Chấm dứt thả nổi cung đường phượt đẹp và nguy hiểm nhất Việt Nam

Sau khi xảy ra các vụ tai nạn khiến 2 phượt thủ tử vong trên cung đường phượt trứ danh Tà Năng - Phan Dũng, hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận thống nhất sẽ có các biện pháp quản lý để giảm thiểu rủi ro cho du khách, bảo vệ môi trường rừng phòng hộ đầu nguồn.

Cung đường trekking tuyệt đẹp Tà Năng-Phan Dũng

Ngày 11/6, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, cho biết: Sở đã đạt được thỏa thuận với cơ quan cùng cấp của tỉnh Bình Thuận về việc thống nhất quản lý tuyến du lịch trekking Tà Năng - Phan Dũng.

Đây là một trong những cung đường phượt đẹp nhất Việt Nam, thu hút nhiều nhà leo núi chuyên nghiệp và cả những “phượt thủ” trẻ cùng thử sức. Tuy nhiên đây cũng là cung đường rất khó chinh phục và đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa bởi địa hình đồi núi, thác ghềnh hiểm trở.

Du khách sẽ di chuyển hàng chục km từ độ cao 1.100m ở xã Tà Năng (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) xuống độ cao 500m so với mực nước biển ở xã Phan Dũng (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) với nhiều trải nghiệm như: Băng rừng, leo đèo, lội suối, vượt thác...

Hiện cung đường phượt Tà Năng - Phan Dũng có 3 hướng đi. Các cơ quan chức năng sẽ cắm hàng chục biển chỉ đường, cảnh báo nguy hiểm, thông tin hướng dẫn song ngữ Việt - Anh với từng hướng. Cụ thể, ở hướng đi vào khu vực thác Yatly, sẽ được lắp đặt một số tấm biển chỉ dẫn đường vào thác.

Hướng vào thác La Phào, khu vực đặc biệt nguy hiểm mà phượt thủ Thi An Kiện (24 tuổi, đến từ TP.HCM) đã tử nạn vào tháng 5 vừa qua sẽ lắp biển cảnh báo cấm vào.

Một phượt thủ tử nạn tại thác La Phào

Hướng thứ 3 là khu vực Đường Bo, quãng đường dễ đi nhất, sẽ có các tấm biển hướng dẫn chỉ đường, số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ du khách.

Một trạm kiểm soát sẽ được lắp đặt tại khu vực đầu tuyến (xã Tà Năng) để kiểm tra điều kiện đi phượt của từng đoàn. Các nhóm tự phát, không có tổ chức sẽ không được tham gia tuyến du lịch trekking Tà Năng - Phan Dũng.

Chỉ chấp nhận những tour có tổ chức, có đơn vị chịu trách nhiệm, hướng dẫn viên, có chương trình đăng ký với cơ quan chức năng và danh sách đoàn; trang bị đầy đủ vật dụng cần thiết, dụng cụ hỗ trợ để bảo đảm an toàn trước khi vào rừng.

Chính quyền địa phương và các ban quản lý rừng phối hợp ứng phó khi xảy ra sự cố đối với du khách tham gia phượt: tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn… Du khách cần nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo vệ các loại động, thực vật, phòng cháy chữa cháy, giữ gìn vệ sinh môi trường, đồng thời tôn trọng văn hóa của người dân địa phương.

Kim Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cham-dut-tha-noi-cung-duong-phuot-dep-va-nguy-hiem-nhat-viet-nam-1283230.tpo