Chấm dứt xây dựng mới nhà máy nhiệt than: Giải pháp giúp ĐBSCL giảm thiểu hiểm họa môi trường

Quy hoạch điện VII được điều chỉnh trong năm 2016, đã tập trung vào xây dựng nhiều nhà máy Nhiệt điện than quy mô lớn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Việc phát triển nhanh NĐT ở đây gây tác động bất lợi đến an ninh nguồn nước, ảnh hưởng nặng nề tới biến đổi khí hậu và làm nghiêm trọng hơn những thách thức phát triển bền vững quốc gia.

Ảnh minh họa

Tìm giải pháp thay thế nhiệt điện than là việc làm cần thiết để vùng đồng bằng rộng lớn và cả nước thoát khỏi hiểm họa môi trường là việc làm cần thiết để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu SDGs 2030.

Chủ trương và những nội dung nổi bật của Quy hoach phát triển điện lực quốc gia

Nhu cầu năng lượng thế giới giai đoạn 2010-2040 được dự báo tăng gấp rưỡi, trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch, thủy năng ngày càng khan hiếm, dầu mỏ đang có nguy cơ cạn kiệt., sử dụng than được coi là nguồn tiếp sức cho những nền kinh tế đang phát triển, có thể đóng góp từ 25% đến 30% vào tổng lượng điện sản xuất toàn cầu.

Với cam kết ủng hộ quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng đảm bảo công bằng phù hợp với nội dung thời đại; từ nguồn năng lượng không phải dồi dào, lượng dầu khí có hạn, thủy năng gần cạn, nhiệt điện than (NĐT) vẫn là giải pháp được lưạ̣ chọn với trọng số lớn trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia của Việt Nam.

Tại Quyết định 428/QĐ-TTg ,Thủ tướng Chính phủ chủ trương “ . ..khai thác tối đa nguồn than cho phát triển các nhà máy nhiệt điện..... Do nguồn than sản xuất trong nước hạn chế, cần xây dựng một số nhà máy nhiệt điện tại các trung tâm điện lực; Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Long An v..v..sử dụng nguồn than nhập khẩu..” Với Quyết định này, đến năm 2030 tổng công suất NĐT cả nước sẽ lên 55.000MW với 52 nhà máy phát điện cỡ công suất 1. 000 MW, tiêu thụ hàng năm trên 105 triệu tấn than (Thủ tướng Chính phủ 2016).

Trong hệ thống các nhà máy NĐT phân bổ đều ở cả 3 miền đất nước, những nhà máy cỡ công suất từ 600MW đến 2.000 MW sẽ được xây dựng ở vùng đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL). Theo quy hoạch, 14 nhà máy NĐT có tổng công suất gần 20.000 MW sẽ được xây dựng mới trong vùng có thể là một kịch bản rất thiếu bền vững (Bùi Huy Phùng 2017 b).
Hiểm họa môi trường và nguy cơ tiềm ẩn đối với đồng bằng sông Cửu Long

NĐT là nguồn sản xuất điện gây ô nhiễm nặng nề, các nhà máy NĐT làm ô nhiễm không khí và nguồn nước, phát thải nhiều carbon gây ô nhiễm hơn bất kỳ phương thức sản xuất điện nào khác. Để sản xuất 1 kWh điện, nhà máy nhiệt điện than phát thải từ 0,838 đến 1,06 kg khí CO2, cao gấp từ 70 đến 88 lần so với điện gió, từ 39 đến 48 lần điện mặt trời và từ 1,8 đến 2,3 lần điện khí tự nhiên. Trong sản xuất điện toàn cầu, NĐT đóng góp tới 72% lượng phát thải khí nhà kính. Ngoài khí CO2, nhà máy NĐT còn thải ra nhiều chất có hại vào môi trường như SO2, thủy ngân, asen,…. gây ra mưa axit (Endcoal 2017).

Đồng bằng sông Cửu Long nơi bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu

Nhu cầu nước cho các nhà máy NĐT đòi hỏi rất cao. Lượng nước sử dụng làm mát bình quân cho NĐT trên thế giới khoảng 142m3/MWh, ở Việt Nam, con số này dao động từ 124 m3/MWh đến 192 m3/MWh. Đáp ứng yêu cầu phát triển NĐT theo Quyết định số 428/QĐ-TTg, tổng lượng nước cần từ 7,3 tỷ m3 (2015) đến 19,5 tỷ m3 (2020), tăng lên 33 tỷm3 (2025) và năm 2030 phải đạt 46 tỷ m3. Đây là vấn đề đáng quan ngại, bởi không đủ nước làm mát và nhiệt độ nước sông hồ gia tăng có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái (Bùi Huy Phùng 2017).

Việt Nam đang chịu áp lực lớn trong đáp ứng nhu cầu cả về năng lượng và nguồn nước. Trong khi an ninh nguồn nước phải đối mặt với những thách thức suy giảm cả về số lượng và chất lượng, chính sách năng lượng chủ yếu dựa vào nhiệt điện than với lượng nước tiêu tốn lớn trong cả vòng đời (từ khai thác, xử lý than đến sản xuất và hậu sản xuất điện) có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và gây những hậu quả khó lường.

Theo Quy hoạch điện quốc gia, hệ thống nhà máy NĐT phân bổ ở cả 3 miền đất nước; những nhà máy cỡ công suất từ 600MW đến 2.000 MW sẽ tập trung ở vùng đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL). Xây dựng trong một thời gian không dài 14 nhà máy NĐT có tổng công suất gần 20.000 MW có thể là một kịch bản thiếu bền vững trong bảo vệ môi trường sinh thái của vùng đồng bằng rộng lớn.

Nước là một nguồn tài nguyên hữu hạn nhưng lại là nguồn sống cần thiết cho mọi hệ sinh thái. Những bất hợp lý trong khai thác và phân phối nguồn nước khiến nhiều vùng và nhiều người lâm vào tình trạng khan hiếm nước. Tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm của Việt Nam có khoảng 830-840 tỷ m3, nhưng trên 63% ở ngoài biên giới, chỉ gần 310 tỷ m3 được sinh ra trên lãnh thổ quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường 2016).Cùng với nước mặt hạn chế, nguồn nước ngầm được phân bổ rất thấp tại đồng bằng sông Cửu Long với bình quân đầu người chỉ đạt 84 m3/năm (Kollogg Brown 2009).

Việt Nam là một trong 10 nước có chỉ số an ninh nguồn nước thấp nhất thế giới. Thách thức nguồn nước càng trở nên nghiêm trọng hơn khi 2/3 dòng chảy từ bên ngoài với sự phân bổ không đều theo cả thời gian và không gian. Cạnh tranh, mâu thuẫn sử dụng nước gia tăng khiến nguy cơ thiếu hụt nguồn nước ở Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng (Green ID 2017).

Các nhà máy NĐT hoạt động theo nguyên tắc đun sôi nước tạo hơi quay tua bin chạy máy phát điện. Một nhà máy NĐT công suất 1.200 MW tiêu thụ 4,7 triệu m3 nước/ngày đêm. Tuy nguồn nước sau làm mát được trả về nơi cung cấp song nhiệt độ thường cao hơn trên 80 C, dễ gây sốc nhiệt đối với sinh vật cũng như phân rã chất độc trong nước, gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy, hải sản hoặc các hệ sinh thái nhạy cảm.

Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) là nơi đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản và hơn 70% các loại trái cây của Việt Nam; vùng này còn tạo ra trên 95% lượng gạo và hơn 60% sản lượng cá xuất khẩu cả nước. Dễ dàng nhận thấy, an ninh nguồn nước của ĐBSCL đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi thủy điện dòng chính Mekong. Thách thức phát triển của vùng càng được nhân lên khi tác động kép từ thủy điện của nước ngoài mở rộng trên dòng chính và chủ trương phát triển mạnh NĐT với quy mô lớn trong vùng.

Theo Quy hoạch điện VII đã điều chỉnh, từ nay đến 2030 ĐBSCL sẽ trở thành nơi tập trung NĐT lớn nhất cả nước với 14 nhà máy có tổng công suất gần 20.000MW. Với quy mô phát triển được phê duyệt, bình quân mỗi ngày tại ĐBSCL sẽ có 170 nghìn tấn than được vận chuyển bằng đường thủy. Trong khoảng đường sông từ Cần Thơ đến Trà Vinh tầu thuyền vận tải chuyển tiếp than vô cùng nhôn nhịp. Thực tế này sẽ tác động bất lợi không nhỏ đến môi trường sông nước và hệ sinh thái dưới nước của cả khu vực.

Các nhà máy NĐT hoạt động là những cỗ máy tiêu tốn nước khổng lồ. Theo ước tính, lượng nước cần thiết để làm mát 14 nhà máy NĐT ở ĐBSCL lên đến 70 triệu m3/ngày đêm, gây ảnh hưởng bất lợi cho các ngành sản xuất nông nghiệp và thủy sản, làm cho tình trạng thiếu nước vào mùa khô của vùng càng thêm nghiêm trọng (Green ID 2017).

Với quy mô phát triển công nghiệp năng lượng được phê duyệt, từ nay đến năm 2030, ĐBSCL sẽ trở thành một trong những khu vực có mật độ nhiệt điện cao nhất cả nước. Cùng với nguy cơ thiếu nước vùng đồng bằng rộng lớn này còn phải gánh chịu môt lượng rất lớn tro xỉ cùng với gia tăng khói bụi, khí thải dạng SOx, NOx từ quá trình vận hành các nhà máy nhiệt điện than. Lượng khí thải hàng chục triệu tấn khi phát tán vào không gian có độ ẩm cao hoặc sương mù hay mưa rơi sẽ tạo những trận mưa axit xuống đồng ruộng, ao, hồ, gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng, các loài thủy sinh, hệ sinh thái trên cạn và dưới nước cũng như ăn mòn vật liệu kim loại và các công trình xây dựng kiến trúc...

Giải pháp phát triển nguồn điện quốc gia

Trước thách thức an ninh lương thực và nguồn nước, cần tạo nguồn năng lượng thay thế cho nhiệt điện than. Nguồn điện thay thế cần được nghiên cứu trên cơ sở tinh toán cả về kinh tế xã hội và môi trường nhằm lựa chọn được loại hình phù hợp. Giới nghiên cứu đã tiến hành phân tích tiềm năng đáp ững nhu cầu năng lượng quốc gia theo cách tiếp cận giá thấp và đặc biệt quan tâm đến hiệu quả theo cả vòng đời của hệ thống điện. Chi phí phát sinh được tính thành chi phí sản xuất quy dẫn (LCOE) và lấy đó làm cơ sở để so sánh, đánh giá khả năng cạnh tranh. Để khẳng định tính ưu việt của năng lượng, chi phí ngoại biên dựa trên chi phí phát sinh đối với xã hội và môi trường do chất ô nhiễm từ việc phát điện gây ra là nhân tố quan trọng để lựa chọn.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chi phí xã hội và môi trường ở Việt Nam lên tới 2,26 USD/GJ đối với than, 0,12 USD/GJ cho khí đốt tự nhiên và CO2 được định giá ở mức 35 USD/tấn (IMF, 2014). Khi chi phí ngoại biên được xem xét, tính cạnh tranh kinh tế của công nghệ phát điện thay đổi rõ rệt ngay với chi phí hiện tại và công nghệ điện năng lượng tái tạo(NLTT) trở nên cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Sáng tại Phát triển Xanh (Green ID) cho thấy, giá quy dẫn có tính đến chi phí ngoại biên của công nghệ phát điện năm 2017 đối với điện mặt trời là 8,84 cent USD/KWh, điện gió 8,77 centUSD/KWh; trong khi phát điện dùng than nội địa 11, 91 cent USD/ KWh và than nhập khẩu lên tới 12,38 centUSD/KWh.Từ kết quả nghiên cứu, nhiều phân tích đã chỉ ra; điện mặt trời cạnh tranh được nhiệt điện than tại nơi có số giờ nắng từ 1.800 đến 2.000 giờ trong năm. Với giá than bình quân tiêu thụ trên thị trường từ 60 đến 80 USD/tấn; điện gió đạt hệ số công suất trên 24,5% kinh tế hơn nhiều so với NĐT (Nguyễn Văn Vỵ 2017).

Xem xét tổng hòa tác động kinh tế-xã hội và từ những kết quả nghiên cứu đạt được, các nhà phân tích cho rằng, thay thế NĐT bằng năng lượng tái tạo là việc làm cần thiết. Chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng giảm thiểu NĐT, gia tăng nhanh điện năng lượng tái tạo, tập trung vào phát triển năng lượng điện mặt trời và điện gió sẽ tạo nền tảng để đất nước vượt qua những thách thức trong ứng phó với BĐKH.

TS. Lê Thành Ý - Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/cham-dut-xay-dung-moi-nha-may-nhiet-than-giai-phap-giup-dong-bang-song-cuu-long-giam-thieu-hiem-hoa-moi-truong-62973