Cha và con gái trong quán cà phê

Cái 'nhà trẻ' trong quán cà phê này giúp tôi có cái nhìn tích cực về những người đàn ông lâm vào cảnh gà trống nuôi con.

Trên đường từ cơ quan về nhà, tôi thường tạt vào một quán cà phê để tìm chút thư thái, nạp lại năng lượng cho ngày làm việc. Từ chỗ ngồi quen thuộc, tôi có thể nhìn ra phố, quan sát những phận người hoặc đang hối hả chở hàng hoặc lui cui cầm tập vé số đứng ở góc ngã tư.

Tối qua cũng vậy, nhưng chưa yên chỗ thì thấy có hai cha con dắt nhau bước tới. Người cha chừng 40, chỉ vào con gái khoảng 5 tuổi, nói với tôi “Cháu nó thích cùng ba ngồi ngó ra ngoài, phiền em đổi chỗ giùm anh”. Tôi đồng ý, anh cảm ơn rồi phụ tôi đưa cái gạt tàn thuốc sang bàn kế bên.

Ông bố chăm chỉ, chu đáo và cặn kẽ khi trả lời con gái - Ảnh: Internet

Ông bố chăm chỉ, chu đáo và cặn kẽ khi trả lời con gái - Ảnh: Internet

Khu vực này ngay lập tức biến thành cái “nhà trẻ”. Bé gái ngồi trên ghế khua khoắng chân tay, lắc qua lắc lại, miệng thì líu lo đủ thứ chuyện.

Rồi thấy đổ đường vào ly trà đá khuấy, nếm một mình cũng tẻ nhạt, bé nhoài lên bàn dí cái muỗng vào miệng bố, bắt há mồm. Anh nuốt trọn, miệng chẹp chẹp khen “ngon ngon”.

Chưa hết, bé tụt khỏi ghế của mình, leo lên lòng, nắm lấy vai áo anh rồi ngồi tót lên cổ. Có vẻ ở trên cao “chị” khoái chí nên hết thò ngón tay móc ngược mũi “khổ chủ”, lại nắm lấy hai tai lắc lắc, nhún nhún như phi ngựa, miệng cười nắc nẻ.

“Ông bố tội nghiệp” không có vẻ bực bội mà nhiệt tình hưởng ứng bằng cách lắc lư theo. Các câu hỏi ngộ nghĩnh “Ba, cái chú kia kỳ vậy, sao lại ném rác bừa bãi vào gốc cây? Ba, cây này là cây gì? Ba đứng lên để con hái chiếc lá đi! Ba, lấy cho con cái ông hút kia. Ba, Thỏ Ngọc của ba có… ngoan không?”… đều được trả lời một cách chăm chỉ, chu đáo và cặn kẽ.

Đến khi “Thỏ ngoan của ba” chạy ra xa để đùa với mèo và nhún nhảy theo tiếng nhạc trong quán, anh mới quay sang bàn tôi cười trừ, nói thông cảm vì gây ồn. Tôi trả lời không sao và tếu táo “Sao không lôi theo mẹ của bé đi cùng để quán này náo nhiệt như sân vận động luôn?”.

Ông bố cười khẽ, ghé sang bên tôi giọng thì thầm “Cắt (ly dị) nhau hai tháng rồi! Vẫn đang phải nói dối con nhóc là mẹ đi công tác...”.

Anh kể yêu mẹ của bé được 6 năm, lấy nhau cũng chừng ấy thời gian thì dẫn nhau ra tòa và chính thức có quyết định từ đầu tháng 2 vừa rồi. Thời gian đầu, bé ngơ ngác rồi hẫng hụt khi sáng, tối đưa đón ở trường mầm non chỉ mỗi ba . Rồi cũng chỉ ba nó nấu nướng, dọn dẹp trước khi mắc mùng và kể chuyện cổ tích.

Sau cũng quen, chỉ thi thoảng nằm mơ là dằn dỗi “Con không thương ba, con không thương mẹ, con ghét cả nhà, con thương cô Thơm….”. Cô Thơm là cô giáo ở trường hay dạy bé hát, chơi trò chơi và bế bé ra trao cho anh mỗi cuối buổi chiều.

Một lần trên đường về anh thình lình gặp mẹ nó đi cùng chiều, tính dừng lại mà lỡ trớn tốc độ đành kéo ga zọt lên trước. Ai dè con bé tinh!. Mẹ mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang kín mít thế mà lúc vượt qua nó đã ngay lập tức nhìn thấy rồi hét gọi mẹ, mẹ. Vợ cũ anh chung chiêng tay lái rồi thắng vội bên lề đường, nó thì ngoái cổ, níu chặt lấy tay anh mà gào "ba ơi mẹ kìa".

Xót hết cả ruột!... nhưng vẫn phải nói dối là mẹ đi công tác nước ngoài, cô đó không phải”- Anh cười buồn.

Nhưng nếu không có chuyện tan vỡ thì còn tuyệt vời hơn rất nhiều... - Ảnh: Internet

Anh đang kể dở chuyện thì bé chạy lại, ôm khư khư con mèo của chủ quán với vẻ đắc thắng vì vừa rình bắt được.

Hào hứng quá nên… mất cảnh giác, bé vấp phải cái bậc thềm rồi ngã đánh oạch, mặt đỏ bừng, mếu máo khiến cả anh và tôi đều giật mình.

Chao ôi! Đến người dưng nhìn cũng xót, thế mà anh chỉ mất đúng 1 giây hoảng hốt, sau đó ngay lập tức lao đến … rồi bất ngờ ngã rất đẹp, áo trắng đóng thùng lăn những hai vòng “Ui da! Đau quá! Ba té rồi nè, hu hu, hức hức…”

Cái điệu bộ anh nhìn thiểu não y như thật, con anh chăm chú nhìn rồi bật cười khanh khách.

Lau cái trán nhẹ của bé bằng bàn tay thô ráp, anh nói về nhé Thỏ Ngọc của ba, mai ba con mình đi công viên. Bé gật đầu, nũng nịu đòi anh công kênh trên đầu, không quên “úy lạo” một câu mát ruột “Ba nhớ nhé, Thỏ Ngọc thương ba nhất”.

Anh xoay người gật đầu chào từ biệt tôi, bé cũng giơ hai bàn tay nhỏ nhắn lắc lắc tạm biệt “Mai mẹ con đi công tác về sẽ mua thật nhiều đồ chơi, con cho chú cái bóng bay…”

Cái “nhà trẻ” trong quán cà phê này giúp tôi có cái nhìn tích cực về những người đàn ông lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”. Hóa ra họ không khô khan và vụng về như từng tưởng tượng.

Nhưng nếu không có chuyện tan vỡ thì còn tuyệt vời hơn rất nhiều!

Theo Pháp luật TP.HCM

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/gia-dinh/tam-su/cha-va-con-gai-trong-quan-ca-phe-d110918.html