sẽ tái đàn chăn nuôi trở lại", ông Nhương nhấn mạnh.

Nhà nước chậm hỗ trợ khiến người nông dân đang kiệt sức dần.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Là đơn vị bị dịch tả lợn châu Phi tấn công, song do HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông, TX Sơn Tây (Hà Nội) đã chủ động xuất bán lợn trước khi có dịch nên mức thiệt hại không đáng kể.

Đánh giá về công tác phòng dịch của các trang trại chăn nuôi lợn, ông Trần Văn Chiến - Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông cho rằng: "Chúng ta thực sự yếu ở 2 điểm. Thứ nhất là việc phòng dịch tại các trang trại rất yếu, phần lớn là chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên khâu phòng dịch không được quan tâm, đầu tư nhiều nên dễ bị dịch bệnh "hạ gục". Thứ hai là khâu quản lý của ngành nông nghiệp, thú y có vấn đề và nói thẳng là yếu".

Cũng theo ông Chiến, sau đợt dịch này, chăn nuôi nông hộ gần như đã bị "tiêu diệt" hết, người được hưởng lợi cuối cùng chỉ còn lại các công ty, tập đoàn chăn nuôi FDI. "Đây là thực trạng tôi đã cảnh báo nhiều năm nay, một khi ngành chăn nuôi không làm tốt vai trò của mình trong quản lý, điều hành, điều tiết... thì việc rơi vào tay các công ty, tập đoàn chăn nuôi nước ngoài là điều tất yếu. Nếu sắp tới không cẩn thận, không chỉ ngành chăn nuôi lợn mà người tiêu dùng cũng sẽ bị các công ty này thao túng về giá, thậm chí người dân sẽ buộc phải mua sản phẩm nhập, giá cao", ông Chiến cảnh báo.

Chuồng trại của bà con chăn nuôi ở Ninh Bình tan hoang, trắng xóa vôi bột sau "bão"dịch.

Để khắc phục thực trạng trên, ông Chiến cho rằng: Chính phủ, Bộ NNPTNT và các bộ ngành liên quan cần sớm quy hoạch chăn nuôi tập trung theo vùng, chăn nuôi an toàn dịch bệnh. "Hiện nay trên bản đồ của chúng ta chưa có phân định rõ vùng chăn nuôi lợn, vùng chăn nuôi gà... mà mọi thứ vẫn buông lỏng, nhất là chăn nuôi lợn vẫn theo kiểu truyền thống mạnh ai nấy làm nên sắp tới chúng ta cần phải làm rõ và giải quyết được điều này. Ngoài ra, nhà nước cũng phải đứng ra để điều tiết và tạo liên kết chuỗi giữa nông hộ với doanh nghiệp, công ty chăn nuôi FDI thì ngành chăn nuôi mới thoát được phụ thuộc và người dân có thể hưởng lợi bền vững", ông Chiến nhấn mạnh.

Theo ông Chiến, sau liên tiếp các đợt dịch bệnh, "khủng hoảng giá" và giờ tiếp tục đối mặt với dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là các nông hộ nuôi lợn thực sự "trắng tay". "Giờ về các vùng quê, các "thủ phủ" chăn nuôi lợn đều tan hoang cả, người dân thì mất việc, mất nghề mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ. Điều đáng nói là, sau dịch bà con muốn nuôi lợn lại cũng khó vì dịch bệnh chưa biết bao giờ mới hết, tiền hỗ trợ có về mọi người cũng không đủ trả nợ, không còn vốn chăn nuôi tiếp", ông Chiến nói.

Ông Chiến cho biết thêm, Việt Nam đặc thù là nước nông nghiệp, người dân nông thôn sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi lợn, cấy lúa, trồng rau. Đến giờ mất nghề nuôi lợn sẽ dẫn đến hệ lụy vô cùng nguy hiểm là tỷ lệ nghèo đói sẽ gia tăng, an ninh xã hội mất ổn định.

"Sau đợt dịch cuối cùng này, theo ước tính của tôi sẽ có hàng triệu người thất nghiệp. Nếu nhà nước không sớm có chính sách hỗ trợ và các địa phương không kịp thời vào cuộc hướng dẫn, tìm hướng đi mới giúp bà con thì hậu quả rất khôn lường", ông Chiến khuyến cáo.

Nói về giải pháp giúp ngành chăn nuôi thoát khỏi "khủng hoảng", ông Chiến cho hay: Trong đợt dịch này, nhà nước đã rất kịp thời trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi, đặc biệt là hỗ trợ sau tiêu hủy rất đúng và nhân văn. Tuy nhiên, theo tôi, ngoài các tỉnh, thành chủ động được ngân sách hỗ trợ thì Chính phủ cần sớm cấp kinh phí để các địa phương hỗ trợ cho bà con nhanh hơn.

"Nếu chậm hỗ trợ ngày nào, bà con sẽ càng khó khăn, cùng cực hơn thêm ngày đó", ông Chiến khẳng định. Bên cạnh việc chi trả hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại, ông Chiến lưu ý Bộ NNPTNT và các địa phương cũng cần có giải pháp lâu dài hơn giúp bà con chuyển đổi sang chăn nuôi vật nuôi khác như bò, gà, đà điểu... để có thu nhập trong thời gian chờ tái đàn lợn trở lại.

"Riêng ở Sơn Tây, tôi đang tham mưu cho các các cấp chính quyền ở đây chuyển hướng sang chăn nuôi bò, đà điều, gà và hỗ trợ đầu ra, thị trường để bà con ổn định sản xuất", ông Chiến tiết lộ.

Trần Quang

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/cham-ho-tro-tien-sau-bao-dich-ta-lon-chau-phi-dan-kiet-suc-988910.html