Chấm dứt tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu... ở cán bộ thi hành công vụ

Đây là thông điệp mạnh mẽ tại dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tại phiên họp Chính phủ ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Dự thảo Nghị quyết nêu 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chi tiết được phân theo thẩm quyền: Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể quyết nghị ngay; nhóm giải pháp Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định; và nhóm nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ quyết nghị chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện ngay trong phạm vi chức năng, thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp - Nguồn: VGP

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp - Nguồn: VGP

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tổng hợp, các ý kiến của các bộ, cơ quan, địa phương và các hiệp hội ngành, nghề, doanh nghiệp tập trung vào 05 nhóm vấn đề: Đề nghị miễn, giảm các loại thuế; đề nghị miễn, giảm các loại phí, lệ phí; đề nghị giãn, hoãn thời gian nộp thuế, tập trung vào thuế xuất khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước đến hết tháng 12 năm 2020; cho phép áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài; về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với đó, còn có một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, như các nội dung liên quan đến giảm thuế.

Dự kiến giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp

Theo dự thảo, Chính phủ quyết nghị thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thu hút vốn đầu tư toàn xã hội; đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, ngoài các giải pháp về miễn, giảm, hoãn nộp, gia hạn tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí, giá…, Chính phủ dự kiến giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, cho phép áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với các quy định về phòng, chống dịch. Nghiêm cấm phân biệt, kỳ thị người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam…

Cắt giảm 30% kinh phí hội họp, đi công tác trong nước; 50% kinh phí đi công tác nước ngoài của các bộ, cơ quan và địa phương.

Về thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp; không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu kép: phòng, chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo giai đoạn.

Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới như công tác quy hoạch; hạ tầng; công tác đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo về năng lượng; cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với quy định về phòng chống dịch COVID-19 và ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành kế hoạch giải ngân

Nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; chấm dứt tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và các Chỉ thị của Thủ tướng, rà soát lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra để hạn chế, giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính còn chồng chéo, vướng mắc, không cần thiết trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan mình; tích cực đẩy nhanh việc xem xét, phê duyệt hồ sơ của các dự án đầu tư cho sản xuất kinh doanh còn đang tồn đọng; có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với cá nhân, tập thể suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong xử lý công vụ.

Về đầu tư công, tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công…

Dự thảo cũng nêu rõ, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan...

Hà Giang (T/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cham-dut-tinh-trang-quan-lieu-nhung-nhieu-o-can-bo-thi-hanh-cong-vu-20200505154325104.htm