Chậm giải phóng mặt bằng dự án hồ chứa nước Bản Mồng

Đã gần hết năm 2017 nhưng Dự án trọng điểm hồ chứa nước Bản Mồng, một công trình thủy lợi lớn ở phía tây bắc của tỉnh Nghệ An vẫn chưa giải ngân được vốn do Nhà nước cấp trong năm 2017 vì gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng hơn 10 ha đất của một số hộ dân ở huyện Quỳ Hợp.

Mặc dù các trụ cầu đã được hoàn thành từ khá lâu, nhưng do chưa giải phóng được mặt bằng hai đầu cầu cho nên chủ đầu tư không thể hoàn thành việc xây dựng cầu qua kênh dẫn dòng, phục vụ thi công công trình đầu mối.

Mặc dù các trụ cầu đã được hoàn thành từ khá lâu, nhưng do chưa giải phóng được mặt bằng hai đầu cầu cho nên chủ đầu tư không thể hoàn thành việc xây dựng cầu qua kênh dẫn dòng, phục vụ thi công công trình đầu mối.

Hồ chứa nước Bản Mồng là dự án trọng điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), nằm trong chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền tây Nghệ An. Đây là dự án quy mô lớn, được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư từ năm 2009 với tổng số vốn 4.500 tỷ đồng. Khi hoàn thành, hồ chứa nước sẽ phục vụ tưới cho hàng chục nghìn héc-ta lúa và hoa màu ở các huyện phía bắc và miền núi phía tây của tỉnh; đồng thời cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ các khu công nghiệp liên quan.

Một trong những hợp phần quan trọng nhất của dự án là cụm công trình đầu mối trên sông Hiếu tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp khởi công ngày 31-5-2010. Hợp phần này do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (gọi tắt Ban 04) làm chủ đầu tư. Do thiếu vốn, từ năm 2013, dự án tạm dừng thi công. Đến năm 2016, dự án này được ưu tiên bố trí cấp lại vốn khoảng hơn hai nghìn tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ (giai đoạn 2016 - 2020). Riêng năm 2017, cụm công trình đầu mối được bố trí khoảng 350 tỷ đồng. Nhưng đến nay, Ban 04 giải ngân được không đáng kể nguồn vốn này. Theo Ban 04, từ đầu năm đến nay, mới giải ngân khoảng 10 tỷ đồng vốn cấp cho năm 2017. Do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng cho nên chủ đầu tư không thể thi công cầu qua kênh dẫn dòng (dù các trụ cầu đã hoàn thành từ cuối năm 2016) để hoàn thành tuyến đường công vụ độc đạo vận chuyển máy móc, thiết bị thi công, vật tư, vật liệu phục vụ thi công công trình đầu mối.

Theo Ban Quản lý công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), Dự án Bản Mồng (thuộc Sở NN và PTNT Nghệ An): Một số hộ trồng keo dọc theo hai bên bờ kênh dẫn dòng (trong đó có những hộ tái lấn chiếm đất đã đền bù, bàn giao) không chịu bàn giao mặt bằng cho dự án, cho dù các cấp, ngành của tỉnh, huyện Quỳ Hợp và chủ đầu tư nhiều lần chỉ đạo, tuyên truyền vận động, đối thoại với người dân.

Cuối năm 2016, trước tình hình đó, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã gửi thư cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Ngay sau đó, Tỉnh ủy Nghệ An đã có công văn giao UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các tồn đọng, vướng mắc để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đầu tháng 12-2016, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo giao Sở NN và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện Quỳ Hợp phối hợp chủ đầu tư tập trung giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác GPMB, nhất là tại khu vực công trình đầu mối. Tháng 4-2017, qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đã giao UBND huyện Quỳ Hợp phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan tập trung cao hơn nữa cho công tác GPMB; huy động cả hệ thống chính trị để thuyết phục, vận động các hộ dân tự nguyện nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng. Nếu vận động không được thì tổ chức bảo vệ thi công theo quy định hiện hành và hoàn thành trước ngày 5-5-2017. Sau đó, UBND tỉnh cùng các đoàn công tác của tỉnh đã có nhiều cuộc làm việc liên quan đến công tác GPMB.

Nhưng do thiếu quyết liệt và có phần thiếu trách nhiệm của Ban GPMB huyện, trong đó có trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp cho nên công tác GPMB ở khu vực công trình đầu mối mới chậm trễ như vậy. Đơn cử như việc GPMB của dự án trọng điểm này liên quan một số địa phương, trong đó có hai huyện Quỳ Châu và Quỳ Hợp. Trong khi huyện Quỳ Châu, số hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp cũng như diện tích đất liên quan công tác GPMB nhiều hơn, nhưng đến nay đã cơ bản hoàn thành mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư; thì tại huyện Quỳ Hợp, con số liên quan ít hơn nhiều, lại chủ yếu là đất lâm nghiệp thì ì ạch, giẫm chân tại chỗ. Cụ thể, tại cụm đập đầu mối: Ở khu vực phía tả kênh dẫn dòng có sáu hộ dân tự ý xâm lấn trồng 10,2 ha keo trên đất vào thời điểm dự án thiếu vốn phải dừng thi công kéo dài mặc dù diện tích đất đã được đền bù và đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đáng lẽ, việc người dân ngang nhiên vi phạm đất của dự án, phải xử phạt theo quy định; đồng thời, yêu cầu chặt (thu hoạch) cây ngay, nhưng do sự chỉ đạo thiếu kiên quyết và quyết liệt của lãnh đạo huyện Quỳ Hợp cùng một số đơn vị liên quan cho nên đến nay mới có ba trong số sáu hộ dân chặt keo, hoàn trả 5,1 ha mặt bằng. Hiện vẫn còn ba hộ chây ỳ, chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ cũng như chặt keo, hoàn trả mặt bằng. Còn khu vực bên bờ hữu kênh dẫn dòng cũng liên quan đến sáu hộ dân với hơn 9 ha trồng cây keo. Sau nhiều tháng tuyên truyền, vận động, đối thoại, đến nay có ba hộ dân đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng và một hộ đồng ý bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư với tổng diện tích 5,5 ha. Hiện, còn hai hộ vẫn chưa hợp tác với Ban GPMB để nhận tiền hỗ trợ và thậm chí đòi đền bù về đất và tài sản. Điều đáng nói, đây là khu vực được Ban GPMB huyện tiến hành công tác GPMB khá sớm để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư xây dựng công trình đầu mối; trong đó có hạng mục kênh dẫn dòng và cầu qua kênh, nhưng do trước đây công tác quản lý nguồn gốc đất đai ở khu vực này còn lỏng lẻo, cộng với sự vào cuộc chưa quyết liệt, có phần thiếu trách nhiệm của lãnh đạo địa phương cho nên công tác GPMB ở bờ hữu kênh dẫn dòng vướng mắc kéo dài trong nhiều năm. Thậm chí, gần đây, người dân còn lấn chiếm trồng một số loại cây trên bãi thải của công trường đã được GPMB mà chính quyền chưa kiên quyết xử lý.

Có thể nói, công tác GPMB ở khu vực công trình đầu mối và cầu kênh dẫn dòng vẫn chưa có kết quả khiến cho dự án trọng điểm này đã chậm lại càng chậm hơn. Huyện Quỳ Hợp cứ “tốn” thời gian đối thoại và loay hoay cho công tác chuẩn bị cưỡng chế... Giờ đây, việc xây dựng cầu qua kênh dẫn dòng để đưa máy móc, vật liệu vào thi công công trình đầu mối phụ thuộc vào văn bản trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường và công tác tổ chức bảo vệ thi công hay cưỡng chế của huyện Quỳ Hợp. Không thể chờ đợi hơn nữa, chủ đầu tư đành phải triển khai giải pháp tình thế, đó là đắp chắn thượng nguồn kênh dẫn dòng để làm đường công vụ phục vụ việc cưỡng chế phía bờ tả cũng như tạm thời phục vụ việc thi công công trình đầu mối. Tuy nhiên, tuyến đường này có bảo đảm vững chắc và an toàn như cầu qua kênh dẫn dòng hay không thì khó có câu trả lời chính xác vì hiện nay là thời điểm mùa nước dâng cao và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Việc thi công và giải ngân chậm do công tác GPMB không chỉ ảnh hưởng hiệu quả đầu tư của dự án, mà còn ảnh hưởng việc thu hút đầu tư cho các dự án thủy lợi và nhiều dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Mong rằng, tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương quyết liệt hơn nữa trong công tác GPMB để sớm đẩy nhanh tiến độ thi công công trình hoàn thành đúng kế hoạch, khai thác tiềm năng, lợi thế miền tây Nghệ An như mục tiêu đã đề ra.

Thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ chỉ đạo quyết liệt, tập trung cao độ cho công tác GPMB Dự án hồ chứa nước Bản Mồng nói chung, khu vực công trình đầu mối nói riêng; trước mắt, sẽ tiến hành bảo vệ thi công ở khu vực hai bên kênh dẫn dòng.

ĐINH VIẾT HỒNG Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

Mong Dự án hồ chứa nước Bản Mồng đẩy nhanh tiến độ để địa phương sớm có điều kiện ổn định dân cư cũng như phát triển kinh tế - xã hội và an ninh chính trị trên địa bàn. LƯƠNG VĂN ĐẠI

Chủ tịch UBND xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An

BÀI VÀ ẢNH: THÀNH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/34789102-cham-giai-phong-mat-bang-du-an-ho-chua-nuoc-ban-mong.html