'Cha và Con'- lung linh sắc màu yêu thương

Triển lãm mỹ thuật mang tên 'Cha và con' của họa sĩ Nguyễn Đức Sáng và con gái là họa sĩ Nguyễn Thùy Dương vừa diễn ra tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam (16 Ngô Quyền, Hà Nội).

Đây không chỉ là nơi trưng bày những tác phẩm mỹ thuật của hai họa sĩ trong một gia đình, mà còn là sự tiếp nối, kế thừa và phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác của những người có cùng niềm đam mê đi tìm cái đẹp.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất “Ngàn năm văn hiến”, mỗi góc phố, mỗi con đường của Hà Nội dường như quá quen thuộc với ông. Rồi những hình ảnh đó gắn bó cùng tuổi thơ, đồng hành trong cuộc sống hằng ngày, len lỏi cả vào trong giấc mơ, để rồi một ngày, Nguyễn Đức Sáng cảm nhận tình yêu Hà Nội đã ngấm vào máu thịt và cái duyên đến với hội họa là thế. Tốt nghiệp chuyên ngành mỹ thuật của trường Mỹ thuật công nghiệp, ông chọn cho mình con đường đi riêng, đó là vừa dạy vẽ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, vừa sáng tác tranh để trang trải cuộc sống, đồng thời cũng là thỏa chí đam mê nghệ thuật của mình.

Làm nghệ thuật, đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ có tài năng, mà còn phải có cái tâm. Ngay từ khi mới bước chân vào nghề, ông đã khiêm tốn học hỏi, lắng nghe lời chỉ bảo của các thế hệ họa sĩ lão thành đi trước, rằng: “Muốn sáng tác được, trước hết phải nắm chắc hình họa cơ bản, đó là phải vẽ thật nhiều và làm việc thật nghiêm túc”. Sau này, họa sĩ lấy tiêu chí đó để kèm cặp cho các cháu học sinh, đồng thời thổi ngọn lửa đam mê cho thế hệ trẻ. Ở cái tuổi gần thất thập nhưng tay bút điêu luyện vẫn nhảy múa, hình khối chắc chắn, đường nét mạch lạc, màu sắc lung linh huyền ảo.

 Tác phẩm: Hẹn hò.

Tác phẩm: Hẹn hò.

Tác phẩm: Phố xưa.

Để có được phong độ ấy, đòi hỏi người nghệ sĩ luôn phải biết cho đi. Cho đi ở đây là cho tình yêu thương, biết giúp đỡ, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, những người có niềm đam mê hội họa nhưng không có điều kiện theo học, ông đã làm việc đó rất tốt, để nhận về cho mình là niềm vui, là năng lượng sáng tạo nghệ thuật bền bỉ. Nhà thời trang Võ Minh Tâm, cô gái trẻ từng được ông dìu dắt năm nào, gửi gắm sự biết ơn trên trang facebook cá nhân của mình: “Thật hạnh phúc khi dự triển lãm tranh của người thầy dạy vẽ đầu tiên, người thầy gõ đầu nhiều nhất mà không lấy đồng tiền học phí nào, chúc chú và con gái triển lãm thành công rực rỡ”.

Mỗi tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đức Sáng như một câu chuyện, người xem có thể bắt gặp cảm xúc của chính mình ở đâu đó trong tranh của ông: Đó là “Phố xưa”, “Phố đêm” hay “Hà Nội vào Đông”, chính là phút lắng đọng của những ai đó từng đi qua, từng chạm vào cái thời tiết giá lạnh của Hà Nội. Rồi tình cảm thiêng liêng của tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi trong những tác phẩm “Mẫu tử”, “Hẹn hò”, “Về làng”… bằng ngôn ngữ hội họa, bằng kinh nghiệm sống, sự trải nghiệm thực tế, tác giả gửi gắm ý tưởng của mình vào tranh, dẫn dắt người xem cảm nhận đầy đủ hơn về các lát cắt, những mối quan hệ diễn ra trong cuộc sống thường ngày.

Tác phẩm:Về làng.

Tác phẩm: Mẫu tử.

Nếu người cha Nguyễn Đức Sáng chọn cho mình phong cách chỉn chu, dày dặn, thì cô con gái Nguyễn Thùy Dương lại thể hiện sự trẻ trung, hồn nhiên bằng những ánh mắt ngây thơ, những màu sắc trong trẻo nhưng không kém phần lắng đọng và tinh tế. Thông điệp mà cô gái trẻ muốn gửi đến người xem là tuổi trẻ hãy nhìn thẳng về phía trước, với tinh thần lạc quan, tin yêu và hy vọng.

Hai thế hệ, hai phong cách khác nhau, nhưng khi xem tranh, chúng ta không thấy sự cách biệt hay khoảng cách, mà chỉ thấy toát lên tình yêu và niềm đam mê hội họa của gia đình làm nghệ thuật. Qua đó càng trân quý sự tìm tòi, thái độ lao động sáng tạo nghiêm túc của hai nghệ sĩ. Triển lãm lần này như món quà xuân, những bông hoa đẹp trong vườn hoa nghệ thuật dành tặng cho công chúng Thủ đô nói chung và những ai yêu hội họa của “Cha và Con” nói riêng.

PHÙNG MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/cha-va-con-lung-linh-sac-mau-yeu-thuong-611045