Cha tôi-chiến sỹ Tây Tiến!

Quê nội tôi ở Bắc Ninh, quê ngoại ở ngay phố Hàng Đào, Hà Nội. Nhưngkhông biết từ bao giờ, vùng đất Tây Bắc đã gắn bó máu thịt với tôi và với anh em tôi như quê hương vậy.

Chàng thanh niên trí thức Hà Nội được giác ngộ cách mạng

Chuyện rằng, bố tôi đã thoát ly gia đình từ nhỏ. Tuổi 14, mồ côi mẹ, 15 tuổi mồ côi cha, bố tôi đang học năm thứ hai Thành Chung trường Thăng Long buộc phải nghỉ học đi làm kiếm tiền nuôi hai em nhỏ (Ngô Đình Đức và Ngô Thị Tuyết). Đầu tiên, chàng thanh niên có chút chữ nghĩa và khá thông minh ấy làm thư ký cho Tiệm gỗ Anbert Pia ở phố Lò Sũ. Đó là mùa hè năm 1942, dấu mốc của cuộc sống thiếu vắng tình cha mẹ và rời bỏ học đường để làm con chim đầu đàn cho những đứa em bé nhỏ của chàng thanh niên 15 tuổi. Một năm sau, ông chuyển sang làm tại Hiệu thuốc Sionogi ở phố Cầu Gỗ mà chủ là một người Nhật.

Giai đoạn này ở Hà Nội khá phức tạp: Tàu Tưởng sang, Nhật vào, Pháp chạy. Trước cảnh đất nước lầm than, bầy lang sói dày xéo dân lành, chàng thanh niên Ngô Đình Nhung đã được giác ngộ. Bạn học cùng trường Thăng Long với bố tôi trước đây là Trần Huy Diễn, con cụ Trần Huy Liệu, đã rủ ông cùng tham gia “Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Thành Hoàng Diệu”, lúc đó gọi tắt là Đội sao tròn.

Vừa đi làm, vừa tham gia hoạt động Đội với hình thức hai mang, có lần ông bí mật chuyển thuốc của bọn Nhật từ cửa hiệu Sionogi sang quân Việt Minh, suýt nữa bị giặc phát hiện…Cách mạng tháng Tám thành công, bố tôi nghỉ việc hoàn toàn ở hiệu thuốc và vào Trại tập trung tại phố Trần Hưng Đạo (gần ga xe lửa) với nhiệm vụ bảo vệ cho các cuộc mít tinh, tuyên truyền ở Thủ đô. Lúc này, người anh cả đành dứt ruột giao lại hai đứa em cho bà dì ở phố Sinh Từ nuôi.

Bố tôi kể, lúc lên đường vào đơn vị đóng quân, cô em gái Ngô Thị Tuyết chạy ra cửa đứng dõi theo, đôi mắt ngây thơ mở to nhìn anh ngơ ngác. Quyết tâm bước chân vào quân ngũ tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ, không ngờ sau nhiều năm bôn ba trở về, cả hai người em đều bị mất tích, tới giờ bố tôi vẫn không quên được đôi mắt như hờn dỗi, oán trách ấy. Đó là nỗi đau thứ hai sau nỗi đau mất bố mẹ mà tuổi thanh niên bố tôi phải gánh trải.

Trở lại với câu chuyện đóng quân ở phố Trần Hưng Đạo, sau khi làm tốt việc bảo vệ các cuộc mít tinh, bố tôi được chọn cùng 25 người sang Chi đoàn giải phóng quân đóng ở phố Khâm Thiên, rồi tiếp tục được biên chế vào Chi đoàn Việt Hùng đóng ở làng Khương Hạ để phát triển lực lượng, học quân sự chuẩn bị đối phó với tình hình mới. Sau đó mô hình “Tiếp phòng quân” được thành lập, bố tôi được chuyển sang đóng quân tại Nhà máy Rượu bên bờ bắc cầu Long Biên.

Ở đây, những người có trình độ học vấn được cử đi học cứu thương. Ông vừa ở tiểu đội súng máy, vừa đi học cứu thương, mỗi lần đi chiến đấu đem theo đồ cứu thương và 500 viên đạn Mouston, hễ có thương binh là sơ cứu băng bó và đưa về tuyến sau.Trước ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, ông cùng đồng đội huấn luyện dân quân, tập huấn cứu thương ở thôn Bắc Cầu, Long Biên nhằm đánh chặn xe địch với phương thức cứ đánh rồi rút - đánh du kích. Một thời gian, ông lại được chuyển sang tham gia mặt trận Hoàng Hoa Thám, đóng tại đường Bưởi, vẫn với lối đánh du kích chặn đường rút của giặc.

Hình ảnh chiến sỹ Tây Tiến Ngô Đình Nhung trưng bày ở Nhà lưu niệm khu Lâm Viên Bia Tây Tiến, Mộc Châu, Sơn La

Hình ảnh chiến sỹ Tây Tiến Ngô Đình Nhung trưng bày ở Nhà lưu niệm khu Lâm Viên Bia Tây Tiến, Mộc Châu, Sơn La

Gia nhập Trung đoàn Tây Tiến oai hùng!

Cuối năm 1946, bố tôi chính thức lên đường Tây Tiến, đóng tại Hòa Bình, sau này được gọi là Trung đoàn 52 Tây Tiến. Đây bắt đầu thời kỳ đầy gian khổ của những người lính còn vương nét hào hoa đô thành, nhưng cũng vô cùng quả cảm, anh dũng.

Trước khi đi Tây Tiến, bố tôi được gửi lớp học cấp tốc 6 tháng đào tạo y tá ở Ý Yên, Nam Định. Nhưng vì bận chiến đấu, ông đến nhập học muộn hai tháng. Vậy mà chỉ trong bốn tháng theo học, kết thúc khóa, bố tôi cùng một bác (chính là bác Phú, chồng cô Nguyễn Thanh Huyền – đôi vợ chồng Tây Tiến sau này) đã đỗ đầu. Sau khi họp hội đồng chấm thi, bố tôi được chọn là người đỗ thủ khoa, được biên chế vào Bệnh xá Trung đoàn Tây Tiến.

Ngày 18-6-1948 chiến sĩ Tây tiến Ngô Đình Nhung vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, sinh hoạt tại chi bộ “Chi đoàn bộ” Trung đoàn 52 Tây Tiến (Chi bộ ghép). Thời gian này, ông vài lần được cử đi dự hội nghị của Quân khu, bị chết hụt mấy lần do địch tập kích. Rồi những câu chuyện ốm sốt rét, bản thân ông bị sốt rét rất nặng vẫn chống gậy thăm khám cho thương binh, nhường thuốc ký ninh cho đồng đội uống…, tất cả dường như là bản năng người lính, trong gian khổ họ đối với nhau đều như vậy.

Cũng có lúc tình yêu lứa đôi chợt lóe sáng trong những lần bố tôi được phân công công tác, giúp đỡ quần chúng cảm tình Đảng. Có lần, hai người gần nhau trong gang tấc mà rồi ông đã phải gạt đi, bởi nghĩ rằng mình phải phục vụ cách mạng, đến ngày hòa bình về Hà Nội còn phải tiếp tục 2 nuôi em…Ai ngờ rằng sau này ông không bao giờ được gặp lại những người em ruột thịt nữa…

Đến năm 1949, bố tôi được cử đi học lớp chính trị viên khóa “Chuẩn bị tổng phản công” 6 tháng và được bổ sung vào Trung đoàn Ký Con, Đại đoàn 304 để đi chiến dịch, làm công tác thương binh với chức danh Y tá-Chính trị viên. Ở đây, ông được bầu là đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đại đoàn. Sau đó, Cục quân y lại gọi ông về học chuyên môn 6 tháng ở Thái Nguyên rồi cử về Đại đoàn 316 làm Trưởng Ban phòng bệnh quân y, tham gia các chiến dịch hậu địch ở Bắc Ninh, Bắc Giang.

Năm 1952, ông trở thành quân y sĩ chuyên môn vững, trở lại Tây Bắc, đóng tại Sơn La. Đến năm 1954, ông thuộc Ban Quân y Đại đoàn, hai lần lên Điện Biên tham gia chiến dịch lịch sử, không nề bất cứ việc gì, từ đào hầm, kiểm tra tình hình ăn ở quân sĩ, chuẩn bị hầm phẫu thuật…cho đến việc chôn cất tử sĩ, tẩy uế thu dọn chiến trường khi chiến dịch kết thúc…

Những năm tháng gian khổ, kể cả giây phút đối mặt với cái chết, bố tôi vẫn giữ nguyên tư chất của người thanh niên trí thức Hà Nội, khi đất nước lâm nguy thì chiến đấu, có phút nào bình lặng giữa cuộc chiến lại đem thơ tiếng Pháp ra dịch. Nhiều bản dịch thơ La Phontelle của bố sang tiếng Việt như bài La Biche (Con nai) sau này tôi được bố đọc cho nghe, rất hay và cảm động. Đó cũng là động lực để sau này tôi quyết định thi vào học khoa Pháp Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Quốc gia) rồi trở thành nhà báo (gắn bó hơn 30 năm với Đài TNVN). Các anh và em trai tôi, người là sĩ quan Quân đội gắn bó binh nghiệp cả cuộc đời như bố, người là bác sĩ, hay cán bộ ngân hàng, đều chảy trong huyết quản dòng máu Tây Tiến hào hùngthừa hưởng của bố mẹ: Yêu nước, yêu thơ!

Thế hệ Tây Tiến tiếp bước cha

Hòa bình lập lại năm 1954, bố tôi được về Hà Nội học 6 tháng rồi được phân công lên Quân y viện 6 Sơn La. Trong thời gian học, ông gặp mẹ tôi, một cô gái phố Hàng Đào mỏng mảnh, dịu dàng. Hai người cưới nhau năm 1958, sau đó chàng tiếp tục lên đơn vị, nàng tạm ở lại đô thành. Một năm sau, mẹ tôi cũng rời bỏ phồn hoa đô thị theo chồng lên Tây Bắc, sinh bốn anh em chúng tôi ở nơi rừng xanh núi đỏ và đặt tên các con là: Sơn, Lâm, Thủy, Chung.

Ôi tình yêu của người lính Tây Tiến, vừa nhiều chất thơ vừa mạnh mẽ, lôi cuốn. Có lẽ sức mạnh của tình yêu ấy đã truyền sang thế hệ chúng tôi, trên mọi bước đường, ở mọi ngả cuộc đời. Dường như những người con của gia đình Tây Tiến bao giờ cũng cương trực, ngẩng cao đầu với niềm tự hào, lạc quan từ chất men hiếm có ấy.

Tác giả chụp ảnh cùng ảnh của bố tại Nhà lưu niệm khu Lâm Viên Bia Tây Tiến, Mộc Châu, Sơn La

Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ bao kỷ niệm tuổi thơ ở vùng núi Mai Sơn, Sơn la, nơi Quân y viện 6 đóng quân. Có ngày cả mấy anh em ra đầu dốc ngóng bố đi công tác về, thấy từ xa ánh đèn pin và tiếng radio Orionton phát ra cùng tiếng chuông kính coong của chiếc xe Thống nhất, thế là biết bố về. Chúng tôi òa ra chào bố. Có ngày, sau khi tự tổ chức thi nấu cơm, trông em giữa đám trẻ con với nhau, chúng tôi lại bày trò trốn mẹ, mỗi đứa chui vào một góc kín, thấy mẹ về ngơ ngác tìm con là ùa ra…Rồi những năm 1968, 1969, bố tôi về phụ trách Đội an dưỡng cán bộ ở Lạc Thủy, Hòa Bình, tôi mới bốn, năm tuổi mà cũng địu em trên lưng đi hái lá về làm Thạch Sanh đốn củi, đi nhặt tôm mắc cạn mỗi khi đóng đập thủy điện…

Người lính Tây Tiến đã dạy cho các con biết sống tự lập. Bốn anh em tôi đều trưởng thành cho dù bố tôi đã phải vượt qua rất nhiều thử thách sau đó, khi ông bị hỏng mắt không nhìn thấy gì nữa phải về hưu giữa độ chuyên môn đang chín. Thế nhưng không khó khăn nào quật đổ người lính Tây Tiến. Bố mẹ đã nuôi dạy chúng tôi trở thành người lương thiện, cả bốn con vào đại học, tự nỗ lực phát triển sự nghiệp…để đến bây giờ cây phả hệ họ Ngô tiếp tục đơm hoa kết trái.

Giờ mẹ của chúng tôi đã đi xa tròn 8 năm, bố tôi đã 93 tuổi. Chúng tôi luôn sẵn sàng tháp tùng bố đi họp hội CCB Tây Tiến bất kể lúc nào khi ông đủ sức khỏe. Công việc hoạt động của Ban liên lạc CCB Tây Tiến ngày nay đã được các con em đứng ra lo thay các cụ, thay mặt các cụ thăm hỏi những CCB Tây tiến ốm đau, xem như đại gia đình Tây Tiến. Năm nào, chúng tôi cũng tổ chức đi dâng hương các anh hùng liệt sĩ ở các tượng đài, các nghĩa trang, bia tưởng niệm gắn với lịch sử đoàn quân Tây Tiến từng đóng quân, chiến đấu, làm công tác binh vận trên mặt trận miền tây và làm công tác tri ân, khuyến học với vùng đồng bào đã cưu mang, nuôi dưỡng đoàn quân Tây Tiến.

Năm 2015, Ban liên lạc đã tổ chức thành công Hội thảo “Tây Tiến-70 chiến thắng Mường Láp, Hủa Phăn, Lào”. Năm 2017, Ban liên lạc tổ chức thành công “Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trung đoàn 52-Tây Tiến” đồng thời phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội xuất bản xong cuốn sách “Tây Tiến-70 chiến thắng Mường Láp, Hủa Phăn, Lào”.

Trong những cuộc dâng hương và làm công tác tri ân, khuyến học, các con em Tây Tiến đã kéo theo nhiều người yêu Tây Tiến cùng chung tay, góp công sức, của cải tặng quà cho các trường học mang tên Tây Tiến như sách, vở, truyện, thiết bị thư viện. Riêng trường tiểu học Tây Tiến ở Sài Khao, Mường Lát, Ban liên lạc trong nhiều năm đã tặng cặp sách, sách giáo khoa, vở, bút, áo ấm, và mới đây là máy phát điện để chia sẻ khó khăn với thầy trò nơi đây. Bản thân tôi và các anh chị em trong gia đình cũng góp những phần nhỏ bé trong tất cả những hoạt động này. Làm được điều đó là bởi hình ảnh bố Tây Tiến luôn như ngọn đèn chiếu sáng dẫn bước các con đi.

Thanh Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cha-toi-chien-sy-tay-tien-164654.html