Chạm bạc - Kéo cả thời gian

Từ xa xưa, người Dao Đỏ ở Mường Hum (Bát Xát- Lào Cai) đã nổi tiếng với những nét độc đáo trong nghề chạm khắc bạc mà người dân nơi đây vẫn quen gọi là nghề kéo bạc.

Muốn tới Mường Hum phải đi qua những con đường dốc quanh co, xuyên qua những cánh rừng già, một bên là vực sâu, một bên là vách núi đá dựng đứng. Có lẽ vì đường di chuyển khó khăn như vậy mà nơi đây có một nhịp sống rất chậm dãi êm đềm, khác xa với chốn đô thị phồn hoa.

“Những người muôn năm cũ”

Thôn Séo Pờ Hồ nằm bên bờ suối Pờ Hồ trong xanh, dựa lưng vào dãy Ki Quan San, đây là nơi cư trú của 41 hộ dân tộc Dao Đỏ nổi tiếng với những người thợ chạm bạc lành nghề mà người dân ở đây vẫn quen gọi là nghề kéo bạc. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, đi hết con đường đất nhỏ đến tận cuối bản mới tìm được nhà ông Tẩn Phù Thàng, một người thợ chạm bạc khéo léo nhất vùng. Điều bất ngờ nhất khi tới nhà ông Thàng đó là một ngôi nhà xây khang trang nổi bật giữa những mái nhà tranh của dân bản. Người phụ nữ dẫn đường cho chúng tôi bảo “Ở đây có mấy nhà làm bạc, nhà nào cũng khá giả, có của ăn của để, con cái học hành tử tế”.

Ông Thàng chạc ngoài năm mươi, nước da ngăm đen, gương mặt phúc hậu và nụ cười hiền hòa. Nhìn người đàn ông chất phác trước mặt, chẳng ai nghĩ đó là người nắm giữ những bí quyết đặc biệt trong nghề chạm bạc của người Dao Đỏ, nổi tiếng khắp Mường Hum. Ông theo nghề bạc đã hai mươi năm nay, chẳng thể đếm hết được bao nhiêu chiếc vòng, bao nhiêu bộ áo mũ đã được tạo ra từ bàn tay của ông. Nhìn những chiếc vòng cổ, vòng tay, những chiếc cúc bạc, chuông bạc trên bộ trang phục truyền thống của người Dao Đỏ, chẳng ai nghĩ là nó đã được tạo ra một cách công phu và tỉ mỉ như thế nào.

Khi thấy ông Thàng chăm chút, kĩ lưỡng trong từng công đoạn nhỏ của quá trình chế tác bạc mới thấy tâm huyết của người thợ bạc đều đặt hết lên những sản phẩm của mình. Những người thợ làm bạc lâu năm như ông giờ cũng chẳng còn mấy người, có còn thì cũng chẳng đủ sức để theo cái nghề này nữa.

Đã từng có quãng thời gian trong bản chỉ còn hai hộ làm bạc, nghề bạc tưởng chừng như đã mất đi, bởi lẽ không phải ai cũng có duyên với nghề bạc, không phải ai cũng có thể làm ra những sản phẩm bạc mang đậm dấu ấn đặc trưng của người Dao xưa. Và cũng bởi lẽ, làm bạc phải yêu nghề, chăm chút vào các công đoạn, đặt tâm tư của mình vào từng ngọn lửa, từng mắt xích nhỏ thì bạc làm ra mới có hồn và tinh tế.

Đôi bàn tay khéo léo của người thợ chăm chút cho từng công đoạn nhỏ.

Đôi bàn tay khéo léo của người thợ chăm chút cho từng công đoạn nhỏ.

Theo chân ông Thàng ra sau nhà, nơi ông dành riêng một gian phòng để làm bạc, chúng tôi được ông giải thích rõ hơn các công đoạn của quá trình chạm khắc bạc. Ông châm bếp lò bằng những miếng củi thông vẫn còn thơn mùi rừng bắt đầu đun bạc, khâu đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong quá trình làm bạc.

Ông cẩn thận đem bạc ta pha lẫn với một loại bạc truyền thống của người Dao, vừa để sản phẩm lam ra chắc chắn, vừa có màu bạc sáng đẹp. Đâu là khâu quan trong nhất của quá trình làm bạc vì nếu pha không chuẩn, đun lửa còn non hay đun quá tay hơn một chút là bạc sẽ không thành hình, không thể tiến hành những công đoạn tiếp theo. Sau khi đun nóng bạc là tới công đoạn đánh bạc, bạc được đổ vào khuôn phù hợp với hình dáng mà người thợ bạc mong muốn.

Ông Thàng khéo léo thổi lửa làm bạc.

Ông Thàng vừa đổ bạc vào khuôn vừa chậm rãi giải thích “Khuôn đổ bạc và các đồ dùng chế tác bạc của người Dao hầu hết đều được làm bằng sừng trâu, hơn nữa phải là những con trâu đực khỏe mạnh, có cặp sừng dài và thật cứng. Dùng sừng trâu làm khuôn, sức nóng của bạc vừa đun sẽ không làm hỏng khuôn, bạc cũng sẽ không bị pha tạp và mất đi giá trị.”

Ông nhanh nhẹn dùng chiếc búa bằng sừng trâu, gõ nhẹ vào khuôn, kéo những miếng bạc đã khô ra đem đi tạo hình. Việc tạo hình chính xác và khéo léo sẽ quyết định hình dáng của sản phẩm tạo ra có đẹp và đưa vào sử dụng được hay không. Ông Thàng đeo cặp kính lão, lấy ra bộ dao búa tỉ mẩn, chăm chú chạm những hoa văn tinh tế lên chiếc vòng tay. Đây là khâu làm bạc đem đến những giá trị và sự đặc biệt của trang sức bạc người Dao Đỏ so với những dân tộc khác. Nó không chỉ ấn tượng, khác lạ về hình khối, kiểu dáng mà còn đặc biệt bởi những hoa văn độc đáo, được chạm khắc tinh tế, hài hòa.

Bà Lý Tả Mẩy vợ ông Tẩn Phù Thàng tháo đôi khuyên tai của mình xuống, giải thích cho chúng tôi những hoa văn chạm khắc trên đó. “Trên đồ trang sức của người Dao Đỏ thường có họa tiết hình cây cối, hoa lá, mặt trời, chim, thú,… Đó đều là những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người Dao mà từ xưa tổ tiên cũng đã sử dụng làm trang sức và quần áo.”

Đôi bàn tay của người phụ nữ Dao thoăn thoắt nhóm lửa, giúp chồng dùng hàn the nối những khớp nối trên một đoạn dây xích. Ông Thàng dùng một chiếc ống dài, rỗng ruột, từ từ thổi hơi đưa lửa qua những khớp nối mà bà Mẩy vừa chấm hàn the. Trước mắt tôi là một bộ cúc áo, vòng bạc và dây xích chuông bạc ông Thàng đã kì công làm cả tháng nay, giờ chỉ cần đánh bóng là có thể giao cho cô dâu mới sắp về nhà chồng. Ông Thàng kể “Trước đây đánh bóng rất mất thời gian vì phải dùng tro bếp và vỏ trấu chà sát rất lâu bạc mới trắng được. Bây giờ gần với người kinh hơn, chỉ cần đun nước xà phòng nóng lên là có thể làm cho bạc vừa sáng vừa bóng.”

Ở Séo Pờ Hồ, người làm bạc đã ít, người làm bạc lâu và khéo như ông Thàng lại càng hiếm hơn. Trong bản, ai muốn học làm bạc ông Thàng đều giúp đỡ và chỉ dạy nhiệt tình, ông muốn lưu giữ nghề chạm bạc này để con cháu đời sau biết được, trang sức bạc và đồ bạc trên trang phục truyền thống của người Dao không chỉ là làm đẹp mà còn mang một nét văn hóa tinh thần lâu đời. Những người Dao là bạc vừa để có cuộc sống tốt hơn, vừa để không phụ lòng và giữ gìn những nét văn hóa mà người xưa lưu truyền lại.

Đối với người Dao Đỏ ở Séo Pờ Hồ bạc đã gắn liền với cuộc sống từ khi còn là một đứa trẻ. Bạc không chỉ là trang sức mà còn là vật trừ ta ma, tránh cảm gió và thể hiện sự giàu có.

Bộ trang sức bạc của người Dao Đỏ.

Bà Lý Tả Mẩy mặc bộ trang phục truyền thống của người Dao Đỏ.

Nghề chạm khắc bạc như một sợi tơ nối liền giữa các thế hệ người Dao qua nhiều thăng trầm lịch sử để những giá trị truyền thống tốt đẹp sẽ được lưu giữ và bảo tồn đến mai sau.

Xuân Bắc

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/cham-bac-keo-ca-thoi-gian-528517.htm