Chăm chút 'lá phổi' của TPHCM - Bài 1: Teo tóp mảng xanh

LTS: Tốc độ đô thị hóa và tốc độ tăng dân số cơ học của TPHCM diễn ra rất nhanh, nhưng diện tích cây xanh lại tăng chậm, khiến thành phố ngày càng trở nên ngột ngạt, nhất là mùa nắng nóng. Trong khi đó, một số công viên thường bị dùng để tổ chức hội chợ, triển lãm, hay biến thành bãi giữ xe, quán cà phê..., khiến không gian sinh hoạt của người dân bị thu hẹp.

TPHCM đang khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng công viên công cộng, xen cài các loại hình khai thác phù hợp, tạo thêm tiện ích cho người dân thành phố.

Trẻ em thành phố thích thú với những mảng xanh quý giá ở Công viên Tao Đàn, quận 1. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trẻ em thành phố thích thú với những mảng xanh quý giá ở Công viên Tao Đàn, quận 1. Ảnh: VIỆT DŨNG

TPHCM ngay từ khi hình thành đã có nhiều công viên quy mô lớn, nằm ở những vị trí đắc địa, góp phần tạo cảnh quan và đóng vai trò là “lá phổi” của thành phố. Tuy nhiên, trước áp lực dân số gia tăng, không ít công viên đang bị “xẻ thịt”, chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán và làm dịch vụ. Tình trạng này đang gây mất cân bằng môi trường sống, bó hẹp nơi vui chơi, thư giãn cho người dân thành phố.

Nội đô: Lấn chiếm công khai

TPHCM đặt chỉ tiêu giai đoạn 2020-2025 tăng thêm tối thiểu 150ha đất công viên và 10ha mảng xanh công cộng. Mục tiêu đến năm 2030, đất công viên cây xanh (CVCX) ở thành phố đạt 1m²/người, tăng 450ha so với năm 2020. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều công viên lớn, mảng xanh tại thành phố hiện đang bị lấn chiếm, “xẻ thịt” hoặc sử dụng sai công năng.

Rảo một vòng quanh các công viên trên địa bàn thành phố, chúng tôi ghi nhận hầu như không có công viên nào hoạt động đúng công năng. Tại Công viên Gia Định (đoạn tiếp giáp giữa quận Phú Nhuận và quận Gò Vấp) từ lâu đã trở thành khu vực tập trung quán cà phê, rạp xiếc, bãi giữ xe, nằm chắn một góc công viên tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp).

Một góc Công viên Lê Thị Riêng (quận 10) bị chiếm dụng làm bãi giữ xe tạm. Ảnh: ANH TUẤN

Phía góc đường Đặng Văn Sâm, Hoàng Minh Giám có rất nhiều xe bán hàng lưu động với đủ loại đồ ăn vặt, thức uống, bày bàn ghế bán trên vỉa hè; thậm chí người bán hàng rong ngang nhiên đậu xe dưới lòng đường, gây cản trở, ách tắc giao thông. Chú Nguyễn Văn S., một người dân sống lâu năm ở đây, cho biết: “Giờ buổi chiều muốn đi dạo cũng khó, vì chỗ nào trống là bị lấn chiếm buôn bán hết rồi, chưa kể ồn ào không chịu được”.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở CVCX trên đường Phạm Huy Thông (phường 17, quận Gò Vấp). Trước đây, nơi này từng là dòng kênh ô nhiễm. Sau khi được cải tạo thành cống hộp và mở đường lớn, một phần diện tích ở giữa đường được quy hoạch thành công viên để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân trong vùng. Vào chiều tối mỗi ngày, CVCX này lại trở thành địa điểm để các hàng quán chiếm dụng, kê bàn ghế ra kinh doanh.

Tại địa bàn quận 10, Công viên văn hóa Lê Thị Riêng cũng bị nhiều hàng quán lấn chiếm, xây dựng bề thế, hàng rong, xe đẩy đua nhau hoạt động ngay trong khuôn viên. Ngay cổng chính công viên ở đường Cách Mạng Tháng Tám là một bãi giữ xe lớn, bên cạnh khu nhà vệ sinh công cộng là một quán cà phê hoạt động công khai nhiều năm qua. Tại đây, một phần lớn diện tích đã được cho thuê làm sân khấu ca nhạc, nhà sách, siêu thị và bán cây xanh, hoa kiểng. Phía trong Công viên Gia Phú (quận Tân Phú) cũng rơi vào tình trạng tương tự, hàng loạt cửa hàng, quán nước bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán. Dù mang tiếng là CVCX nhưng hầu như rất ít người dân lui tới để thư giãn. Ông Mai Văn Hồng (65 tuổi), ngụ đường Bờ Bao Tân Thắng (quận Tân Phú) cho hay: “Mặc dù nơi này là công viên nhưng chúng tôi rất ái ngại khi bước vào đây, bởi cứ đoạn nào được rải bê tông là đoạn đó đều bị hàng quán lấn tới, chủ quán kê bàn ghế, chiếm địa bàn để buôn bán”.

Không chỉ bị lấn chiếm, nhiều nơi CVCX còn bị bê tông hóa. Công viên Văn Lang (quận 5) được xem là một trong những CVCX có diện tích bê tông hóa lớn nhất thành phố. Toàn bộ công viên gần như được lát đá granite cùng hệ thống đèn màu, kết hợp ánh sáng, nhạc nước để phục vụ nhu cầu giải trí, tập thể dục của người dân. Tuy nhiên, việc bê tông hóa phần lớn diện tích đã khiến cây xanh thiếu sức sống, chết dần, mảng xanh công viên đang bị thu hẹp. Bà Nguyễn Thị Sáu (60 tuổi), ngụ đường Hồng Bàng (quận 5), cho biết: “Giữa thời tiết oi bức ngột ngạt, người dân rất cần các mảng xanh đô thị để vui chơi, giải trí. Tại công viên này, nhiều cây cổ thụ ngày trước nay trơ trụi lá, do lượng nước mưa không xuống được lòng đất, mạch nước ngầm cạn, các mảng xanh thu hẹp. Nhìn các cây xanh ngày càng thiếu sức sống, chúng tôi rất đau xót”.

Công viên 23-9 được ví như “lá phổi” của khu trung tâm TPHCM, nhưng hiện nay một phần diện tích công viên đang bị “xẻ thịt”, sử dụng sai công năng. Phần khác là bãi đậu xe buýt, bãi giữ xe gắn máy. Đáng chú ý, một diện tích rất lớn của công viên được trưng dụng làm sân khấu Sen Hồng, khu thương mại mua sắm, ăn uống ở dưới lòng đất. Hàng loạt cây xanh trong công viên bị triệt hạ, thảm cỏ bị đào bới để lấy mặt bằng, việc bê tông hóa ồ ạt khiến công viên này bị thu hẹp diện tích rất lớn.

Vùng ven: Đất rộng, công viên hẹp

Trong các đồ án trên địa bàn TPHCM, đất quy hoạch CVCX có tới 11.400ha, nhưng toàn thành phố hiện chỉ có khoảng 510ha công viên. Với diện tích này, chỉ tiêu đất công viên công cộng của thành phố đạt bình quân 0,55m²/người, trên quy mô dân số gần 10 triệu người. Chỉ tiêu này không đạt quy chuẩn của Bộ Xây dựng về quy hoạch xây dựng tối thiểu là 2m²/người đối với đất cây xanh sử dụng công cộng tại đơn vị (công viên khu dân cư) và hơn 7m²/người đối với đất cây xanh sử dụng công cộng tại đô thị đặc biệt như TPHCM.

Một thực tế đáng buồn là các quận, huyện vùng ven và cả TP Thủ Đức đang phát triển rất nhanh, tốc độ đô thị hóa cao, nhưng ở nơi này chưa có công viên công cộng có diện tích lớn. Hiện nay, diện tích đất công viên công cộng tại khu vực nội thành cũ (13 quận) là 251,28ha, chiếm tỷ lệ 49,41% toàn thành phố. Tại 5 huyện ngoại thành, diện tích đất công viên công cộng chỉ có 59,41ha, chiếm tỷ lệ 11,75% toàn thành phố. Thiếu các công viên công cộng, đồng nghĩa với việc cộng đồng dân cư thiếu nơi vui chơi giải trí, nhất là các vùng ven, vốn đã không có nhiều nơi để vui chơi, thư giãn như các quận trung tâm thành phố.

Trong tổng số hơn 500ha CVCX hiện có ở TPHCM thì có công viên do UBND cấp quận, huyện quản lý, còn lại một phần trước đây trực thuộc ngành GTVT; đến cuối năm 2018 mới thống nhất giao về đầu mối là Sở Xây dựng. Các công viên lớn như Suối Tiên, Đầm Sen, Thảo Cầm Viên lại do các đơn vị khác quản lý, khai thác. Chính sự chồng chéo này đã khiến nhiều CVCX của thành phố trong một thời gian dài hoạt động không đúng công năng, nhiều nơi bị chiếm dụng thành bãi đậu xe, kinh doanh “thượng vàng hạ cám”, rất bát nháo. Trong thực tế, các bản quy hoạch chi tiết xây dựng các khu dân cư, khu đô thị mới ở TPHCM đều có diện tích cho CVCX, vậy nhưng đó chỉ là quy hoạch, kế hoạch nằm trên giấy, mà rất ít chủ đầu tư thực hiện. Nhiều nơi, công viên, mảng xanh lâu dần được chuyển đổi, biến hóa thành nhà ở, ki ốt. Ở một số huyện ngoại thành, đất quy hoạch CVCX thì có nhưng để hoang phế, cỏ lau um tùm.

Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, một trong những yếu tố làm nên một đô thị hiện đại, văn minh, đó là phải có diện tích CVCX cao, người dân được tiếp cận công viên một cách tiện lợi nhất. Nhưng đối với TPHCM, tỷ lệ CVCX trên đầu người quá thấp, lại phân bổ không đồng đều. Chẳng hạn như trên địa bàn quận 1, đang có những công viên lớn như Thảo Cầm Viên, Tao Đàn, 30-4; trong khi đó, các quận, huyện vùng ven như Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh… thì không thấy bóng dáng CVCX lớn nào.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cham-chut-la-phoi-cua-tphcm-bai-1-teo-top-mang-xanh-722284.html