Chuyển đổi số không thể làm theo kiểu tư duy nhiệm kỳ

Những chương trình chuyển đổi số cần phải có chiến lược dài hạn để có tính kế thừa. Nếu doanh nghiệp đầu tư vào một dự án đô thị thông minh mà cứ mỗi một nhiệm kỳ lại có sự thay đổi thì không thể thực hiện thành công.

Xác định đi đầu cả nước về chuyển đổi số

Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, tháng 7/2020, UBND TPHCM đã có Quyết định số 2393 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số. TPHCM xác định chuyển đổi số là một xu thế trên toàn cầu, thành phố có vai trò đi đầu trong cả nước bởi đây là địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp tiên phong trong các dịch vụ kỹ thuật số hướng tới việc trở thành đô thị thông minh.

TPHCM đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên. Kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%.

TPHCM đang khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

TPHCM đang khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

Hiện TPHCM đang khuyến khích, ưu tiên chuyển đổi số cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực y tế và giáo dục. Tập đoàn Sao Mai là doanh nghiệp công nghệ, chuyên về xây dựng các mô hình giáo dục thông minh. Đây là một trong số ít đơn vị tại TPHCM tập trung vào việc cấu trúc, hoàn thiện một trường học thông minh. Ông Đào Ngọc Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai cho biết hiện đang cung cấp các sản phẩm như bục giảng thông minh, bàn ghế thông minh… sử dụng mạng internet để tương tác, tăng hiệu quả dạy và học.

“Tôi tin rằng những giải pháp này từ các tập đoàn, hãng lớn trên thế giới kết hợp với các chuyên gia trong nước thì giải pháp của Sao Mai sẽ mang lại giá trị thiết thực đối với các trường học thông minh tại TPHCM”, ông Đào Ngọc Hoàng Giang nói.

TPHCM đang khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

Ông Ngô Vĩnh Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ đầu tư nguồn lực tham gia sâu vào chương trình chuyển đổi số của TPHCM.

“Đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp đầu tư trước cho thành phố thuê, hoặc thành phố cùng hợp tác với doanh nghiệp triển khai để ra một mô hình kinh doanh giúp doanh nghiệp thu hồi vốn. Tôi nghĩ những thành phố lớn như TPHCM nên thúc đẩy mô hình hợp tác với doanh nghiệp cùng đầu tư”, ông Ngô Vĩnh Quý nêu ý kiến.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ từ chính quyền

Mặc dù lãnh đạo TPHCM có quyết tâm cao trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, nhưng quá trình này vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng nhóm nghiên cứu về chuyển đổi thông minh, Đại học RMIT nhận định, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện mới chỉ dừng ở mức bắt đầu quan tâm đến chuyển đổi số.

Theo ông Trung, điểm nghẽn khiến việc chuyển đổi số còn chậm chạp là do doanh nghiệp thiếu kinh phí, năng lực hạ tầng số và năng lực chuyển đổi hạn chế, nhận thức của lãnh đạo chưa đầy đủ. Chỉ một số ít doanh nghiệp có tầm nhìn, có năng lực thì mới bắt nhịp với chuyển đổi số. Ông Trung cho rằng, để thúc đẩy mạnh hơn quá trình chuyển đổi số thì cần hỗ trợ từ chính quyền.

Tập đoàn Sao Mai là số ít doanh nghiệp cung cấp giải pháp giáo dục thông minh

“Thứ nhất, miễn một số loại thuế, phí để doanh nghiệp có nguồn kinh phí đầu tư. Thứ hai là các chương trình hỗ trợ, đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đi vào thực chất, sát với nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quang Trung khuyến nghị.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Ban Kinh doanh Chiến lược Tập đoàn FPT kiến nghị, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần cải thiện, thiết lập lại một số quy định để thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số phát triển hơn. Ngoài ra, những chương trình chuyển đổi số cần phải có chiến lược dài hạn để có tính kế thừa. Nếu doanh nghiệp đầu tư vào một dự án đô thị thông minh mà cứ mỗi một nhiệm kỳ lại có sự thay đổi thì không thể thực hiện thành công.

“Thực sự doanh nghiệp cũng đang đi mày mò để làm chuyển đổi số. Giả sử nhà nước hoặc các hội, ngành có thể đầu tư trước. Làm sao tạo ra một cái gì đó có thể tái sử dụng được thì doanh nghiệp sẽ bớt bị vấp ngã. Dựa trên nền đấy bắt đầu đổi mới sáng tạo thì cơ hội thành công cao hơn rất nhiều”, ông Phan Thanh Sơn cho hay.

TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, do đó việc thực hiện chuyển đổi số thành công sẽ đem lại lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua chuyển đổi số, người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi, giảm gánh nặng thủ tục phiền hà, đồng thời tận dụng thành quả khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, rất cần sự đầu tư, tạo cơ chế thuận lợi hơn từ chính quyền thành phố để doanh nghiệp tham gia./.

Duy Phương/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chuyen-doi-so-khong-the-lam-theo-kieu-tu-duy-nhiem-ky-814655.vov