Cha tôi ngồi trên đống rơm

Đó là buổi chiều năm 1998, khi đó, cả làng đã xong vụ gặt hái, thóc đã say nắng nằm im trong bồ, rạ đã vào đống, rơm đã được chia đều cho những chú trâu của HTX theo kiểu đóng sản.

Tác giả Di Linh ngày ấy (bên phải)

Tôi nhớ mùa hè đó, vì đó là thời điểm chị gái trên tôi đi thi đại học (ĐH). Trù liệu cho việc này, mẹ tôi đã gây đôi lợn nuôi từ 6 tháng trước, canh đúng dịp chị đi thi là bán lấy lộ phí cho hai bố con lên đường ứng thí.

Khi chiếc xe bò kéo đôi lợn đã khuất đầu dốc, chỉ còn lại tiếng lợn eng éc vẳng lại, cha tôi sau khi đã ghi chép vào cuốn sổ của ông, rồi cất vào ngăn tủ, dọn dẹp tươm tất từ bãi phân lợn ỉa són trên mặt sân, tôi đã múc sẵn những thùng nước giếng đợi sẵn, rồi kỳ cọ mảnh sân đến mức nền gạch ửng đỏ... Vắt chiếc áo lên bờ giếng, cha tôi khoe bộ ngực nhìn rõ những rẻ xương sườn, chiếc bụng óp như người hóp lại khi nhịn thở, có cả vết mổ dạ dày lên thẹo to gần bằng chiếc thìa... Ông leo tót lên đỉnh đống rạ ngồi. Từ đỉnh đống rạ nhà tôi nhìn ra là cánh đồng làng Đống; thêm vài sải tay là mộ Bà Chúa, nghe đồn là cung tần của nhà vua về thăm quê, bị chết dọc đường, bà được chôn cất cùng bốn tì nữ đứng hầu 4 góc xung quanh...

Trên trời, vẩn lên những đám mây xám, trời gần như là trong xanh nếu như không có những ráng chiều từ mạn phía Tây hắt chéo lên. Sau này, khi cha tôi mất, dọn dẹp lại những thứ đồ đạc của cha, tôi tìm tìm được cuốn sổ, đọc được những dòng ghi chép về thời điểm cân đôi lợn lấy tiền đưa chị tôi đi thi ĐH. Ông chỉ ghi vắn tắt vài dòng, đại ý: ngày tháng năm, bán lợn đưa Hoa đi thi; cân nặng, chia theo tháng tăng được 13kg/con/tháng... Nhớ về cha, trong tôi ngổn ngang những cảm xúc pha trộn: thương, giận, trách, buồn tủi, nhưng hơn hết, là sự thương, Lẽ ra, ông sẽ là người xênh xang theo đúng những phẩm chất, năng lực ông có; và như thế, chị em tôi cũng không phải bon chen, xuôi ngược trên đường đời, vì ít nhất có một điểm tựa...

Tác giả bây giờ. Ảnh do tác giả cung cấp

Nhưng, chúng tôi cũng sớm hiểu được rằng, ông không thể chệch chuẩn với tính cách mà ông có. Thay vì giận, tôi sẽ cố gắng làm những điều mà cha tôi còn dang dở! Thước đo nền kinh tế, đôi khi tôi cứ tự hỏi, GDP của chúng ta trong 1 thập niên qua tăng gấp 10 lần, từ mức 800k/người quãng năm 1999, tương đương 40$, nay đã ở mức 1.000$/người. Đó là phép tính lấy tổng nguồn thu rồi chia trung bình theo số người để ra 1 con số, sau đó sẽ đưa vào các bản báo cáo để tiếp tục tính toán, so sánh... Phép chia đó, không có nghĩa là mỗi người sẽ nhận được ngần ấy tiền từ nhà nước, đều đặn hằng năm; không giống như bố tôi xóc chiếc đòn càn vót nhọn hai đầu, xọc vào hai bó rơm to lù lù bằng đúng 2/3 sân rơm mà tôi kỳ công phơi tròn 3 nắng, đến độ cọng rơm vàng óng, thanh thoát, thơm ngậy mùi nắng chứ không còn mùi đất, rồi vừa nhanh nhẹn, vừa chậm rãi gánh đi nộp sản nuôi trâu HTX...

Dù rất tiếc cả sân rơm gần như bị mất hết, nhưng đó là quy định, mà có tỏ ra tiếc, cha tôi biết được, ông còn cho ăn mấy cái bạt tai. Tuổi thơ của chị em tôi trôi đi bằng những thèm khát và tiếc nuối, về những giấc mơ, sự thèm muốn những thứ mà tôi biết, nếu để có được nó, cha mẹ tôi sẽ chỉ cho phép vào một dịp nào đó trọng đại, hoặc là sẽ chỉ có cái này chứ không thể có hai thức cùng lúc.

Khi ra trường, chiếc xe máy mẹ mua cho tôi, phải 3 năm sau hai mẹ con mới trả hết. Bây giờ, có những tháng, tôi có thể mua luôn được chiếc xe máy đó mà không phải đắn đo mới quyết định. Thế nhưng, những ghi chép, nhiều chỗ khá tủn mủn của cha tôi, nó cứ theo tôi đi suốt, như thể là hành trang. Nó dạy cho tôi yêu quý những thứ mà tôi có được, bằng sức lực và nỗ lực. Nó không khiến tôi vội vàng hay hấp tấp, rằng mục tiêu năm này năm kia, phải có cái này cái khác… Ông lão cởi trần ngồi trên nóc đống rạ. Bên cạnh ông, cây dứa dại với những chiếc gai nhọn sắc, cao quá đầu người, được trồng để che cái khe tiếp giáp giữa nhà tắm và nhà bếp, để kẻ gian đêm hôm không lần qua cái khe đó vào nhà…

Không biết, trong đầu ông lúc ấy đang nghĩ những gì, ngoài những điều ông ghi chép vào trong cuốn sổ mà sau này tôi đã được đọc. Ông có mái tóc xoăn tự nhiên, mà mẹ tôi bảo, con trai của tôi cũng có mái tóc xoăn giống ông nội.

Cha tôi đấy, mùa hè năm 1998, 21 năm về trước, khi tôi bắt đầu là cậu học sinh học hết cấp 2.

Di Linh |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/cha-toi-ngoi-tren-dong-rom-70197