Chad: Pháp ủng hộ con trai tổng thống đứng đầu chính quyền chuyển tiếp

Tổng thống Macron kêu gọi chính quyền quân sự chuyển tiếp, do Tướng Mahamat Idriss đứng đầu, thúc đẩy ổn định, đối thoại, quá trình chuyển tiếp dân chủ.

Tướng Mahamat Idriss Deby. (Nguồn: Reuters)

Tướng Mahamat Idriss Deby. (Nguồn: Reuters)

Ngày 23/4, Pháp và các đồng minh sát cánh trong cuộc chiến chống phần tử nổi dậy Hồi giáo tại khu vực Sahel, còn gọi là G5 Sahel, tuyên bố ủng hộ các bước đi nhằm đưa con trai của cố Tổng thống Cộng hòa Chad Idriss Deby Itno, Tướng Mahamat Idriss Deby, trở thành người đứng đầu chính quyền quân sự chuyển tiếp.

Theo một quan chức Phủ Tổng thống Pháp, Tổng thống nước này Emmanuel Macron và những người đồng cấp trong nhóm G5 Sahel (gồm Burkina Faso, Mali, Mauritania và Niger) đã cùng gặp Tướng Mahamat Idriss Deby trước lễ tang của cha ông.

Tại cuộc gặp, các nhà lãnh đạo đã đưa ra quan điểm thống nhất, khẳng định sẽ sát cánh cùng Chad, cũng như ủng hộ quá trình chuyển giao quân sự-dân sự, hướng tới sự ổn định của khu vực.

Phát biểu tại lễ tang ông Idriss Deby, Tổng thống Macron cam kết ủng hộ "sự ổn định và toàn vẹn lãnh thổ" của Chad, đồng thời kêu gọi chính quyền quân sự chuyển tiếp, do Tướng Mahamat Idriss đứng đầu, thúc đẩy ổn định, đối thoại, quá trình chuyển tiếp dân chủ.

Dưới thời cố Tổng thống Idriss Deby, Chad là một trong những nước nòng cốt hỗ trợ Pháp trong cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Sahel. Pháp cũng là một đồng minh của Chad, đã từng hai lần giúp ngăn chặn các cuộc đảo chính nhằm lật đổ ông Idriss Deby trong suốt 30 năm cầm quyền.

Ngày 20/4, Tổng thống Idriss Deby Itno đã qua đời do bị thương nặng trên chiến trường khi đang chỉ huy quân đội chiến đấu với phiến quân ở miền Bắc. Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi ông được tuyên bố tái đắc cử nhiệm kỳ thứ sáu.

Diễn biến bất ngờ này đã đẩy Cộng hòa Chad vào tình cảnh khó đoán định và khiến các nước phương Tây quan ngại bởi ông Idriss Deby được xem là đồng minh chủ chốt tại khu vực bất ổn này.

Ông Idriss Deby Itno lên nắm quyền tại Chad từ năm 1990 và là một trong những lãnh đạo lâu đời nhất ở châu Phi.

Lâu nay, Chad là một trong những nước nòng cốt đóng góp nhân lực cho Lực lượng G5 Sahel chống khủng bố, hiện có khoảng 1.200 binh sỹ đồn trú tại Niger, gần biên giới với Mali và Burkina Faso, cũng như hàng trăm binh sỹ đồn trú cùng với phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali.

Tuy nhiên, các cuộc nội chiến bùng phát đã buộc ban lãnh đạo mới của Chad quyết định đưa quân về nước hỗ trợ và thực tế này có thể gây cản trở công tác gìn giữ hòa bình và chống khủng bố của 5.100 binh sỹ Pháp đang làm nhiệm vụ tại Sahel./.

Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chad-phap-ung-ho-con-trai-tong-thong-dung-dau-chinh-quyen-chuyen-tiep/707497.vnp