Chậm giải quyết chế độ giáo viên vùng sâu ở Đắk Lắk

Nhiều cán bộ, giáo viên vùng khó khăn phản ánh việc UBND huyện Krông Búk (Đắk Lắk) nhiều năm qua chậm chi trả tiền chế độ, chính sách. Với đồng lương ít ỏi trong khi các chế độ được huyện Krông Búk thực hiện chậm chạp đã ảnh hưởng đến tâm lý cũng như quá trình công tác của nhiều đối tượng hưởng thụ.

Giáo viên mong muốn huyện Krông Búk sớm giải quyết dứt điểm các chế độ để họ an tâm công tác. Ảnh: H.L

Mỏi mòn đợi chế độ trợ cấp

Bà Nguyễn Thị Oanh - Chủ tịch Công đoàn Trường tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Ea Siên, huyện Krông Búk) cho biết, theo Nghị định 61 năm 2006 của Chính phủ quy định rõ: Trợ cấp lần đầu đối với các giáo viên công tác ở vùng khó khăn là 4 triệu đồng. Đến năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 19 sửa đổi một số điều trong đó sửa đổi nội dung, tiền trợ cấp lần đầu đối với các đối tượng trên là 10 tháng lương tối thiểu.

Quy định là thế nhưng bà Oanh khẳng định, từ năm 2011 đến nay, một số giáo viên công tác có thời gian công tác trên 5 năm tại trường đến nay chưa nhận được chế độ trợ cấp ban đầu. “Việc không nhận được tiền trợ cấp ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều thầy cô. Chúng tôi mong các cấp lãnh đạo sớm xem xét, tìm hướng tháo gỡ để thầy cô an tâm công tác” - bà Oanh nói.

Tại xã Ea Siên (huyện Krông Búk) nhiều năm nay, các cán bộ, giáo viên cũng được hưởng mức phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cụ thể, cán bộ, giáo viên sẽ được hưởng mức 0,5 so với mức lương cơ sở áp dụng đối với người có thời gian làm việc từ 5 năm đến dưới 10 năm. Tuy vậy, nhiều giáo viên tại xã Ea Siên tiết lộ đến thời điểm này, họ vẫn chỉ nhận được mức phụ cấp 0,4 so với mức lương tối thiểu. “Giáo viên nhiều trường học tại xã đều được hưởng 0,4 so với mức lương cơ sở. Trong khi đó, cán bộ làm việc tại xã vẫn được hưởng phụ cấp 0,5. Đây là điều vô lý” - một giáo viên tại xã Ea Siên bức xúc.

Tương tự, hiện cũng có 8 giáo viên tại xã Ea Siên có đơn cầu cứu báo Lao Động vì không được địa phương chi trả chế độ phụ cấp đối với cán bộ vùng sâu. Ông Nay Minh Cương - Chủ tịch LĐLĐ huyện Krông Búk, đại diện tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho 8 giáo viên (Đắk Lắk) cho biết, Nghị định số 116 có quy định chế độ phụ cấp thu hút cán bộ, giáo viên về công tác tại các địa bàn có điều kiện kiện tế - xã hội đặc biệt khó khăn. “Từ năm 2011 - 2015, 8 cán bộ giáo viên này vẫn được hưởng chế độ theo Nghị định 116. Thế nhưng từ năm 2015 đến nay, các giáo viên này không được hưởng nữa” - ông Nay Minh Cương nói.

Sẽ rà soát, khắc phục

Ông Vũ Văn Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Krông Búk thừa nhận, việc triển khai chi trả chế độ chính sách đối với cán bộ trên địa bàn huyện vẫn có những sai sót, chậm chạp và hạn chế. Theo ông Mỹ, một số đối tượng hợp đồng tại xã Ea Siên phản ánh đến nay chưa được hưởng phụ cấp lần đầu, huyện đã chỉ đạo Phòng Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu. Nếu đúng như những gì phản ánh, huyện sẽ chi trả đầy đủ. Riêng tiền phụ cấp cán bộ tại xã Ea Siên, nếu địa phương chi trả chế độ không công bằng thì sẽ rà soát lại.

Riêng đối với trường hợp của 8 giáo viên không được hưởng chế độ cán bộ vùng sâu, ông Mỹ giải thích: Nghị định 19 vốn là nghị định bổ sung, điều chỉnh một số điều có lợi cho các giáo viên sau khi Nghị định 116 ban hành. Theo đó, đối với các cán bộ, giáo viên sau 5 năm công tác (đã hưởng chế độ Nghị định 116) mà chưa được điều động trở về nơi cũ sẽ tiếp tục được hưởng chế độ theo tinh thần của Nghị định 19. “Để hưởng chế độ theo Nghị định 19, các cán bộ, giáo viên tại khu vực này phải thuộc diện luân chuyển. Đối chiếu với trường hợp 8 giáo viên trên thì những viên chức này thuộc trường hợp khác nên không được nhận trợ cấp theo nghị định này. Cụ thể, 2/8 trường hợp giáo viên thuộc đối tượng bổ nhiệm viên chức quản lý, 6 người còn lại thuộc đối tượng điều động công tác.

Trao đổi câu chuyện giáo viên tại huyện Krông Búk không được hưởng chế độ vùng khó khăn vì không thuộc diện luân chuyển theo Nghị định 19, ông Hoàng Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk nhìn nhận, dưới góc độ quản lý thì các văn bản hiện còn nhiều bất cập. Theo đó, nếu các giáo viên này chuyển công tác và người mới lại đến thì người mới lại được hưởng chế độ? “Việc quy định luân chuyển, điều động như thế nào đến nay vẫn chưa được làm rõ. Chúng tôi cũng thừa nhận, Sở Nội vụ chưa có hướng dẫn, tập huấn, xây dựng kế hoạch luân chuyển, điều động đối với các cán bộ, giáo viên vùng sâu” - ông Hùng nói.

HỮU LONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/cham-giai-quyet-che-do-giao-vien-vung-sau-o-dak-lak-638107.ldo