Châm cứu chữa đau cổ vai gáy, nam bệnh nhân nhiễm loại vi khuẩn nguy hiểm

Đầu năm 2021, Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn - Chăm sóc vết thương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp người bệnh nam (56 tuổi, Hải Phòng) chuyển đến trong tình trạng bị 'áp xe cổ'.

Qua khai thác cho thấy người bệnh có tiền sử thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nhiều năm, thường xuyên đau vai gáy và vận động cổ khó khăn. Vì sợ động “dao kéo”, gia đình và người bệnh đã quyết định tìm đến phương pháp điều trị Đông y - châm cứu, thủy châm…

Sau lần châm cứu gần đây người bệnh xuất hiện sốt, đau cổ tăng… ngay lập tức được gia đình đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vơídấu hiệu nhiễm trùng, đau cổ nhiều, nuốt vướng. Trên phim chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ xác định có 2 ổ áp xe phía trước cột sống và cạnh cổ trái.

Người bệnh đã được chỉ định phẫu thuật nhằm dẫn lưu, phá bỏ ổ áp xe, kết quả vi sinh đúng như dự đoán từ trước là vi khuẩn Staphylococcus Aureus (tụ cầu vàng). Kíp mổ có sự phối hợp các bác sĩ khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng của bệnh viện. Ngay sau phẫu thuật, người bệnh đã đỡ khó thở, ngày thứ 3 ăn uống trở lại bình thường, người bệnh ổn định và đã ra viện sau 7 ngày phẫu thuật.

Ths. Phạm Vũ Hùng, Phụ trách khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người trực tiếp phẫu thuật cho người bệnh chia sẻ: Thông thường các áp xe trung thất được dẫn lưu mủ qua các đường vùng cổ, ngực nếu vỡ ở trung thất ngực hoặc kết hợp cả hai cổ và ngực.

Tuy nhiên trường hợp này chúng tôi phải kết hợp dẫn lưu từ trong họng ra với các dụng cụ chuyên dụng của bác sĩ khoa tai mũi họng. Sau phẫu thuật bệnh nhân được điều trị kháng sinh phù hợp có tác dụng đến tụ cầu vàng nên bệnh tiến triển tốt mà không để lại biến chứng gì nguy hiểm.

PGS.TS Nguyễn Đức Chính, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Thực tế điều trị châm cứu cũng như điều trị đông y đã có từ lâu và hiệu quả trong nhiều bệnh lý.

BS chăm sóc cho bệnh nhân. Ảnh BVCC

BS chăm sóc cho bệnh nhân. Ảnh BVCC

Tuy nhiên, cũng như những can thiệp điều trị cần tuân thủ việc vô khuẩn vô trùng khi thực hiện kỹ thuật. Vi khuẩn phân lập được là bằng chứng việc lây nhiễm dụng cụ. Hơn nữa chúng tôi cũng khuyến cáo áp xe trung thất là bệnh lý nặng và phức tạp cần được phát hiện và xử lý sớm ở các trung tâm y tế có uy tín.

Áp xe trung thất là một bệnh lý nhiễm trùng nặng của tổ chức liên kết nên có tính chất lan rộng, đặc biệt những trường hợp lan rộng vùng ngực rất nguy hiểm nguy cơ tử vong cao do biến chứng vỡ vào mạch máu lớn, vào màng tim, tràn mủ màng phổi. Mặc dù có những tiến bộ về điều trị và hồi sức nhưng cho đến nay tử vong do bệnh lý áp xe trung thất vẫncao (gần 60% trong một số các báo cáo). Bệnh nhân chủ yếu tử vong trong bệnh cảnh nhiễm trùng nhiễm độc nặng hoặc chảy máu cấp tính.

Nguyên nhân dẫn đến áp xe trung thất do nhiễm trùng vùng họng như nhiễm trùng răng, miệng, tổn thương thủng thực quản do chấn thương như hóc xương hoặc bệnh lý vỡ thực quản tự phát trong hội chứng Boerhaave. Tuy nhiên, còn có nguyên nhân hay gặp ở các nước sau can thiệp y tế gọi là iatrogenic complication tức là biến chứng gây nên do thày thuốc ví dụ vỡ thực quản sau nội soi nong thực quản, thủng thực quản sau mổ đặt implant cột sống cổ… Trường hợp vừa điều trị tại khoa cũng là một dạng biến chứng sau can thiệp y tế khá hiếm.

Đối với các trường hợp áp xe trung thất do trực tiếp tổn thương hầu họng, thực quản, các vi khuẩn hay gặp là Gram (+) phổ biến Streptococcus species, Enterococcus faecalis, Acinetobacter Baumanii; Gram (-) phổ biếnKlebsiella pneumonie, Pseudomonas aeruginosa … tồn tại nội sinh trong các khoang, hốc của cơ thể. Tuy nhiên trường hợp này vi khuẩn phân lập được là Staphylococcus Aureus(tụ cầu vàng) chỉ có ở lớp phủ bên ngoài và xâm nhập vào bên trong gây bệnh qua mũi kim châm.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/vi-khuan-tu-cau-vang-cuu-nguoi-benh-bi-ap-xe-co-do-cham-cuu-278926.html