Chậm chạp bảo lãnh DNNVV vay vốn

(TBKTSG Online) - Cho đến thời điểm hiện tại, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn chưa hoạt động, quyết định số 03/2011/QĐ-TTg về bảo lãnh cho DNNVV cũng chưa được triển khai. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sắp được lĩnh thêm 250 tỉ đồng để phục vụ hoạt động bảo lãnh cho những doanh nghiệp này, nhưng đó vẫn chỉ mới là chủ trương.

Thanh Thương

Hoạt động tại một công ty chế biến các sản phẩm dừa ở Bến Tre. Được bảo lãnh vay vốn, doanh nghiệp nhỏ sẽ bớt khó khăn. Ảnh: Kinh Luân

>> Quyết định Số: 03/2011/QĐ-TTg

Trong 4 năm trở lại đây, khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn của kinh tế vĩ mô đã khiến nhiều DNNVV rơi vào tình trạng thiếu vốn và khả năng phá sản rất cao. Trước tình hình đó chính phủ đã hứa sẽ có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nằm trong nhóm này, trong đó có các giải pháp để DNNVV dễ tiếp cận vốn ngân hàng.

Tuy vậy, theo ông Đào Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc VDB, cho đến hôm nay, sau hơn 1 năm có quyết định 03, các bộ ngành liên quan vẫn không có những thông tư hướng dẫn cụ thể để VDB tiến hành bảo lãnh cho vay, nên ngân hàng vẫn chưa thực hiện được. “Nếu VDB tự ý thực hiện, khi những khoản nợ của doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại trở thành nợ xấu, ai sẽ chịu trách nhiệm”, ông Thắng nói.

Còn đối với khoản tiền 250 tỉ đồng mà chính phủ dự định rót thêm cho VDB để thực hiện hoạt động bảo lãnh, ông Thắng cho biết đây thực chất cũng là khoản dự phòng để VDB xử lý nợ xấu trong quá trình bảo lãnh. Nhưng hiện tại đây cũng mới là chủ trương và ngân hàng vẫn chưa nhận được khoản tiền trên. Còn việc bảo lãnh cho DNNVV vay vốn, VDB cho rằng cần có sự phối hợp với các bộ, ngành khác để hạn chế các rủi ro trong quá trình cho vay, nên khi không có hướng dẫn, VDB sẽ chưa triển khai được.

Như vậy, đến hiện tại, hoạt động bảo lãnh vay vốn đối với DNNVV từ phía nhà nước vẫn dậm chân tại chỗ. Ông Thắng cho rằng, nếu sớm có hướng dẫn, VDB sẽ gấp rút triển khai ngay trong quí 1. Chỉ tại một số thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội, đã có các quỹ này hoạt động, tuy vậy một phần do nguồn lực hạn chế, một phần do cẩn trọng trong cho vay nên chưa nhiều doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ các quỹ.

Theo Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 1-1-2012, Việt Nam có trên 540.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 97% là DNNVV. Và Theo Bộ Kế hoạch va2 Đầu tư, năm 2012 có khoảng 55.000 doanh nghiệp phá sản và giải thể. Cũng theo bộ này, từ năm 2009 đến 2012 VDB xem xét thẩm định và phát hành hơn 1.500 chứng thư bảo lãnh cho doanh nghiệp, không đáng kể so với số DNNVV đang hoạt động. Và theo VDB, đến nay hoạt động này đã ngừng hẳn do chưa có chủ trương mới từ chính phủ.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/taichinh/nganhang/90669/