Chấm dứt kỷ nguyên của những 'chim sắt' khổng lồ

Dù được hành khách, những người đam mê hàng không yêu thích, máy bay chở khách lớn nhất thế giới A380 giờ đây phải 'ra khỏi đường băng' sau khi Airbus quyết định ngừng sản xuất loại này.

Dù được hành khách, những người đam mê hàng không yêu thích, máy bay chở khách lớn nhất thế giới A380 giờ đây phải “ra khỏi đường băng” sau khi Airbus quyết định ngừng sản xuất loại này.

Lý do để “chim sắt” khổng lồ này buộc phải nói lời từ biệt rất đơn giản: nó không thể chiến thắng được nhóm thực sự quan trọng - các hãng hàng không. Airbus quyết định từ bỏ giấc mơ thống trị bầu trời do doanh số yếu. Trong thông báo phát đi, Airbus cho biết chiếc A380 cuối cùng sẽ được chuyển giao vào năm 2021 và việc chế tạo sẽ chính thức ngừng sau đó, 12 năm sau khi A380 được đưa vào hoạt động.

Quyết định tạm dừng sản xuất siêu máy bay A380 là hành động cuối cùng trong chuyến phiêu lưu công nghiệp lớn nhất của Châu Âu và phản ánh sự khan hiếm đơn đặt hàng từ các ông chủ hãng hàng không, vốn không hài lòng với các máy bay phản lực lớn của Airbus. Quyết định này cũng phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ của các hãng hàng không, đó là tránh xa máy bay siêu lớn và tìm kiếm các máy bay nhỏ hơn, hiệu quả hơn, đốt cháy ít nhiên liệu hơn. Và nó cũng đánh dấu kết thúc “Giấc mơ Châu Âu” của Airbus kể từ khi ra mắt chiếc A380 đầu tiên.

Các máy bay chở khách khổng lồ từng là tương lai của hàng không thế giới. Nó gây ấn tượng ngay lập tức với hành khách, vốn rất thích thúc với những chuyến đi trên tầng hai và say sưa trong sự mới lạ khi đi lên và xuống cầu thang trong máy bay. Cũng như Airbus, Boeing đã bán hơn 1.500 máy bay khổng lồ kể từ khi chiếc Boeing 747 mang tính biểu tượng bắt đầu chuyến bay đầu tiên qua bang Washington 50 năm trước. Các hãng hàng không cũng yêu thích Boeing 747. Và A380 được phát triển với chi phí 25 tỷ USD, nhưng việc đặt cược vào một máy bay có khả năng chở hơn 800 người là ván cờ sai lầm. A380 thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào năm 2007, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lưu lượng khách giảm mạnh khi cuộc khủng hoảng diễn ra, khiến ngành công nghiệp này mất đi 2 năm tăng trưởng.

Trong những năm sau đó, nhiều hãng hàng không chủ yếu tập trung vào các chuyến bay ngắn giữa các sân bay khu vực. Sự tăng trưởng bùng nổ của các hãng hàng không khu vực giá rẻ như Ryanair đã củng cố xu hướng đó và các đơn đặt hàng chủ yếu nhắm các máy bay nhỏ hơn như Boeing 787 và Airbus A320. Chi phí nhiên liệu tăng và nỗ lực để giảm lượng khí thải carbon đã giáng một đòn cuối cùng vào các máy bay khổng lồ như A380, vốn có đến 4 động cơ thay vì hai động cơ như thông thường. A380 đã bị tuyên bố “khai tử”. Và Boeing 747 được dự đoán sẽ sớm gặp số phận tương tự khi “Nữ hoàng bầu trời” đã bị mọi hãng hàng không lớn của Mỹ bỏ rơi.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_202224_cham-dut-ky-nguyen-cua-nhung-chim-sat-khong-lo.aspx