Chấm chéo thi THPT có ngăn được tiêu cực?

Một trong những giải pháp kỹ thuật được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến áp dụng trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) 2019 là sẽ tổ chức chấm chéo theo cụm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chấm chéo theo cụm thì phải có ma trận chấm thi để tránh hiện tượng 'bắt tay nhau' giữa các tỉnh như đã từng xảy ra trong quá khứ hoặc giao việc chấm thi cho các trường đại học chủ trì.

Đề xuất giải pháp đổi mới ở kỳ thi THPTQG năm 2019, PGS. TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ: Vẫn nên tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPTQG, nhưng cần làm chặt hơn nữa ở quy chế tuyển sinh, có thưởng có phạt nghiêm minh đối với những người có trách nhiệm, đồng thời hoàn thiện hơn nữa phần mềm chấm thi.

"Không nên chấm chéo mà nên có ma trận tổ chức chấm thi để tránh hiện tượng bắt tay nhau giữa các tỉnh. Ma trận chấm thi sẽ phức tạp hơn chấm chéo giữa 2 tỉnh với nhau, nhưng cũng sẽ chặt chẽ, đảm bảo sự công bằng, khách quan hơn bởi trong quá khứ đã từng xảy ra câu chuyện 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã “bắt tay nhau” để điều chỉnh kết quả thi” - bà Nga đặt vấn đề.

TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Muốn việc xét tuyển vào đại học đảm bảo khách quan, công bằng thì các trường đại học phải được tham gia sâu vào tất cả các quá trình thi, đặc biệt là khâu coi thi và chấm thi. Điều này đã được minh chứng bằng kỳ thi “ba chung” trước đây.

Về đề xuất thi THPTQG trên máy tính với sự tham gia của các trung tâm khảo thí độc lập, TS Quách Tuấn Ngọc cho biết: Chuyện có các trung tâm khảo thí độc lập rồi thi trên máy tính là chúng ta đang nói trên lý thuyết, là chuyện của thì tương lai chứ xây dựng một bộ đề, một kho đề, một thư viện đề không phải là chuyện đơn giản.

“Chúng tôi đã từng ngồi một cuộc hội thảo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khảo thí cho biết, muốn bỏ tiền ra mua đề thi tiêu chuẩn của các tổ chức khảo thí nổi tiếng thế giới, người ta còn không bán, mà làm bộ đề đó đâu phải dễ. Người ta có kinh nghiệm làm đề đến cả mấy chục năm, mình đây mới có mấy năm thôi, chưa thể có đủ năng lực và kinh nghiệm để xây dựng ngân hàng thi đủ cho gần 1 triệu học sinh thi trên máy tính trong cùng một thời điểm. Cho nên, việc đổi mới cũng cần căn cứ trên điều kiện hiện có của Việt Nam.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang đảm nhận nhiệm vụ ra đề thi, một công việc nặng nề, áp lực mà lại rất dễ bị “ném đá”. Vậy mà ngay cả Bộ cũng có lúc “chao đảo” trước những đòi hỏi, những áp lực lớn từ dư luận. Thử hỏi, bây giờ, nếu có một trung tâm khảo thí độc lập hoạt động với tư cách tư nhân thì độ tin cậy có đảm bảo không, dư luận xã hội có tin tưởng không” - ông Ngọc đặt vấn đề.

GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đánh giá cao ở việc giảm áp lực, gọn nhẹ của kỳ thi THPTQG, tuy nhiên ông Đức cũng đề cập đến một số vấn đề phát sinh khi đổi mới thi. Theo GS Nguyễn Đình Đức, tại ĐHQGHN, số thí sinh bỏ học sau năm thứ nhất rất nhiều. Trong 2 năm vừa rồi rơi vào khoảng 700 em/năm, chiếm khoảng 10%.

Bên cạnh đó, xu hướng lựa chọn ngành xã hội nhân văn rất lớn, chưa bao giờ tỷ lệ này bùng nổ như bây giờ, cho thấy xu hướng học sinh đang lựa chọn những ngành dễ học. Đây là vấn đề cần được cảnh báo.

“Chúng ta đổi mới kỳ thi nên có nhiều vấn đề nảy sinh. Tôi cho rằng với 156 tổ hợp xét tuyển như hiện nay là quá nhiều. Với 26 điểm tổ hợp Toán, Lý, Hóa rõ ràng khác với 26 điểm tổ hợp Địa, Giáo dục công dân hay môn xyz nào đó về chất lượng học tập. Tổ hợp của ĐHQGHN chúng tôi bao giờ cũng có môn Toán bởi theo thông lệ thế giới là có Toán, Ngữ văn và Lịch sử. Do vậy, tôi cho rằng về tổ hợp xét tuyển thì cần cân nhắc, bởi nếu tổ hợp xét tuyển không cơ bản thì lợi bất cập hại, các trường có thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu nhưng chất lượng thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”- ông Đức nói.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/cham-cheo-thi-thpt-co-ngan-duoc-tieu-cuc-511735/