Chấm dứt tình trạng quy hoạch 'trăm hoa đua nở' như thời gian qua

Ngày 21/11, thảo luận tại Hội trường đóng góp ý kiến cho Dự án Luật Quy hoạch, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, do chưa có quy hoạch đúng nghĩa nên dẫn đến tình trạng quy hoạch “trăm hoa đua nở” như thời gian qua".

Công khai cho người dân tham gia công tác quy hoạch!

Mở đầu phiên thảo luận, Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đã đề cập đến nhiều nội dung như sự cần thiết lập quy hoạch tổng thể quốc gia, công tác tư vấn lập quy hoạch, hồ sơ trình tự thẩm định quy hoạch…

Theo Đại biểu này, Dự thảo Luật Quy hoạch cần quy định rõ việc công khai, minh bạch về thông tin để người dân được tham gia, giám sát quy hoạch. Theo đó, cần bổ sung thêm quy định các quy hoạch có liên quan nhiều đến cộng đồng dân cư cần được công bố công khai, rộng rãi để nhân dân biết, tại trụ sở UBND các cấp. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định về chế tài xử phạt trường hợp không công khai hoặc thông tin không chính xác, đầy đủ về các quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng quan điểm, Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) thống nhất quan điểm mục tiêu xây dựng Luật Quy hoạch đã được nêu trong tờ trình của Chính phủ.

“Tổ chức quy hoạch có sự chồng chéo, chưa thống nhất cơ sở hạ tầng nên dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Quá trình quy hoạch hạ tầng có hiện tượng xây rồi lại phá dẫn đến lãng phí. Tôi đề nghị quy định lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư có liên quan trong quy hoạch", bà Lan đề nghị.

Nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết ban hành luật này., Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, do chưa có quy hoạch đúng nghĩa nên dẫn đến tình trạng quy hoạch “trăm hoa đua nở” như thời gian qua".

Theo ông Thắng, Dự thảo Luật Quy hoạch cần có quy định về dự báo trong kế hoạch thực hiện.

"Trong quá trình thực hiện cần phải có hoạt động dự báo hàng năm. Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm dự báo nhu cầu hàng năm, trả lời chất vấn về vấn đề này mới đây trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, Bộ có dự báo nhu cầu đào tạo hàng năm nhưng chưa được thực hiện tốt”, ông Thắng nói.

Về vấn đề phản biện trong lập quy hoạch, Đại biểu này cho rằng: “Mọi quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên đều phải có hội đồng thẩm định, cơ quan lập quy hoạch hoàn chỉnh quy hoạch, trên cơ sở kết luận của hội đồng thẩm định rồi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Cả cơ quan lập quy hoạch và cơ quan thường trực của hội đồng thẩm định đều phải lấy ý kiến hoặc tham vấn ý kiến của nhiều đối tượng khác nhau. Tôi nhấn mạnh đến ý kiến tham luận, phản biện phải độc lập và tham vấn ý kiến của nhiều thành phần khác nhau, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật”.

Đại biểu Phạm Tất Thắng góp ý cho Dự án Luật Quy hoạch sáng 21/11. Ảnh: VPQH.

Quy hoạch cần có sự đồng bộ, trên xuống dưới, lớn đến nhỏ!

Một số ý kiến góp ý cho Luật Quy hoạch đã cho rằng, các Quy hoạch cần có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động quy hoạch đang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), sự phát triển của đất nước có một phần đóng góp không nhỏ của quy hoạch đi trước. Tuy nhiên, tình trạng quy hoạch lập quá nhiều, chất lượng hạn chế là một trong những điều cần khắc phục. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo gây khó khăn cho quy hoạch...

“Cần phân tích, làm rõ những vấn đề mang tầm quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia… có tính chất vô cùng quan trọng đến kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định để phù hợp tinh thần Hiến pháp về thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định chỉ tiêu, mục tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội và vấn đề quan trọng của đất nước”, Đại biểu này dề nghị.

Còn Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đưa ý kiến: “Thống nhất quy hoạch được làm từ trên xuống dưới, tạo điều kiện cho quy hoạch và phát huy hệ thống chính sách để phát triển đất nước. Một số quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn xa hơn, tránh lãng phí, phí hủy không gian, có thể ảnh hưởng đến các giai đoạn sau”.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng quy hoạch cấp dưới cần phù hợp với quy hoạch cấp trên, như vậy, dữ liệu quy hoạch tổng thể quốc gia phải có trước, làm cơ sở cho cấp dưới đối chiếu.

Cho rằng hoạt động quy hoạch có 3 nhóm hoạt động cần được phân định rõ, đại biểu Trịnh Ngọc Phương – đoàn Tây Ninh kiến nghị: nhóm thứ nhất, hoạt động thực hiện chức năng của hệ thống, bảo đảm sự tồn tại của hệ thống. Nhóm thứ hai, cần xây dựng phần vật chất của hệ thống – hoạt động mang tính nền tảng của hệ thống. Nhóm thứ 3 là sử dụng tài nguyên đầu vào và xử lý chất thải đầu ra của hệ thống.

Trên cơ sở đó, đại biểu Phương kiến nghị, cần quy hoạch hướng cho hoạt động kinh tế bao gồm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... Hai là quy hoạch xây dựng, định hướng cho hoạt động xây dựng, kết cấu hạ tầng và không gian đô thị. Ba là quy hoạch sử dụng tài nguyên, đất đai, khoáng sản.

Trước đó, các đại biểu khi góp ý dự thảo luật Quy hoạch đã đề nghị Quốc hội cần phải xem xét làm rõ một số nội dung như phạm vi, đối tượng, các điều cấm... để chấn chỉnh ngay tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch tràn lan, chồng chéo, gây lãng phí, không hiệu quả.

Hữu Tuấn

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/cham-dut-tinh-trang-quy-hoach-tram-hoa-dua-no-nhu-thoi-gian-qua-d54950.html