Chấm dứt lợi ích nhóm lũng đoạn quy hoạch

“Phải khắc phục triệt để lợi ích nhóm trong quy hoạch bằng việc xác lập các chế tài ràng buộc đối với người phê duyệt, trách nhiệm là liên tục, kể cả khi đã về hưu vẫn bị xử lý ...", ĐB Hạ nói.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Tạ Văn Hạ phát biểu thảo luận

Thảo luận dự thảo luật Quy hoạch lần đầu trình Quốc hội, các đại biểu hôm qua (21.11) đề nghị luật phải bổ sung thêm nhiều hành vi cấm, tăng cường chế tài, làm rõ trách nhiệm để chấm dứt tình trạng lợi ích nhóm lũng đoạn, trục lợi trong quy hoạch .

Theo ĐB Nguyễn Văn Để (Sóc Trăng), luật đưa ra 8 điều cấm là hết sức cần thiết, nhưng vẫn chưa làm rõ được trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức khi vi phạm; không đưa ra được chế tài cụ thể, thật sự nghiêm minh để chấn chỉnh tình trạng quy hoạch nửa vời, quy hoạch treo.

Phải khắc phục triệt để lợi ích nhóm trong quy hoạch bằng việc xác lập các chế tài ràng buộc đối với người phê duyệt, trách nhiệm là liên tục, kể cả khi đã về hưu vẫn bị xử lý

ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu)

Đường thẳng được nắn cong mềm mại

ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng cho rằng các quy định cấm trong dự thảo luật chưa đủ. “Trên thực tế, thời gian qua đã xảy ra tình trạng xây dựng, quy hoạch kém chất lượng, quy hoạch bị lái theo lợi ích nhóm hoặc bị điều chỉnh một cách tùy tiện, làm thiệt hại cho nhà nước và doanh nghiệp, gây bất bình trong nhân dân. Ví dụ, có những con đường đang thẳng mà được quy hoạch, điều chỉnh để biến thành cong và cong mềm mại”, ĐB Hạ phản ánh, đồng thời đề nghị luật cần tập trung vào việc ngăn cấm các hành vi lũng đoạn quy hoạch, lợi dụng quy hoạch để trục lợi, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, nhiệm kỳ sau điều chỉnh quy hoạch của nhiệm kỳ trước, đây là tư duy nhiệm kỳ. “Phải khắc phục triệt để lợi ích nhóm trong quy hoạch bằng việc xác lập các chế tài ràng buộc đối với người phê duyệt, trách nhiệm là liên tục, kể cả khi đã về hưu vẫn bị xử lý như tinh thần của kỳ họp này đã xác định”, ĐB Hạ lưu ý.

Các ĐB đều nhất trí việc cần thiết phải sớm ban hành luật để khắc phục tình trạng “bát nháo” trong quy hoạch. “Luật quy hoạch ban hành càng sớm càng tốt, vì lãng phí trong quy hoạch còn hơn rất nhiều việc tham ô, tham nhũng. Rất nhiều lãng phí về quy hoạch nhưng chúng ta chưa xem xét đến”, ĐB Phạm Quang Dũng (Nam Định) nói.

ĐB bức xúc với báo cáo dài dòng, phản cảm

Giữa phiên thảo luận, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bấm nút xin tranh luận sau phần đọc báo cáo khá dài dòng của một số ĐB. Ông nói: “Nhiều người tâm sự với tôi, các ĐB chuẩn bị một bài phát biểu sau đó đến đọc trùng với ý của người trước. Tôi xin nói một điều chân thành trước QH, chúng ta không nên trình bày dài dòng, không chất lượng gây ra sự phản cảm lắm”.

ĐB Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) cũng đề xuất sớm ban hành luật để chấm dứt tình trạng có quá nhiều quy hoạch, thiếu sự thống nhất, chồng chéo... gây lãng phí, tổn thất, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển. Đơn cử giai đoạn 2001 - 2010 có tới 3.000 quy hoạch, từ 2011 - 2020 có tới hơn 19.000 quy hoạch...

Quy hoạch bầu trời là quy hoạch thế nào ?

Quy hoạch bầu trời liên quan đến an ninh quốc phòng, an toàn hàng không rất quan trọng, nhưng dự thảo luật chưa đề cập đến. Vì vậy, nhiều ý kiến góp ý Chính phủ cần bổ sung thêm. ĐB Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cho biết vấn đề này hiện khá bức xúc, nhằm đảm bảo an toàn giữa hoạt động hàng không dân dụng và tập luyện của quân đội...

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tiếp thu ý kiến của các ĐB, đặc biệt tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch tràn lan, chia cắt, cát cứ, lãng phí… Về ý kiến của ĐB Cò về quy hoạch bầu trời, ông Dũng nói: “Chúng tôi đã bàn bạc nhưng không hình dung được quy hoạch bầu trời là quy hoạch thế nào. Chỉ biết nó là ranh giới lãnh thổ giữa các quốc gia với nhau về bầu trời để xác định không xâm phạm không phận của nhau. Trong một bầu trời như thế này các máy bay bay trên trời được tự do, quan trọng là quản lý, điều hành bay và phối hợp giữa các cơ quan, mình không có giới hạn ai được bay đến đâu và chiều cao của bầu trời không xác định được”.

Băn khoăn quyền nổ súng

Thảo luận ở hội trường liên quan đến việc nổ súng được quy định tại dự án luật Cảnh vệ chiều 21.11, ĐB Dương Đình Thông (Bắc Giang) cho rằng nổ súng là hành vi cần thiết, được quy định trong lực lượng cảnh vệ, nhưng cần được quy định chặt chẽ để không vi phạm quyền con người, quyền công dân. ĐB này viện dẫn sang luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cho rằng giữa hai luật chưa có sự đồng bộ, thống nhất dẫn đến cách hiểu khác nhau.

ĐB Nguyễn Trọng Bình (Hải Phòng) cũng cho rằng việc sử dụng vũ khí của lực lượng cảnh vệ là cần thiết, nhưng quy định như dự thảo còn sơ sài và trao quyền tự quyết quá lớn cho lực lượng cảnh vệ. Việc quy định cho lực lượng cảnh vệ có quyền nổ súng tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp là không cần thiết và không phù hợp với tinh thần đổi mới tích cực liên quan đến quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Một số ĐB cũng cho rằng cần xem lại biện pháp, chế độ cảnh vệ với các nguyên lãnh đạo cấp cao (nguyên Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội và nguyên Thủ tướng Chính phủ), nhằm tránh cứng nhắc, tạo ra những hình ảnh xa rời dân. Theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP.Hà Nội), cần thiết phải hỏi ý kiến những người được bảo vệ về vấn đề này...

Giải trình thêm trước Quốc hội về đề nghị quy định cụ thể hơn trong việc nổ súng, phải phù hợp với dự luật về quản lý, sử dụng vũ khí cũng như nguyên tắc của việc phòng vệ chính đáng, thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết các ý kiến nêu trên là hợp lý. Ban soạn thảo sẽ chỉnh lý các điều khoản liên quan, tiếp thu quy định cụ thể, đảm bảo quyền công dân và tạo điều kiện để lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ.

Anh Vũ - Trường Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/cham-dut-loi-ich-nhom-lung-doan-quy-hoach-767356.html